Viết bài văn phân tích nhân văn học mà em yêu thích trong một cuốn sách mà em đã học

Viết bài văn phân tích nhân văn học mà em yêu thích trong một cuốn sách mà em đã học cung cấp cho thầy cô và các em học sinh dàn ý và bài viết tham khảo.

Viết bài văn phân tích nhân văn học mà em yêu thích trong một cuốn sách mà em đã học (Bài viết số 1)
Mở bài:
– Giới thiệu về tác phẩm/ nhân vật:
+ Nhắc đến chiến tranh, bên cạnh những mất mát, đau thương, người ta vẫn mãi nhớ về những tình cảm đẹp đẽ.
+ Một trong số những tác phẩm khắc họa rõ nét điều đó chính là Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
– Ấn tượng chung về nhân vật: Trong tác phẩm, nhân vật ông Sáu là nhân vật trung tâm với nhiều phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu cho một người cha, một người chiến sĩ.
Thân bài:
1. Khái quát hoàn cảnh biết đến nhân vẩ và phẩm chất chung của nhân vật.
– Em biết đến ruyện ngắn Chiếc lược ngà trong cuốn sách “Những truyện ngắn hay viết về chiến tranh”. Truyện ngắn Chiếc lược ngà ra đời năm 1966, ngay trong chính thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước.
– Nguyễn Quang Sáng- nhà văn hầu như dành cả cuộc đời để viết vể cuộc sống và con người Nam Bộ đã khắc lên hình tượng ông Sáu – một người cha giản dị, một người chiến sĩ đầy cảm phục
2. Ông Sáu – một người lính cống hiến cả cuộc đời mình cho chiến tranh giải phóng dân tộc
– Tác phẩm chỉ nói về quá trình chiến đấu của ông với vài dòng giản dị, nhưng ta cũng biết rằng đó là một người chiến sĩ hết mình và quả cả:
+ Ra chiến trường năm 1946, ông Sáu để lại sau lưng gia đình nhỏ với vợ và đứa con đầu lòng chưa đầy tuổi. Tinh thần ra đi vì đất nước là tinh thần chung của thời đại.
+ Suốt tám năm hoạt động nơi chiến trường ông Sáu mới được nghỉ phép, thời gian nghỉ phép ba ngày, tám năm đổi lại chỉ ba ngày ngắn ngủi, nhưng ông vẫn nghiêm chỉnh chấp hành.
+ Người lính quả cảm ấy vì chiến đấu mà phải chịu “vết thẹo dài trên má”, nỗi đau mà chiến tranh tạo ra không chỉ còn là nỗi đau nơi thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần bởi chỉ vì vết thẹo ấy mà đứa con gái không nhận ra ông.
+ Nhưng ông vẫn tiếp tục ra đi chiến đấu, dẫu biết có gian nan, nhọc nhằn, vì dân tộc.
– Tinh thần quả cảm của ông Sáu còn khiến người ta cảm phục hơn bởi sự hi sinh của ông trong một ngày cuối năm năm năm mươi tám
=> Ta hiểu sâu sắc hơn về một người chiến sĩ quả cảm cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
3. Ông Sáu – một người cha với tình cảm thiêng liêng chân thành và lòng yêu thương con vô bờ
– Ông Sáu là một người hết mực yêu thương con gái mình:
+ Trong những năm chiến đấu ở rừng, mỗi lần vợ đến thăm, lần nào ông cũng bảo vợ đưa con xuống.
+ Ông khát khao được gặp lại đứa con mà ông xa cách đã tám năm.
– Tình cảm ấy được thể hiện rõ nét nhất trong khoảng thời gian nghỉ phép ba ngày của ông
+ Khi về phép, ông không thể chờ xuồng cập bến đã “nhón chân nhảy lên bờ, xô chiếc xuồng tạt ra” rồi “bước vội vàng với những bước dài”, “kêu to tên con, vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con”.
+ Niềm khát khao mãnh liệt khiến giọng ông lập bật, run run: “ba đây con, ba đây con”.
=> Tất cả những hành động, biểu cảm ấy cho ta hình dung rõ nét nhất về tâm trạng xúc động mạnh mẽ của ông Sáu
+ Trong ba ngày nghỉ, ông đã dồn hết tâm tư vào đứa con bé nhỏ, tìm cách gần gũi để nghe một tiếng “ba” của con gái mình. Ông dùng tất cả mọi cách, từ việc “giả vờ không nghe” đến việc “dồn nó vào thế bí” khi chất nước cơm nhưng vẫn không có kết quả.
=> Tất cả những cố gắng của ông chỉ bởi ông rất thương con và mong muốn con gái nhận mình.
+ Trong bữa ăn, ông quan tâm gắp cho Thu cái trứng cá, nhưng hành động hất tung cái trứng của bé Thu đã khiến ông Sáu đau khổ, do nôn nóng, không kịp suy nghĩ ông đã đánh con bé, điều đó làm ông hối hận trong suốt những tháng ngày còn lại. – Tình cảm của ông vỡ òa khi đứa con đón nhận ông khi hiểu ra tất cả:
+ Ngày chia tay, ông không dám gọi con, tình thương con đã khiến ông không thể tiếp tục gượng ép tình cảm của con được nữa.
+ Câu nói: “Thôi ba đi nghe con” của ông khiến người ta xót xa, câu nói có thể đã là hi vọng cuối cùng, cố gắng cuối cùng.
+ Khi bé Thu nhận ông là cha, ông sung sướng nghẹn ngào đến trào nước mắt. C
+ Những giọt nước mắt hiếm hoi của ông, của một người cha, một người lính giờ đây đã lăn dài trên má, Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc tột
– Ông Sáu với một niềm thương con không nguôi khi ở chiến trường:
+ Ông thương con và ân hận vì mình đã đánh con.
+ Tình yêu thương con ông đã dồn tất cả vào việc thực hiện lời hứa với con: làm một chiếc lược tặng con.
+ Những lúc rảnh rỗi, ông đem cây lược ra ngắm rồi mài lên tóc cho thêm bóng, thêm mượt.
+ Chiếc lược ngà là cầu nối để ông trò chuyện với con trong tâm tưởng, nó chứa đựng biết bao tình cảm nhớ thương, mong đợi.
+ Khi bị thương nặng, biết không thể sống được, ông đã dồn tàn lực của mình để trao lại di vật cho người bạn, tình cha con là không thể chết được => Hành động ấy cho ta hiểu tình cha con mãnh liệt mà tha thiết.
4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Bằng ngòi bút tinh tế đậm chất Nam Bộ, tác giả đã làm hiện lên chân dung một người cha trong chiến tranh.
– Nhân vật ông Sáu được kể qua lời kể mộc mạc giản dị của vật ông Ba khiến câu chuyện tăng tính chân thực và khách quan.
– Tác giả đã đặt nhân vật vào tình huống bất ngờ éo le nhưng rất hợp lí để miêu tả sâu sắc tâm lí của nhân vật.
Kết bài:
– Cảm nghĩ về nhân vật: Ông Sáu là một nhân vật trung tâm của tác phẩm, đó là một con người nổi bật với hai vai trò: một người chiến sĩ dũng cảm suốt đời cống hiến và hi sinh cho cuộc chiến tranh giải phóng; một người cha lúc nào cũng giàu lòng thương con vô bờ.
– Liên hệ tình cảm của em với nhân vật: Nhân vật ông Sáu là một người cha tiêu biểu, mẫu mực, một người chiến sĩ quả cảm và kiên trung khiến em cảm phục. Ông càng khiến em thêm yêu quý, trân trọng người bố của mình. Em sẽ yêu thương bố và phấn đấu để bố tự hào về em.
Viết bài văn phân tích nhân văn học mà em yêu thích trong một cuốn sách mà em đã học (Bài viết số 1)
BÀI LÀM THAM KHẢO
Nhớ về chiến tranh, người ta thường nhớ đến những khốc liệt, mất mát đau thương mà suốt hơn 40 năm qua, hậu quả của nó để lại trên mảnh đất bé nhỏ hình chữ S này vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục. Nhưng nhớ đến chiến tranh, hình như người ta còn nhớ đến nhiều hơn cả chính là những tình cảm đẹp đẽ ngay trong chính sự gian nan tột cùng, đó là tình anh em, tình đồng chí, đồng bào và trên hết là tình cảm gia đình sâu nặng. Một trong số những tác phẩm khắc họa rõ nét tình cảm thiêng liêng đó chính là Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Trong tác phẩm, nhân vật ông Sáu là nhân vật trung tâm với nhiều phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu cho một người cha, một người chiến sĩ.
Em biết đến ruyện ngắn Chiếc lược ngà trong cuốn sách “Những truyện ngắn hay viết về chiến tranh”. Truyện ngắn Chiếc lược ngà ra đời năm 1966, ngay trong chính thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Nguyễn Quang Sáng- nhà văn hầu như dành cả cuộc đời để viết vể cuộc sống và con người Nam Bộ đã khắc lên trong tác phẩm của mình một hình tượng thiêng liêng, đẹp đẽ. Hình tượng ông Sáu – một người cha giản dị, một người chiến sĩ mộc mạc ấy thế mà lại khiến biết bao độc giả cảm phục, trân quý đến tột cùng.
Nhắc đến ông Sáu là người ta sẽ nhớ ngay đến một người cha giàu lòng thương con, nhưng trước khi nói về phẩm chất thiêng liêng trong gia đình, xin được nói về ông Sáu với vai trò một người lính cống hiến cả cuộc đời mình cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Tác phẩm không nói đến một ông Sáu với chiến công lừng lẫy, tác phẩm chỉ nói về quá trình chiến đấu của ông với vài dòng giản dị, nhưng chỉ qua vài dòng ngắn ngủi ấy, chúng ta cũng biết rằng đó là một người chiến sĩ hết mình và quả cảm. Ra chiến trường năm 1946, ông Sáu để lại sau lưng gia đình nhỏ với vợ và đứa con đầu lòng chưa đầy tuổi. Tinh thần ra đi vì đất nước là tinh thần chung của thời đại. Có lẽ ông hiểu được rằng chỉ khi non sông độc lập thì gia đình nhỏ của ông mới có thể bình yên, bởi vậy sự ra đi của ông là ra đi vì nghĩa lớn. Suốt tám năm hoạt động nơi chiến trường ông Sáu mới được nghỉ phép, thời gian nghỉ phép ba ngày, tám năm đổi lại chỉ ba ngày ngắn ngủi, nhưng ông vẫn nghiêm chỉnh chấp hành. Gia đình quan trọng, nhưng đất nước có chiến tranh thì ra đi chính là chiến đấu để bảo vệ cho gia đình bình yên,ông hiểu sâu sắc điều đó. Người lính quả cảm ấy vì chiến đấu mà phải chịu “vết thẹo dài trên má”, nỗi đau mà chiến tranh tạo ra không chỉ còn là nỗi đau nơi thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần bởi chỉ vì vết thẹo ấy mà đứa con gái không nhận ra ông. Hạnh phúc với đứa con đáng lẽ sẽ có được trong 3 ngày ngắn ngủi, nhưng giờ đây lại chỉ có trong vài giây của 3 ngày ấy. Nhưng ông vẫn tiếp tục ra đi chiến đấu, dẫu biết có gian nan, nhọc nhằn, vì dân tộc. Tinh thần quả cảm của ông Sáu còn khiến người ta cảm phục hơn bởi sự hi sinh của ông trong một ngày cuối năm năm năm mươi tám. Sự hi sinh của ông Sáu khi chưa gặp lại được đứa con gái có thể đem đến cho chúng ta nhiều tiếc nuối, nhưng điều đó càng làm chúng ta hiểu sâu sắc hơn về một người chiến sĩ quả cảm cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Có thể nhiều độc giả băn khoăn, nghĩ rằng ông Sáu vì đất nước mà chưa làm tròn trách nhiệm của một người cha, người chồng khi không thể ở bên cạnh chăm lo cho gia đình bé nhỏ, nhưng tình cảm mà ông Sáu dành cho gia đình, tình cảm cao cả của một người cha trong khoảnh khắc nào cũng nghĩ đến con của mình đã xóa tan đi những hoài nghi ấy. Cuối cùng, chỉ để lại trong chúng ta những ấn tượng vô cùng tốt đẹp về một người cha với tình cảm thiêng liêng chân thành và lòng yêu thương con vô bờ bến.
Ông Sáu là một người hết mực yêu thương con gái mình. Trong những năm chiến đấu ở rừng, mỗi lần vợ đến thăm, lần nào ông cũng bảo vợ đưa con xuống. Có lẽ lòng nhớ thương con đã lấp đầy tâm trí của nười cha ấy. Ông khát khao được gặp lại đứa con mà ông xa cách đã tám năm. Tình thân là một sợi dây kết nối hết sức diệu kì, bởi chỉ có tình thân mới khiến ông Sáu đau đáu nhớ về con suốt một thời gian dài như thế (dù chưa một lần nói chuyện với con) một cách vẹn nguyên nhất.
Tình cảm thiêng liêng dành cho con nhiều đến mức, khi được nghỉ phép ba ngày, ông không thể chờ xuồng cập bến đã “nhón chân nhảy lên bờ, xô chiếc xuồng tạt ra” rồi “bước vội vàng với những bước dài”, “kêu to tên con, vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con”. Vết thẹo dài trên má phải của ông Sáu giờ lại đỏ ửng lên, giần giật. Niềm khát khao mãnh liệt khiến giọng ông lập bật, run run: “ba đây con, ba đây con” Tất cả những hành động, biểu cảm ấy cho ta hình dung rõ nét nhất về tâm trạng xúc động mạnh mẽ của ông Sáu, sau 7-8 năm xa nhà, tình cảm cha con bị nén lại trong lòng giờ đây được bộc lộ nên ông không thể ghìm được xúc động. Vậy nhưng ngược lại, bé Thu con gái ông lại giật mình, ngơ ngác, hốt hoảng và vụt bỏ chạy, điều đó hoàn toàn bất ngờ khiến “mặt ông sầm lại” và “hai tay buông xuống như bị gãy”. Khi người ta hi vọng quá nhiều nhưng không thể đạt được sẽ đồng nghĩa với niềm thất vọng rất lớn, ông Sáu khát khao gặp con bao nhiêu thì hành động giờ đây của bé Thu lại khiến cho tâm trạng ông đau khổ tột cùng. Niềm sung sướng, háo hức muốn ôm con vào lòng nhưng đứa con lại xa lánh, hoảng sợ khiến người cha hụt hẫng, đau đớn, thất vọng và bất lực.
Bằng tình cảm cha con chân thành, trong ba ngày nghỉ phép, ông đã dồn hết tâm tư vào đứa con bé nhỏ, chỉ mong nhận lại chút tình cảm dù bé nhỏ thôi từ đứa con yêu quý. Ba ngày nghỉ, ông chẳng đi đâu xa, chỉ tìm cách gần gũi để nghe một tiếng “ba” của con gái mình. Ông dùng tất cả mọi cách, từ việc “giả vờ không nghe” đến việc “dồn nó vào thế bí” khi chất nước cơm nhưng vẫn không có kết quả. Tất cả những cố gắng của ông chỉ bởi ông rất thương con và mong muốn con gái nhận mình. Trong bữa ăn, ông quan tâm gắp cho Thu cái trứng cá, nhưng hành động hất tung cái trứng của bé Thu đã khiến ông Sáu đau khổ, do nôn nóng, không kịp suy nghĩ ông đã đánh con bé, điều đó làm ông hối hận trong suốt những tháng ngày còn lại. Hành động đó của ông Sáu có thể hiểu chỉ bởi tình cảm ông dành cho Thu quá lớn nhưng nhận lại chỉ là sự thờ ơ khiến ông buồn bã thất vọng đến cùng cực. Tình yêu thương con của ông đã không được đón nhận, nó kiên quyết không cất lên tiếng mà ông mong mỏi, điều đó khiến ông thực sự đau lòng, ông đành cam chịu bởi ông hiểu rằng tình cảm là không thể gượng ép được, đặc biệt đó lại là người ông yêu thương rất nhiều.
Tình cảm của ông vỡ òa khi đứa con đón nhận ông khi hiểu ra tất cả. Ngày chia tay, ông không dám gọi con, tình thương con đã khiến ông không thể tiếp tục gượng ép tình cảm của con được nữa. Câu nói: “Thôi ba đi nghe con” của ông khiến người ta xót xa, câu nói có thể đã là hi vọng cuối cùng, cố gắng cuối cùng. Khi bé Thu nhận ông là cha, ông sung sướng nghẹn ngào đến trào nước mắt. Cái ôm của đứa con gái, những cái hôn của con, những giọt nước mắt ân hận của con chảy đầm đìa trên má đã khiến ông Sáu không nén được xúc động. Những giọt nước mắt hiếm hoi của ông, của một người cha, một người lính giờ đây đã lăn dài trên má, Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc tột cùng bởi tình yêu thương con được đáp lại, ẩn sau đó là cả nỗi buồn, niềm nuối tiếc vì sắp phải xa con mà chưa biết bao giờ mới gặp lại. Ông mang theo tất cả những xúc động, những hạnh phúc ngắn ngủi nhưng thiêng liêng ấy ra chiến trường như một động lực để ông chiến đấu.
Người ta nhận ra một người cha với niềm thương con không hề nguôi trong những ngày ông Sáu quay trở lại chiến trường. Ông thương con và ân hận vì mình đã đánh con. Tình yêu thương con ông đã dồn tất cả vào việc thực hiện lời hứa với con: làm một chiếc lược tặng con. Ông tự đi tìm ngà voi rồi tự tay ông ngồi cưa từng chiếc răng lược một cách thận trọng, tỉ mỉ khắc lên đó dòng chữ bình dị nhưng thiêng liêng: “Yêu nhớ tặng Thu- con của ba”. Những lúc rảnh rỗi, ông đem cây lược ra ngắm rồi mài lên tóc cho thêm bóng, thêm mượt. Chiếc lược ngà là cầu nối để ông trò chuyện với con trong tâm tưởng, nó chứa đựng biết bao tình cảm nhớ thương, mong đợi. Chiếc lược ngà cũng đã gỡ rối phần nào tâm trạng ông, chiếc lược ấy là tình cảm, là tấm lòng, là yêu thương mà ông gửi gắm, đó đã trở thành một biểu tượng kết tinh tình phụ tử trong ông. Một thứ tình cảm mộc mạc mà đằm thắm, sâu sa, đơn sơ mà diệu kì. Khi bị thương nặng, biết không thể sống được, ông đã dồn tàn lực của mình để trao lại di vật cho người bạn: “ Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu” như một lời trăng trối cuối cùng, một lời trăng trối không lời nhưng lại thiêng liêng hơn mọi lời nói. Hành động ấy cho ta hiểu tình cha con mãnh liệt mà tha thiết.
Từ đầu cho tới khi kết thúc tác phẩm, không lúc nào người ta thấy ông Sáu không thương con, tình thương ấy luôn mãnh liệt, thống nhất xuyên suốt, một người cha với tình cảm thiêng liêng như mọi người cha khiến chúng ta trân trọng và cảm phục.
Nguyễn Quang Sáng đã thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật ông Sáu với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc. Bằng ngòi bút tinh tế đậm chất Nam Bộ, tác giả đã làm hiện lên chân dung một người cha trong chiến tranh. Nhân vật ông Sáu được kể qua lời kể mộc mạc giản dị của vật ông Ba khiến câu chuyện tăng tính chân thực và khách quan. Tác giả đã đặt nhân vật vào tình huống bất ngờ éo le nhưng rất hợp lí để miêu tả sâu sắc tâm lí của nhân vật.
Có thể nói, ông Sáu là một nhân vật trung tâm của tác phẩm, đó là một con người nổi bật với hai vai trò: một người chiến sĩ dũng cảm suốt đời cống hiến và hi sinh cho cuộc chiến tranh giải phóng; một người cha lúc nào cũng giàu lòng thương con vô bờ. Nhân vật ông Sáu là một người cha tiêu biểu, mẫu mực, một người chiến sĩ quả cảm và kiên trung khiến em cảm phục. Ông càng khiến em thêm yêu quý, trân trọng người bố của mình. Em sẽ yêu thương bố và phấn đấu để bố tự hào về em.
Viết bài văn phân tích nhân văn học mà em yêu thích trong một cuốn sách mà em đã học (Bài viết số 2)
Dàn ý bài viết số 2
Mở bài:
– Giới thiệu về tác phẩm/ nhân vật:
+ Đề tài quê hương, đất nước luôn là đề tài quen thuộc nhưng không khi nào xưa cũ. Làng của Kim Lân chính là một tác phẩm như thế.
– Ấn tượng chung về nhân vật: Nổi bật trong tác phẩm ấy là nhân vật ông Hai, một nhân vật với tình yêu làng, yêu nước sâu sắc.
Thân bài:
1. Khái quát hoàn cảnh biết đến nhân vẩ và phẩm chất chung của nhân vật.
– Em biết đến nhân vật ông Hai khi đọc cuốn sách “Tuyển tập truyện ngắn Kim Lân”
– Ra đời trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, truyện ngắn Làng được đăng lần đầu tiên trên báo Văn nghệ năm 1948.
– Truyện ngắn đã khắc họa nhân vật ông Hai với tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến
2. Ông Hai – một nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt
– Ông Hai lại sống trong hoàn cảnh phải đi tản cư.
– Trong hoàn cảnh xa làng ấy, ông đã trải qua tình huống đủ để thể hiện tình cảm chân thành cho làng, cho nước của ông.
3. Ông Hai – một người yêu làng hết mực
– Ông luôn tự hào, kiêu hãnh về làng mình:
+ Dù phải xa làng đi tản cư nhưng tình cảm yêu làng luôn thường trực, hiện hữu
+ Ông buồn khi phải xa làng
+ Ở nơi tản cư, ông đau đáu nhớ về quê hương
+ Ông khoe về ngôi làng mình
+ Ông luôn đến phòng thông tin nghe ngóng tình hình về ngôi làng
– Khi nghe tin làng Chợ Dầu của mình theo giặc:
+ Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, ông sững sờ, lo âu, dằn vặt.
+ Khi mới nghe tin, ông sững sờ, xấu hổ
+ Khi trấn tĩnh được phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy
+ Về nhà, ông đau xót nằm vật ra giường, tủi thân nhìn đàn con: “nước mắt ông lão cứ giàn ra”.
+ Trong cuộc trò chuyện với đứa con út, ông vẫn muốn đứa con nhỏ của mình thực chất ghi nhớ câu: “nhà ta ở làng Chợ Dầu”, tình yêu sâu nặng với nơi chôn nhau cắt rốn thì ra ngay trong hoàn cảnh éo le nhất cũng không mất đi.
+ Quay trở lại với hiện thực làng Chợ Dầu theo giặc, nỗi tủi hổ khiến ông không dám ló mặt ra ngoài…
– Khi nghe tin cải chính:
+ Thái độ ông Hai thay đổi hẳn: “cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên.
+ Ông lại quay về như lúc trước, chạy đi khoe khắp nơi về làng của mình: “Tây nó đốt nhà tôi rồi các bác ạ, đốt nhẵn!
=> Đối với một người nông dân yêu làng như ông Hai thì việc mất mát về của cải, vật chất vốn chẳng thấm vào đâu so với niềm vui tinh thần mà ông nhận được.
+ Danh dự của ngôi làng Chợ Dầu ông yêu quý được khôi phục, điều đó còn cao cả và ý nghĩa hơn rất nhiều so với những của cải mà ông đã mất đi.
5. Ông Hai – một người yêu nước sâu sắc
– Ông Hai yêu nước và giàu tinh thần kháng chiến.
+ Ở nơi tản cư, ông lúc nào cũng quan tâm đến tình hình chính trị thế giới, các tin chiến thắng của quân ta.
+ Ông vui trước tin một em bé trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kì trên Tháp Rùa
+ Cảm phục trước tin một anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc đã tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng.
+ “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên” khi nghe tin đội nữ du kích Trưng Trắc giả làm người mua hàng đã bắt sống tên quan hai bốt thao ngay giữa chợ.
=> Đó là niềm vui của một con người biết gắn bó tình cảm của mình với vận mệnh của toàn dân tộc, là niềm vui mộc mạc của một tấm lòng yêu nước chân thành.
– Tinh thần yêu nước thể hiện rõ nét nhất khi ông nghe ngôi làng mình yêu quý theo giặc.
+ Gạt bỏ ngay ý nghĩ bởi đối với ông: “làng đã theo Tây, về làng nghĩa là rời bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, là cam chịu trở về kiếp sống nô lệ”.
+ Đứng trước hai sự lựa chọn, ông đã dứt khoát chọn theo cách của ông: “làng thì yêu thật nhưng làng đã theo Tây thì phải thù”
+ Trò chuyện với đứa con út để khắc sâu thêm tình cảm yêu nước
6. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: đặt nhân vật vào tình huống thử thách bên trong để bộc lộ chiều sâu tâm trạng
– Miêu tả cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm nhân vật qua ý nghĩ hành vi ngôn ngữ
– Ngôn ngữ nhân vật mang đậm tính địa phương
Kết bài:
– Cảm nghĩ về nhân vật: Ông Hai là một nhân vật trung tâm gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả với tình yêu làng quê, tình yêu đất nước và tinh thần kháng chiến.
– Liên hệ tình cảm của em với nhân vật: Nhân vật ông Hai là một người nông dân yêu làng, yêu nước tiêu biểu. Qua nhân vật này, em càng thấy mình thêm yêu làng quê, đất nước. Em hứa sẽ học tập và rèn luyện để mai sau dựng xây dựng đất nước đẹp giàu.

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé!

Viết bài văn phân tích nhân văn học mà em yêu thích trong một cuốn sách mà em đã học (Bài viết số 2)
BÀI LÀM THAM KHẢO
Có thể chúng ta đã quen thuộc với “Quê hương là chùm khế ngọt…” (Quê hương) của Nguyễn Trung Quân, cũng có thể đã quen thuộc với “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương trở nên lòng yêu Tổ quốc” (Lòng yêu nước) của E-ren- bua…nhưng mỗi lần vang lên, những dòng thơ, dòng văn ấy vẫn khiến ta rung động, ta nhớ về quê hương mình, đất nước mình, bởi quê hương, đất nước, đó là một phần máu thịt, thiêng liêng không gì thay thế được. Cho nên, những tác phẩm viết về đề tài này cũng không bao giờ xưa cũ. “Làng” của nhà văn Kim Lân là một tác phẩm như thế, truyện ngắn đem đến cho độc giả những trải nghiệm quen thuộc nhưng vẫn để lại những rung động sâu sắc nơi trái tim về tình cảm quê hương đất nước của con người. Nổi bật trong tác phẩm ấy là nhân vật ông Hai, một nhân vật với tình yêu làng, yêu nước sâu sắc.
Em biết đến nhân vật ông Hai khi đọc cuốn sách “Tuyển tập truyện ngắn Kim Lân”. Kim Lân là một nhà văn gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn nên cả cuộc đời cầm bút của mình Kim Lân chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân, Làng không nằm ngoài đề tài ấy. Ra đời trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, được đăng lần đầu tiên trên báo Văn nghệ năm 1948, truyện ngắn đã khắc họa tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư một cách chân thực, sâu sắc và cảm động qua nhân vật ông Hai.
Ông Hai hiện lên trong tác phẩm trước hết là một nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt. Vốn là một người xuất thân nông dân, mà những người nông dân là những người quanh năm gắn bó với “lũy tre làng”, mong muốn sống trọn vẹn cuộc đời với cái làng của mình thì giờ đây ông Hai lại sống trong hoàn cảnh phải đi tản cư. Nhưng chính trong hoàn cảnh xa làng ấy, ông đã trải qua tình huống đủ để qua đó người ta nhận ra tình cảm chân thành mà ông dành cho làng của mình sâu đậm bao nhiêu và tình yêu đất nước, tình thần kháng chiến của ông lớn lao thế nào.
Như bao nhiêu người nông dân khác, ông cũng có một làng quê để gắn bó, yêu thương, đó chính là làng Chợ Dầu, tình cảm yêu làng của ông Hai là tình cảm mãnh liệt luôn thường trực trong con người ông.
Đối với ông Hai, ngôi làng ấy là nơi ông và cả gia đình gắn bó như máu thịt. Lúc nào ông cũng tự hào và kiêu hãnh về mảnh đất ấy. Chiến tranh khiến ông phải đi tản cư đến một miền quê xa xôi hẻo lánh, rời xa ngôi làng ông yêu quý nhất nhưng tình cảm yêu làng vẫn luôn thường trực trong trái tim. Buồn chính là cảm xúc của ông Hai khi phải xa làng. Ở nơi tản cư, ông đau đáu nhớ về quê hương, nghĩ về “những ngày làm việc cùng anh em”, ông nhớ làng quá! Hình như khi người ta luôn yêu nhớ về một điều gì đó, người ta sẽ thường có cớ để nhắc về, ông Hai đối với làng mình cũng thế, ông khoe về ngôi làng mình: giàu và đẹp, lát đá xanh, có nhà ngói san sát sầm uất như tỉnh, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi, chòi phát thanh cao bằng ngọn tre. Ông luôn đến phòng thông tin nghe ngóng tình hình về ngôi làng của mình bởi trong ông, nỗi nhớ làng da diết luôn thường trực. Chính những cảm xúc và hành động của ông Hai cho ta cảm nhận rõ nét về người nông dân yêu mến gắn bó với làng quê của mình.
Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, ông sững sờ, lo âu, dằn vặt. Tại sao người nông dân chất phác ấy lại dằn vặt đến thế, điều này chỉ có thể lí giải bằng việc ông quá yêu làng của mình nên khi nghe thông tin làng mình theo Tây, tình cảm yêu quý ấy sụp đổ khiến ông đau đớn. Khi mới nghe tin, ông sững sờ, xấu hổ: “Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được. Khi trấn tĩnh được phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy, phải chăng chính tình cảm to lớn mà ông dành cho làng đã khiến ông không tin? Nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt quá khiến không ông không thể không tin. Tâm trí ông lúc này chỉ có cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó trở thành một nỗi ám ảnh day dứt. Về nhà, ông đau xót nằm vật ra giường, tủi thân nhìn đàn con: “nước mắt ông lão cứ giàn ra”, ông tự hỏi và buồn thay cho số phận những đứa con của mình: “chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?”. Trong cuộc trò chuyện với đứa con út, ông vẫn muốn đứa con nhỏ của mình thực chất ghi nhớ câu: “nhà ta ở làng Chợ Dầu”, tình yêu sâu nặng với nơi chôn nhau cắt rốn thì ra ngay trong hoàn cảnh éo le nhất cũng không mất đi. Quay trở lại với hiện thực làng Chợ Dầu theo giặc, nỗi tủi hổ khiến ông không dám ló mặt ra ngoài…Nếu người ta không yêu quý thứ gì đó quá nhiều thì người ta cũng không đau đớn khi tình yêu ấy sụp đổ như vậy.
Khi tin đồn làng Chợ Dầu theo Tây được cải chính, tình cảm yêu làng sau khoảng thời gian kìm nén đã lại quay trở về trong ông. Thái độ ông Hai thay đổi hẳn: “ cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Ông lại quay về như lúc trước, chạy đi khoe khắp nơi về làng của mình: “ Tây nó đốt nhà tôi rồi các bác ạ, đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên đây cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.”. Đối với một người nông dân yêu làng như ông Hai thì việc mất mát về của cải, vật chất vốn chẳng thấm vào đâu so với niềm vui tinh thần mà ông nhận được. Danh dự của ngôi làng Chợ Dầu ông yêu quý được khôi phục, điều đó còn cao cả và ý nghĩa hơn rất nhiều so với những của cải mà ông đã mất đi.
Tình yêu làng xuyên suốt trong lòng nhân vật ông Hai. Ta thấy đó là một người nông dân tiêu biểu gắn bó suốt đời với làng quê của mình. Hình như qua nhân vật ấy, mỗi độc giả bồi đắp thêm cho mình tình yêu đối với làng quê.
Nhưng nét đẹp của nhân vật ông Hai không phải chỉ đến bởi tình yêu làng Chợ Dầu mà còn đến bởi sự phát triển từ tình cảm yêu làng quê trở nên “ lòng yêu Tổ quốc”. Ông Hai yêu nước và giàu tinh thần kháng chiến. Điều đó được thể hiện rõ nét qua việc ở nơi tản cư, ông lúc nào cũng quan tâm đến tình hình chính trị thế giới, các tin chiến thắng của quân ta. Ông vui trước tin một em bé trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kì trên Tháp Rùa, cảm phục trước tin một anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc đã tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng. “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên”khi ngh tin đội nữ du kích Trưng Trắc giả làm người mua hàng đã bắt sống tên quan hai bốt thao ngay giữa chợ. Đó là niềm vui của một con người biết gắn bó tình cảm của mình với vận mệnh của toàn dân tộc, là niềm vui mộc mạc của một tấm lòng yêu nước chân thành.
Tinh thần yêu nước, đặt tình cảm đất nước lên trên tất cả của ông Hai được thể hiện rõ nét nhất khi ông nghe ngôi làng mình yêu quý theo giặc. Khi mụ chủ nhà biết chuyện, có ý muốn đuổi khéo gia đình ông đi, ông Hai thoáng có ý nghĩ: “Hay là trở về làng”. Tuy nhiên, ông đã gạt bỏ ngay ý nghĩ bởi đối với ông: “làng đã theo Tây, về làng nghĩa là rời bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, là cam chịu trở về kiếp sống nô lệ”. Đứng trước hai sự lựa chọn, ông đã dứt khoát chọn theo cách của ông: “làng thì yêu thật nhưng làng đã theo Tây thì phải thù”. Trò chuyện với đứa con út ông muốn khắc sâu thêm vào trái tim bé nhỏ của nó tình cảm với kháng chiến,với cụ Hồ, đó cũng là tấm lòng thủy chung trước sau như một với cách mạng của ông. Tình yêu đất nước đã rộng lớn hơn và bao trùm lên tình cảm với làng quê: “anh em đòng chí có biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”. Tình cảm ấy là sâu nặng,bền vững và thiêng liêng: “cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”.
Ở ông Hai, rộng lớn hơn tình yêu làng đó chính là tình yêu đất nước. Tình cảm đó khiến mỗi chúng ta thêm cảm phục và trân quý một con người dù quanh năm sống trong “lũy tre làng” nhưng lại thiết tha và hi sinh vì đất nước.
Để xây dựng thành công hình tượng nhân vật ông Hai, Kim Lân đã sử dụng tài tình nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: tác giả đặt nhân vật vào tình huống thử thách bên trong để bộc lộ chiều sâu tâm trạng cũng như miêu tả rất cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm nhân vật qua ý nghĩ hành vi ngôn ngữ, đặc biệt, diễn tả rất đúng và gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật mang đậm tính khẩu ngữ. Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc về người nông dân và thế giới tinh thần của họ.
Tựu chung lại, trong truyện ngắn “Làng”, ông Hai là một nhân vật trung tâm gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả với tình yêu làng quê, tình yêu đất nước và tinh thần kháng chiến. Nhân vật ông Hai là một người nông dân yêu làng, yêu nước tiêu biểu. Qua nhân vật này, em càng thấy mình thêm yêu làng quê, đất nước. Em hứa sẽ học tập và rèn luyện để mai sau dựng xây dựng đất nước đẹp giàu.

Trên đây là Viết bài văn phân tích nhân văn học mà em yêu thích trong một cuốn sách mà em đã học. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.

Xem thêm:

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé!

Leave a Reply

Required fields are marked*