Viết bài văn Không thầy đố mày làm nên và Học thầy chẳng tày học bạn, câu nào là chân lí cung cấp cho thầy cô và các em học sinh dàn ý và bài viết tham khảo.
Viết bài văn Không thầy đố mày làm nên và Học thầy chẳng tày học bạn, câu nào là chân lí
Dàn ý chi tiết
Mở bài: Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận và khái quát về giá trị của hai câu tục ngữ
* Dẫn dắt vấn đề
-Tục ngữ vốn là những tác phẩm dân gian, chắt lọc các kinh nghiệm quý báu trong đời sống lao động mà ông cha ta đã để lại cho con cháu.
– Kho tàng tục ngữ của Việt Nam, ta thấy có rất nhiều lời khuyên răn độc đáo, thú vị.
* Khái quát về giá trị của hai câu tục ngữ
– Vậy hai câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn” liệu có mâu thuẫn nhau, câu nào mới là chân lí sâu xa giúp con người hướng tới những giá trị nhất định trong việc học tập của mỗi con người?
Thân bài: Bàn luận về hai câu tục ngữ
1. Nội dung của hai câu tục ngữ
a. Sự khác biệt của hai câu tục ngữ
– “Không thầy đố mày làm nên”:Đánh giá cao vai trò của người thầy trong việc học tập của mỗi con người
– “Học thầy không tày học bạn”: Khẳng định vai trò của việc học bạn trong quá trình lĩnh hội tri thức.
b. Cách nhìn nhận hai câu tục ngữ cho chính xác
*Câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”:
– Ca ngợi, thậm chí đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của người thầy đối với học sinh. – “Không thầy” không người chỉ bảo, dẫn dắt dạy chúng ta thì chúng ta chẳng thể thành thạo mà làm tốt được công việc nào đó.
– Thầy là người chỉ dẫn tri thức cho mỗi chúng ta, mà còn là người truyền lửa, tiếp thêm đam mê, dạy cho ta biết cái hay cái đẹp, biết sống làm người có đạo lí.
– Dẫn chứng về những người thầy tài giỏi, có nhiều học trò thành công: Khổng Tử, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm,…
– Song thực tế, dù thầy giỏi đến mấy nếu không có sự hết sức nỗ lực hết mình của bản thân mỗi con người trong học tập thì cũng không thẻ đạt được thành công
* Câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” :
– Cách so sánh có phần chưa hoàn toàn chính xác nó đã vô tình hạ thấp vai trò và tác dụng của người thầy, đề cao quá mức vai trò của bạn bè trong việc học tập.
– Bạn bè cùng trang lứa tạo ra sự thông cảm, gần gũi có những quan điểm, cách suy nghĩ tương đồng nhau, nên việc học hỏi cũng dễ dàng tiếp thu hơn.
– Cần nhìn nhận chính xác hơn: trong giáo dục, người thầy có vai trò to lớn, bạn bè chỉ có vai trò hỗ trợ.
2. Đánh giá về hai câu tục ngữ
– Hai câu tục ngữ không mâu thuẫn mà cùng bổ trợ cho nhau. Đưa ra vai trò mà thầy và bạn cùng đem lại cho ta trên con đường học tập.
– Hiểu được ý nghĩa hai câu tục ngữ và có cách nhìn nhận đúng đắn, mỗi người sẽ thấy cả hai câu đều là chân lí giúp con người trên hành trình tìm kiếm học vấn của mình.
3. Bài học vận dụng
– Cần chủ động học tập sáng tạo không chỉ thụ động học mỗi của thầy.
– Trao đổi, chia sẻ với bạn bè, nhờ bạn giúp đỡ nếu trong học tập có khó khăn
– Không chỉ học ở thầy, ở bạn mà còn phải học ở cả trong sách vở, trong đời sống để hoàn thiện bản thân.
– Cần tôn trọng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong học tập: ham học hỏi, tôn sư trọng đạo…
Kết bài: Khái quát lại vấn đề, đưa ra thông điệp
* Khái quát lại vấn đề
– Hai câu tục ngữ trên đã mở ra cho ta một con đường đi đến tri thức, đi đến thành công một cách rất cụ thể, đều là chân lí mà con người cần hướng tới
* Thông điệp
– Trân trọng những người luôn đồng hành cùng ta trên con đường tri thức rộng mở ấy.
-Hãy cứ đi về phía trước vì bên cạnh bạn luôn có những người đồng hành tin cậy và quý giá như thầy, như bạn và cả gia đình chúng ta.
