Cảm nhận về vẻ đẹp của anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Cảm nhận về vẻ đẹp của anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Cảm nhận về vẻ đẹp của anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa
Mỗi một tác phẩm văn học ra đời đều có một số phận riêng. Có tác phẩm mới ra đời đã nhanh chóng chìm vào quên lãng. Có tác phẩm gây xôn xao dư luận và có sức sống lâu bền trong lòng người đọc bởi sức hấp dẫn kì lạ của nó. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là một tác phẩm như thế. Sức hẫn dẫn kì diệu của thiên truyện này phải chăng từ chính cuộc sống và vẻ đẹp tâm hồn trong truyện, đặc biệt nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m.
Lặng lẽ Sa Pa (1970) là một trong những truyện ngắn tiêu biểu, xuất sắc của Nguyễn Thành Long viết về con người mới, cuộc sống mới trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, là kết quả của chuyến đi thực tế lên Lào Cai. Qua truyện ngắn tác giả đã khắc họa thành công vẻ đẹp của anh thanh niên – hình tượng điển hình của con người lao động mới, con người lao động bình thường, thầm lặng mà cao đẹp.
Thật vậy, truyện ngắn có cốt truyện đơn giản, xoay quanh một tình huống đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ già,cô kĩ sư trẻ và một anh thanh niên làm công tác khí tượng. Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong chốc lát nhưng đã để lại mộtấn tượng gợi nhiều suy nghĩ và dẫn chúng ta tới những nhân vật mới: kĩ sư vườn rau, nhà nghiên cứu sét. Là nhân vật chính nhưng anh thanh niên không xuất hiện ngay từ đầu mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi 30 phút với hai người khách trên xe khi hị dừng lại nghỉ. Chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng anh thanh niên đã để lại ấn tượng phó phai trong lòng mọi người rồi dường như anh lại lặng lẽ khuất lấp vào trong mây mù bạt ngàn và sự tĩnh lặng muôn thuở của vùng đất Sa Pa thơ mộng.
Ấn tượng đầu tiên mà người đọc cảm nhận khi tiếp xúc văn bản là hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên khá đặc biệt: một mình sống trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, quanh năm suốt tháng sống “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Anh làm công tác khí tượng, kiêm vật lí địa cầu: đo nắng,đo gió,đo mưa,tính mây,đo chấn động mặt đất dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất,phục vụ chiến đấu. Công việc ấy đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nghiệm cao. Bốn lần trong một ngày đêm đều đặn,dù mưa,nắng,gió,bão,… công việc ấy không khó nhưng gian khổ. “Gian khổ nhất là lần ghi và báo lúc một giờ sáng. Rét, có cả mưa tuyết. Nửa đêm,chui ra khỏi chăn ngọn đèn báo vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và cái lặng im bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”. Tuy nhiên, cái gian khổ của công việc vẫn chưa đáng sợ bằng cái gian khổ của hoàn cảnh sống, đó là sự cô đơn vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ một mình với núi cao, không có lấy một bóng người. Cô đơn đến mức “thèm người”, phải lăn cây chặn đường dừng xe khách qua núi để được gặp gỡ, trò chuyện. Điều gì đã giúp anh vượt qua hoàn cảnh ấy để làm tốt công việc của mình? Phải chăng, đó là những phẩm chất cao đẹp của con người lao động trong những năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
Trước hết đó là ý thức trách nhiệm về công việc và lòng yêu nghề. Anh hiểu rằng, công việc mình làm tuy nhỏ bé nhưng liên quan đến công việc chung của đất nước, của mọi người. Làm việc một mình trên đỉnh núi cao,không có ai giám sát, thúc giục anh vẫn luôn tự giác, tận tụy. Suốt mấy năm ròng rã ghi và báo “ốp” đúng giờ. Phải ghi và báo về nhà trong mưa tuyết lạnh cóng, gió lớn và đêm tối lúc 1h sáng, anh vẫn không ngần ngại. Và anh đã sống thật hạnh phúc khi được biết do kịp thời phát hiện đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta trên bầu trời Hàm Rồng. Anh yêu công việc của mình, anh kể về nó một cách say sưa và tự hào. Với anh, công việc là niềm vui, là lẽ sống. Hãy nghe anh tâm sự với ông họa sĩ: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”. Qua lời anh kể và lời bộc bạch này, ta hiểu rằng anh đã thực sự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc thầm lặng giữa Sa Pa và sương mù bao phủ.
Giá trị đích thực ở anh là tâm hồn đẹp, là sống có lí tưởng. Mặc dù, chỉ có một mình trên đỉnh núi cao, anh vẫn chủ động, sắp xếp cho mình một cuộc sống ngăn nắp, đầy đủ, phong phú và thơ mộng: trồng hoa, nuôi gà, đọc sách… Hình ảnh người con trai nhỏ bé đứng giữa vườn hoa thược dược vàng,tím,đỏ,hồng phấn, tổ ong… thật là đẹp! Con người anh là sự kết hợp hài hòa giữa nghị lực phi thường và một tâm hồn lãng mạn, một đời sống nội tâm phong phú.Trong cái cuộc sống lẻ loi của mình, ngoài công việc anh còn tìm thấy một niềm vui khác nữa – đó là đọc sách. Với anh, đọc sách không chỉ là nâng cao kiến thức mà còn để trò chuyện, để thanh lọc tâm hồn. Bởi thế, ta hiểu vì sao anh lại mừng quýnh lên khi bác lái xe đưa cho anh mấy quyển sách. Có thể nói, trong cái lặng im của Sa Pa – nơi ít người biết đến và đặt chân tới, anh thanh niên đã tạo cho mình không gian riêng, rất đẹp về đời sống tinh thần.
Một nét đẹp khác ở anh là sự cởi mở, chân thành, chu đáo trong quan hệ với mọi người. Vì “thèm người” mà anh đã đẩy một khúc gỗ ra chắn giữa đường, buộc xe khách đi qua phải dừng lại. Việc làm ấy thể hiện niềm khao khát được gặp gỡ, được trò chuyện. “Thèm người” nhưng chính anh lại quan tâm đến người khác một cách thật lòng. Anh gửi biếu vợ bác lái xe củ tâm thất vì hôm nọ “bác chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy là gì?”. Anh đón tiếp ông họa sĩ và cô kĩ sư thật thân tình, nồng hậu – đón bằng sự niềm nở cùng hoa tươi trong vườn, cùng chè pha nước mưa Yên Sơn, rồi cả làn trứng lúc chia tay để hai người làm thức ăn đi đường.Đằng sau những món quà bình thường là tấm lòng yêu mến khách đến thành thực chẳng phải ai cũng có được. Lòng mến khách của anh đã khiến ông họa sĩ xúc động: “người con trai ấy đáng yêu thật!”. Phải chăng, đó chính là âm vang của cuộc sống đẹp, của một con người bình thường trên đỉnh núi cao lặng lẽ mà người họa sĩ từng trải nay mới có dịp tìm đến để yêu mến và kính trọng? Không chỉ vậy, người đọc còn cảm nhận những âm vang sâu sắc và có sức gợi mạnh mẽ từ những điều anh thanh niên suy nghĩ. Những con người có cách sống đẹp thường có suy nghĩ đẹp khiến ta phải ngạc nhiên và cảm phục.
Bác lái xe đùa anh là “người cô độc nhất thế gian” nhưng anh lại thổ lộ với ông họa sĩ: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia”. Và anh tâm sự cùng cô kĩ sư: “Lúc nào tôi cũng có người trò chuyện nghĩa là có sách ấy mà”. Anh nhớ người nhưng không phải là nỗi nhớ phồn hoa đô thị bởi “người thì ai mà chả thèm, song mình sinh ra để làm gì? Mình đẻ ở đâu? Mình vì ai mà làm việc?”. Anh đã chân thành nói lên những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ. Từ đó ta thấy thực chất của nỗi khát khao là được hòa nhập, được sống vì mọi người. Anh đã lập được những kì tích trong công việc, trong cuộc sống khiến ông họa sĩ cảm phục và xúc động.
Công việc vất vả có những đóng góp quan trọng với đất nước như thế, nhưng người thanh niên hiếu khách, sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. Anh cảm thấy mình là người bình thường trong muôn vàn những người khác. Anh hiểu được ý nghĩa công việc mình làm là lớn lao nhưng lại cho những đóng góp của mình là vô cùng nhỏ bé so với bao người khác. Bởi thế, khi ông họa sĩ phác họa bức chân dung anh, anh đã khẩn khoản: “Không, xin bác đừng mất công vẽ cháu. Cháu không xứng đáng đâu, để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng vẽ hơn”. Dù còn trẻ tuổi nhưng anh đã thấm thía cái nghĩa, cái tình của mảnh đất Sa Pa nơi mà mình được sinh ra và lớn lên; thấm thía sự hi sinh thầm lặng của những con người ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước. Có thể nói, qua cuộc gặp gỡ và trò chuyện, nhân vật anh thanh niên được khắc họa giản dị, khiêm nhường, đẹp trong suy nghĩ, trong cách sống và trong tâm hồn. Đó là nét vẽ đơn sơ, chân dung một con người có tầm vóc nhỏ bé mà nét mặt rạng rỡ.
Vẻ đẹp ở anh thanh niên là vẻ đẹp của thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh , vẻ đẹp của những con người lao động mới , XHCN. Ở họ đã hội tụ đầy đủ phẩm chất, mục đích, lí tưởng cao cả, họ sẵn sàng cống hiến và hi sinh hết mình cho đất nước mà không ồn ào khoa trương. Họ chính là những bông hoa thơm ngát đang lặng lẽ tỏa hương cho đời đúng như chủ đề của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa mà Nguyễn Thành Long dày công xây dựng – lẽ sống của họ là lẽ sống của những con người:
“Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Nói tóm lại, với nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ bình dị đậm chất trữ tình tác giả đã khắc họa anh thanh niên là con người bình thường mà cao đẹp, hình tượng điển hình cho những con người mới có tri thức khoa học, có vẻ đẹp tâm hồn trong sáng sống có mục đích có ước mơ khao khát cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc; những con người ngày đêm miệt mài lao động nghiêm túc, trách nhiệm, có những cống hiến âm thầm, lặng lẽ mà lớn lao cho tổ quốc, quê hương. Anh thanh niên và thế giới những người như anh chính là tấm gương sáng ngời cho lớp trẻ chúng ta hôm nay noi theo học tập để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp- văn minh./.

Trên đây Cảm nhận về vẻ đẹp của anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.

Xem thêm:

Leave a Reply

Required fields are marked*