Đề đọc hiểu Ngữ văn 7 học kì 2

Đề đọc hiểu Ngữ văn 7 học kì 2 cung cấp cho thầy cô và các em học sinh một số đề tham khảo ngữ liệu ngoài chương trình sách giáo khoa.

Đề đọc hiểu Ngữ văn 7 học kì 2
ĐỀ 1

Đọc ngữ liệu sau:

THỜI GIAN LÀ VÀNG

Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.
Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.

Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.

Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
(Theo Phương Liên – Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam,2007, tr 36-37)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Xác phương thức biểu đạt, nội dung của văn bản trên?
Câu 2: Trong văn bản trên người viết đã đưa ra mấy ý kiến để nêu lên giá trị của thời gian?
Câu 3: Xác định các phép liên kết trong văn bản
Câu 4: Tìm một câu tục ngữ nói về giá trị của thời gian.
Câu 5: Chỉ ra một thành ngữ trong văn bản và giải nghĩa thành ngữ đó.
Câu 6: Em hiểu “giá trị của thời gian là sự sống” trong văn bản nghĩa là gì?
Câu 7: Em tâm đắc thông điệp nào nhất? Vì sao?
Câu 8. Qua văn bản trên em rút ra bài học gì về việc sử dụng thời gian?

 GỢI Ý

Câu 1:
– Phương thức biểu đạt: nghị luận
– Nội dung: nói về giá trị của thời gian

Câu 2: Trong văn bản trên người viết đã đưa ra 5 ý kiến để nêu lên giá trị của thời gian
Câu 3: Các phép liên kết trong văn bản
– Phép lặp: thời gian
– Phép nối: thật vậy, nhưng

Câu 4: Câu tục ngữ nói về giá trị của thời gian.

– Thời gian là vàng bạc, Thì giờ là vàng bạc…
Câu 5: Thành ngữ trong văn bản: Bữa đực bữa cái
Câu 6: “giá trị của thời gian là sự sống” trong văn bản nghĩa là:
Kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết
Câu 7: Em tâm đắc thông điệp nào nhất: có thể chọn và lý giải giá trị của thời gian mà bản thân tâm đắc và phải lý luận sao cho có tính thuyết phục.

Câu 8. Qua văn bản trên em rút ra bài học về việc sử dụng thời gian:
– Cần sử dụng thời gian một cách hợp lí, có kế hoạch cho từng việc.
– Không nên lãng phí thời gian vì thời gian đã qua thì không thể lấy lại được.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 7 học kì 2
ĐỀ 2

Đọc văn bản sau:

CON LỪA VÀ BÁC NÔNG DÂN

Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sẩy chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì… Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả. Thế là ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình.

Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.
                                                                               (Con lừa và bác nông dân. TruyenDanGian.Com.)

Câu 1. Xác định thể loại, ngôi kể, phương thức biểu đạt của văn bản.
Câu 2. Trong đoạn một con lừa đã rơi vào hoàn cảnh (tình huống) nào?
Câu 3. Khi con lừa bị ngã, bác nông dân đã làm gì?
Câu 4. Xác định các phép liên kết trong đoạn thứ 2
Câu 5. Vì sao bác nông dân quyết định chôn sống chú lừa?

Câu 6. Theo em, những “xẻng đất” trong văn bản tượng trưng cho điều gì?

Câu 7. Vì sao chú lừa lại thoát ra khỏi cái giếng?
Câu 8. Em hiểu tính cách của chú lừa như thế nào?
Câu 9. Hãy chỉ ra sự khác nhau trong quyết định của người nông dân và con lừa?
Câu 10 . Bài học tâm đắc nhất mà em rút ra từ câu chuyện?

GỢI Ý

Câu 1.
– Phương thức biểu đạt: tự sự
– Thể loại: ngụ ngôn
– Ngôi kể:ngôi 3
Câu 2. Trong đoạn con lừa đã rơi vào hoàn cảnh:
sẩy chân rơi xuống một cái giếng.
Câu 3. Khi con lừa bị ngã, bác nông dân đã nhờ những người hàng xóm xúc đất đổ vào giếng

Câu 4. Xác định các phép liên kết trong đoạn thứ 2

Câu 5. Bác nông dân quyết định chôn sống chú lừa vì: Ông nghĩ con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả.
Câu 6. Những “xẻng đất” trong văn bản tượng trưng cho những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.
Câu 7. Chú lừa thoát ra khỏi cái giếng vì: Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn trên chỗ cát ông chủ đổ xuống để thoát ra.

Câu 8. Tính cách của chú lừa: Bình tĩnh, khôn ngoan, thông minh

Câu 9. Sự khác nhau trong quyết định của người nông dân và con lừa:
– Người nông dân: Lúc đầu định giúp lừa ra khỏi giếng, nhưng sau nghĩ lừa già và cái giếng cũng cần được lấp. Vì thế, nhanh chóng buông xuôi, bỏ cuộc.
– Con lừa: Lúc đầu kêu la thảm thiết muốn thoát khỏi giếng nhưng rồi đã khôn ngoan, dùng chính những xẻng đất muốn vùi lấp nó để tự giúp nó thoát ra khỏi cái giếng.

Câu 10 .
Bài học rút ra:
– Trong bất cứ hoàn cảnh (khó khăn, thử thách nào trong cuộc sống), sự hi vọng, dũng cảm, nỗ lực sẽ đem đến cho chúng ta sức mạnh vì:
+ Hi vọng giúp chúng ta có tinh thần lạc quan, xóa đi mệt mỏi.
+ Giúp chúng ta tìm ra cách giải quyết, là động lực giúp chúng ta vượt quan những khó khăn, thử thách…
– Hoặc: Sự ứng biến trong mọi hoàn cảnh…
Đề đọc hiểu Ngữ văn 7 học kì 2
ĐỀ 3

Đọc văn bản sau:

KIẾN VÀ CHÂU CHẤU
Vào một ngày hè nắng chói chang và gió thổi mát rượi, một chú châu chấu xanh nhảy tanh tách trên cánh đồng, miệng chú ca hát ríu ra ríu rít. Bỗng chú bắt gặp bạn kiến đi ngang qua, bạn ấy đang còng lưng cõng một hạt ngô để tha về tổ. Châu chấu cất giọng rủ rê: “Bạn kiến ơi, thay vì làm việc cực nhọc, chi bằng bạn hãy lại đây trò truyện và đi chơi thoả thích cùng tớ đi!”. Kiến trả lời: “Không, tớ bận lắm, tớ còn phải đi kiếm thức ăn để dự trữ cho mùa đông sắp tới. Bạn cũng nên làm như vậy đi bạn châu chấu ạ”. “Còn lâu mới tới mùa đông, bạn chỉ khéo lo xa”. Châu chấu mỉa mai. Kiến dường như không quan tâm tới những lời của châu chấu xanh, nó tiếp tục tha mồi về tổ một cách chăm chỉ và cần mẫn.

Thế rồi mùa đông lạnh lẽo cũng tới, thức ăn trở nên khan hiếm, châu chấu xanh vì mải chơi không chuẩn bị lương thực nên giờ sắp kiệt sức vì đói và rét. Còn bạn kiến của chúng ta thì có một mùa đông no đủ với một tổ đầy những ngô, lúa mì mà bạn ấy đã chăm chỉ tha về suốt cả mùa hè.

(Truyện ngụ ngôn “Kiến và Châu chấu”, trang 3, NXB thông tin)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt, nội dung của văn bản trên?
Câu 2. Vào những ngày hè, chú châu chấu đã làm gì?
Câu 3. Kiến đã rủ châu chấu làm gì cùng mình?
Câu 4. Xác định các phép liên kết trong đoạn văn thứ hai.
Câu 5. Vì sao kiến không đi chơi cùng châu chấu?

Câu 6. Theo em, châu chấu là những hình ảnh đại diện cho những kiểu người nào trong cuộc sống?

Câu 7. Vì sao kiến lại có một mùa đông no đủ?
Câu 8. Từ “kiệt sức” có nghĩa là gì?
Câu 9. Nếu là châu chấu trong câu chuyện, em sẽ làm gì trước lời khuyên của kiến?
Câu 10. Bài học tâm đắc nhất mà em rút ra từ câu chuyện?
Câu 11. Tìm một câu tục ngữ nói về sự cần cù chăm chỉ

GỢI Ý

– Câu 1. Phương thức biểu đạt: nghị luận
– Nội dung: nói về giá trị của thời gian
Xác định thể loại, phương thức biểu đạt, nội dung của văn bản trên?
Câu 2. Vào những ngày hè, chú châu chấu nhảy tanh tách trên cánh đồng, miệng ca hát ríu ra ríu rít.
Câu 3. Kiến đã rủ châu chấu cùng nhau chuẩn bị lương thực cho mùa đông
Câu 4. Xác định các phép liên kết trong đoạn văn thứ hai.

Câu 5. Kiến không đi chơi cùng châu chấu vì: Kiến đi kiếm thức ăn để dự trữ cho mùa đông.
Câu 6. Châu chấu là hình ảnh đại diện cho những kiểu người vô lo, lười biếng
Câu 7. Kiến lại có một mùa đông no đủ vì: chăm chỉ, biết lo xa.
Câu 8. Từ “kiệt sức” có nghĩa là không còn sức để làm
Câu 9. Nếu là châu chấu trong câu chuyện em sẽ chăm chỉ cùng kiến đi kiếm thức ăn để dự trữ cho mùa đông
Câu 10. Bài học tâm đắc nhất rút ra từ câu chuyện:
– Luôn chăm chỉ trong học tập và làm việc, không được ham chơi, lười biếng.
– Biết nhìn xa trông rộng.
Câu 11. Tìm một câu tục ngữ nói về sự cần cù chăm chỉ
– Kiến tha lâu cũng đầy tổ
– Năng nhặt thì chặt bị
Đề đọc hiểu Ngữ văn 7 học kì 2
ĐỀ 4

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

… Trái đất thân yêu của chúng ta đang nóng lên trong khoảng mấy thập kỉ gần đây. Sự ấm nóng ấy đã, đang làm ảnh hưởng đến Đại dương và bầu Khí quyển bao la. Người ta ví Đại dương giống như người mẹ vĩ đại và Khí quyển là người cha khổng lồ cao vời vợi. Đại dương và Khí quyển – người mẹ, người cha thiên nhiên đó gắn bó thân thiết, thủy chung hàng triệu triệu năm không thể tách rời. Nếu với con người
“Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự thuở nào”
(Huy Cận),
thì Khí quyển lại cho ta nguồn oxy quý giá vô cùng, chỉ vài phút thôi không có oxy, sự sống của con người có thể không tồn tại. Người cha khổng lồ đã dang rộng vòng tay yêu thương, lấy thân mình che chở Trái đất bớt đi những tia tử ngoại của Mặt trời để muôn loài được bình an. Vậy mà loài người đang làm Đại dương và Khí quyển bị tổn thương nặng vì sự ấm nóng lên của Trái đất dẫn đến biến đổi khí hậu…

Những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra khắp nơi không từ một đất nước, dân tộc nào, ảnh hưởng tới nhiều mặt của cuộc sống muôn loài. Đó chính là do sự thay đổi của một vài yếu tố thiên nhiên nhưng nguyên nhân chính vẫn là do các chất khí CO2, metan, … vào bầu khí quyển do các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người đang làm bề mặt Trái đất nóng lên, dẫn đến đại dương nóng lên…

(Trích sách “Luyện kĩ năng đọc hiểu theo đặc trưng thể loại” quyển 2 – Nguyễn Thị Hậu chủ biên – NXBĐHQG Hà Nội, trang 79 và 81)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt và nội dung của văn bản
Câu 2. Nguyên nhân nào làm Trái đất nóng lên?
Câu 3. Theo em, nhan đề của văn bản trên là gì?

Câu 4. Xác định phép liên kết trong đoạn văn sau “… Trái đất thân yêu của chúng ta đang nóng lên trong khoảng mấy thập kỉ gần đây. Sự ấm nóng ấy đã, đang làm ảnh hưởng đến Đại dương và bầu Khí quyển bao la. Người ta ví Đại dương giống như người mẹ vĩ đại và Khí quyển là người cha khổng lồ cao vời vợi. Đại dương và Khí quyển – người mẹ, người cha thiên nhiên đó gắn bó thân thiết, thủy chung hàng triệu triệu năm không thể tách rời”.

Câu 5. Bầu khí quyển giúp ích gì cho đời sống con người?

Câu 6. Bầu khí quyển rất quan trọng với con người vì cho ta nguồn oxy quý giá vô cùng, chỉ vài phút thôi không có oxy, sự sống của con người có thể không tồn tại. Nhận định này đúng hay sai?
Câu 7. Em hiểu gì về tác hại của biến đổi khí hậu đến cuộc sống con người ngày nay?
Câu 8. Từ văn bản trên, em nhận thấy mình cần phải làm gì để bảo vệ môi trường em đang sống?

GỢI Ý

Câu 1. Phương thức biểu đạt: nghị luận
Nội dung: Sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu đến trái đất
Câu 2. Nguyên nhân làm Trái đất nóng lên:
Các chất khí CO2, metan, … từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người vào bầu khí quyển

Câu 3. Nhan đề của văn bản trên là: Biến đổi khí hậu với đại dương và khí quyển

Câu 4. Xác định phép liên kết trong đoạn văn sau “… Trái đất thân yêu của chúng ta đang nóng lên trong khoảng mấy thập kỉ gần đây. Sự ấm nóng ấy đã, đang làm ảnh hưởng đến Đại dương và bầu Khí quyển bao la. Người ta ví Đại dương giống như người mẹ vĩ đại và Khí quyển là người cha khổng lồ cao vời vợi. Đại dương và Khí quyển – người mẹ, người cha thiên nhiên đó gắn bó thân thiết, thủy chung hàng triệu triệu năm không thể tách rời”.
– Phép lặp: Đại dương, Khí quyển

Câu 5. Bầu khí quyển che chở Trái đất bớt đi những tia tử ngoại của mặt trời

Câu 6. Bầu khí quyển rất quan trọng với con người vì cho ta nguồn oxy quý giá vô cùng, chỉ vài phút thôi không có oxy, sự sống của con người có thể không tồn tại. Nhận định này đúng.

Câu 7: Biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng cao. Ảnh hưởng xấu đến con người:
– Khô hạn kéo dài, bão lũ, sóng thần, động đất
– Sinh vật biển hao hụt
– Thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng
– Hao hụt lương thực, chỗ ở bị thu hẹp
– Sức khỏe suy giảm

Câu 8.

– Tiết kiệm điện.
– Sử dụng các vật dụng tái chế, hạn chế dùng bao nylon.
– Bỏ rác đúng nơi quy định.
– Thường xuyên vệ sinh phòng và nhà ở.
– Giữ gìn cây xanh.

Trên đây là Đề đọc hiểu Ngữ văn 7 học kì 2, Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé! 

Leave a Reply

Required fields are marked*