Viết bài văn Không thầy đố mày làm nên và Học thầy chẳng tày học bạn, câu nào là chân lí
Tục ngữ vốn là những tác phẩm dân gian, chắt lọc các kinh nghiệm quý báu trong đời sống lao động mà ông cha ta đã để lại cho con cháu. Đến với kho tàng tục ngữ của Việt Nam, ta thấy có rất nhiều lời khuyên răn độc đáo, thú vị. Bên cạnh đó, rất nhiều các câu tục ngữ khi ra đời đọc qua ta tưởng như chúng có sự mâu thuẫn với nhau, song ẩn sâu trong mỗi câu tục ngữ ấy lại mang triết lí sâu xa cùng hướng tới những giá trị nhất định. Vậy hai câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn” liệu có mâu thuẫn nhau, câu nào mới là chân lí sâu xa giúp con người hướng tới những giá trị nhất định trong việc học tập của mỗi con người?
Đầu tiên muốn khẳng định vai trò của hai câu tục ngữ trên đối với mỗi chúng ta trong phương diện học tập, ta phải hiểu được bản chất của mỗi câu. Từ xưa tới nay đã có rất nhiều những câu nói, câu ca dao, câu tục ngữ ca ngợi giá trị của người thầy đối với sự thành công của mỗi chúng ta như:
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy
Hay:
Ơn thầy soi lối mở đường
Cho con vững bước dặm trường tương lai
Và câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” cũng nằm trong số đó. Nó nhằm ca ngợi, thậm trí đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của người thầy đối với học sinh. “Không thầy”: không người chỉ bảo, dẫn dắt dạy chúng ta từ những bước đầu tiên, những kiến thức, kĩ năng cơ bản về đời sống về nghề mà chúng ta theo đuổi thì chúng ta chẳng thể thành thạo mà làm tốt được công việc đó. Đối với việc trưởng thành và tạo dựng sự nghiệp của học sinh, công lao người thầy quả là to lớn. Thầy ở đây không chỉ hàng ngày đứng trên lớp giảng bài, chỉ dẫn tri thức cho mỗi chúng ta, mà còn là người truyền lửa, tiếp thêm đam mê, dạy cho ta biết cái hay cái đẹp, biết sống làm người có đạo lí. Rất nhiều những người học trò thành công nhờ những người thầy giỏi: Khổng Tử, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm,…Song thực tế cũng đã cho thấy, người thầy không phải một vĩ nhân, không phải một người có sức mạnh phi thường có thể giúp tất cả chúng ta thành công, mà một yếu tố cũng quan trong không kém đó chính là sự hết sức nỗ lực hết mình của bản thân mỗi con người trong học tập. Chiụ khó lắng nghe, chịu khó tiếp thu thì mới có thể đạt được kết quả như mong muốn. Thế nên, nếu ta phủ nhận sự nỗ lực của bản thân mỗi học sinh trong qua trình học tập mà chỉ đánh giá riêng vai trò của người thầy sẽ là phiến diện và không hoàn chỉnh. Do đó, xét đến cùng cần hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ một cách sâu xa và nhiều chiều hơn thì ta mới thấy được hết vẻ đẹp và giá trị của nó đối với mỗi con người.
Bên cạnh người thầy, ông cha ta cũng khẳng định vai trò của người bạn đối với mỗi chúng ta trên con đường học tập, khi đưa ra đánh giá “Học thầy không tày học bạn”. Có thế hiểu, câu tục ngữ này nhằm đề cao vai trò và sự hỗ trợ đắc lực của những người bạn bên cạnh ta, học cùng ta, đồng hành và giúp đỡ ta trên con đường tri thức. Dù có học “thầy” nhiều đến mấy cũng không “tày” (không bằng) bạn chỉ dạy ta, tận tình giúp đỡ ta mỗi ngày. Cách so sánh này có phần chưa hoàn toàn chính xác nó đã vô tình hạ thấp vai trò và tác dụng của người thầy, đề cao quá mức vai trò của bạn bè trong việc học tập. Vì thực tế chúng ta thấy trong cuộc sống bạn cũng là những người có tác động rất lớn đối với sự tiến bộ của mỗi chúng ta. Song sự tác động, hỗ trợ của bạn cũng chỉ ở một phần nào đó, không thể toàn diện, mà người thẫy vẫn phải là người chủ yếu. “Học bạn” là ta nhận được sự khích lệ của người bạn trong quá trình học, khi kiến thức thầy giảng trên lớp, có gì chưa hiểu, ta đem hỏi lại bạn bè. Bạn tận tình hướng dẫn cho ta, tức là bạn cũng đang giúp ta hiểu sâu, hiểu kĩ hơn về bài học, bạn đóng vai trò của người thầy của ta trong thời điểm nào đó. Bởi, ta thấy bạn bè cùng trang lứa tạo ra sự thông cảm, gần gũi có những quan điểm, cách suy nghĩ tương đồng nhau, nên việc học hỏi cũng dễ dàng tiếp thu hơn, chứ không phải chỉ cần học bạn mà không cần học thầy, coi thường vai trò của người thầy. Đồng thời, ta cũng cần học hỏi thêm trong sách vở cũng như ngoài đời sống để tự hoàn thiện bản thân. Và quả thật đã có nhiều đôi bạn cùng tiến, cùng nhau vươn lên học tập bởi hình thức học vô cùng hiệu quả này. Qua đó, câu tục ngữ cũng giúp chúng ta nhìn nhận một cách đứng đắn hơn, trong giáo dục người thầy vẫn là người quan trọng, to lớn, bạn bè chỉ có vai trò hỗ trợ mà thôi.
Khi mới đọc qua hai tục ngữ, nếu vội đánh giá ta tưởng như sẽ nổ ra một cuộc tranh cãi không dứt khi phải bảo vệ vai trò của người thầy trong việc giáo dục với câu “Không thầy dố mày làm nên”. Hay bảo vệ sự đồng hành của bạn bè trong học tập trong câu “Học thầy không tày học bạn”. Thực tế, cả hai câu tục ngữ đều chứa đựng những giá trị cao đẹp nhằm bổ trợ cho nhau và mỗi câu đều có những ý đúng, nếu xét theo khía cạnh riêng của nó. Hiểu được ý nghĩa hai câu tục ngữ và có cách nhìn nhận đúng đắn, mỗi người sẽ thấy cả hai câu đều là chân lí giúp con người trên hành trình tìm kiếm học vấn của mình.
Thế nên, có thể thấy hai câu tục ngữ đã giúp ta học tập và nhận thức được rất nhiều những giá trị cao đẹp. Hiểu như thế nào là đúng, là toàn diện, là sâu sắc để ta ứng dụng vào thực tế cũng chính là quá trình ta tự nhận thức được vai trò của thầy, của bạn. Do đó, ta cần nhớ trong qua trình học tập bản thân chúng ta cần phải chăm chỉ, nỗ lực từng ngày, chủ động sang tạo chứ không chỉ thụ động chờ đợi vào người thầy. Luôn có tinh thần cầu thị tiếp thu những kiến thức mới mà thầy cô dạy dỗ, trao lại cho ta đó cũng chính là cách tốt nhất ta thể hiện lòng biết ơn đối với thầy cô. Mặt khác, chính bản thân chúng ta phải không ngừng suy nghĩ, sáng tạo mong muốn tìm tòi thêm những điều hay, tạo ra những cái mới để cống hiến và xây dựng đất nước. Đồng thời, ta cũng cần học hỏi ở bạn, lắng nghe những điều bạn chia sẻ, mạnh dạn nhờ bạn giảng lại hay chỉ cho ta những vấn đề, những kiến thức ta chưa rõ, chưa chắc hay không hiểu khi nghe thầy giảng. Mặt khác, ta cũng cần hiểu rộng ra hơn không chỉ học ở thầy, ở bạn mà ta còn cần học qua sách vở, qua những người xung quanh mình trong thực tế. Từ đó, ta sẽ tự hoàn thiện bản thân và nâng cao được kiến thức của chính mình. Có thể thấy hai câu tục ngữ trên đã đem đến cho ta nhiều kiến thức bổ ích, nhiều bài học gía trị. Nó giúp nhắc nhở ta cách làm người, cách học đúng đắn, và cả cách trân trọng truyền thông tốt đẹp của dân tộc, truyền thông tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học mà ngàn đời nay ông cha ta đã để lại. Thế nên, hai câu tục ngữ ấy không hề đối lập mà bổ sung cho nhau, đồng hành cùng nhau để tạo nên những điều tốt đẹp cho mỗi chúng ta trong cuộc sống này.
Con đường tri thức vốn rất gian nan và rất nhiều chông gai. Sẽ là khó khăn và thất bại nếu ta không tự nỗ lực cố gắng, nhưng sẽ là thành quả ngọt ngào đối với những ai quyết tâm vượt qua. Hai câu tục ngữ trên đã mở ra cho ta một con đường đi đến tri thức, đi đến thành công một cách rất cụ thể, đều là chân lí mà con người cần hướng tới giúp ta thêm trân trọng những người luôn đồng hành cùng ta trên con đường tri thức rộng mở ấy. Chỉ khi ta hiểu thì ta mới có thể đi, chỉ khi ta đi ta mới có thể đến thế nên hãy cứ đi về phía trước vì bên cạnh bạn luôn có những người đồng hành tin cậy và quý giá như thầy, như bạn bè và như cả gia đình chúng ta bạn nữa nhé!
Trên đây là Viết bài văn Không thầy đố mày làm nên và Học thầy chẳng tày học bạn câu nào là chân lí. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.
Xem thêm:
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé!