Ôn tập các biện pháp tu từ từ vựng giúp học sinh củng cố lại kiến thức để phục vụ tốt cho quá trình học tập.
Ôn tập các biện pháp tu từ trong tiếng Việt
I. Lí thuyết
CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ TỪ VỰNG | |
1.SO SÁNH
| So sánh là đối chiếu 2 hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt.Cấu tạo phép so sánh: Vế A: Vật so sánh Vế B: Vật được đem ra để so sánh. Giữa 2 vế có từ so sánh: như, như là, là, như thể, dường như… Có hai kiểu so sánh: + so sánh ngang bằng + so sánh không ngang bằng VD. Trăng tròn như quả bóng. Trẻ em như búp trên cành. |
2.NHÂN HÓA | Nhân hóa là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ, tên gọi … vốn chỉ dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, con vật, cây cối khiến cho chúng trở nên sinh động, gần gũi, có hồn hơn, thể hiện tình cảm của người nói, người viết.Các kiểu nhân hóa thường gặp:+ Dùng những từ ngữ vốn gọi người để gọi vật. + Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật. + Trò chuyện với vật như với người. VD. Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ. |
3.ẨN DỤ | Ẩn dụ là BPTT gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.Các kiểu ẩn dụ thường gặp: + Ẩn dụ hình thức +Ẩn dụ cách thức +Ẩn dụ phẩm chất +Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. VD. Thuyền về có nhớ bến chăng Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. |
4.HOÁN DỤ | Hoán dụ là BPTT gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.Các kiểu hoán dụ thường gặp: + Lấy bộ phận để chỉ toàn thể + Lấy vật chứa đựng để gọi tên vật bị chứa đựng + Lấy cái cụ thể gọi cái trừu tượng + Lấy dấu hiệu của sự vật gọi tên sự vật. VD. Áo chàm đưa buổi phân li Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay. |
5.NÓI QUÁ | Nói quá là phép tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.VD . Độc ác thay, trúc Nam sơn không ghi hết tội Dơ bẩn thay, nước Đông hải không rửa sạch mùi” |
6.NÓI GIẢM NÓI TRÁNH
| Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, nhằm tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.VD. “Bác đã đi rồi sao Bác ơi!” Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời. (Bác ơi – Tố Hữu) |
7.ĐIỆP TỪ, ĐIỆP NGỮ | Là BPTT lặp đi lặp lại nhiều lần một từ, cụm từ có dụng ý làm tăng cường hiệu quả diễn đạt: nhằm nhấn mạnh, tạo ấn tượng, gợi liên tưởng, cảm xúc… và tạo nhịp điệu cho câu/ đoạn văn bản.Các kiểu điệp ngữ + Điệp ngữ cách quãng + Điệp ngữ chuyển tiếp + Điệp ngữ nối tiếp VD. Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua. Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già. (Vội vàng – Xuân Diệu) |
8.CHƠI CHỮ | Chơi chữ là BPTT lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước,…. làm câu văn hấp dẫn và thú vị.Các lối chơi chữ thường gặp: + Dùng từ ngữ đồng âm + Dùng lối nói trại âm (gần âm) + Dùng cách điệp âm + Dùng lối nói lái. + Dùng từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa. VD. Con cá đối bỏ trong cối đá Con mèo cái nằm trên mái kèo Mênh mông muôn mẫu một màu mưa Mải miết miên man mãi mịt mờ. |
9.LIỆT KÊ | Là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả đầy đủ, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay tư tưởng, tình cảmCác kiểu liệt kê: + Liệt kê tăng tiến và liệt kê không tăng tiến. + Liệt kê từng cặp và liệt kê không theo từng cặp. VD. Hồi nhỏ sống với đồng Với sông rồi với bể Hồi chiến tranh ở rừng Vầng trăng thành tri kỉ (Ánh trăng – Nguyễn Duy) |
10.TƯƠNG PHẢN | Là cách sử dụng từ ngữ đối lập, trái ngược nhau để tăng hiệu quả diễn đạt.VD. Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã. (Sang thu – Hữu Thỉnh) Đem đại nghĩa để thắng hung tàn Lấy chí nhân để thay cường bạo (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi) |
CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ CÚ PHÁP(tu từ về câu) | |
11.ĐẢO NGỮ | Đảo ngữ là biện pháp tu từ thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu, nhằm nhấn mạnh ý, nhấn mạnh đặc điểm của đối tượng và làm câu thơ, câu văn thêm sinh động, gợi cảm, hài hòa về âm thanh,…VD. Mọc giữa dòng sông xanh Một bông hoa tím biếc (Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải) |
12.LẶP CẤU TRÚC | Là biện pháp tu từ tạo ra những câu văn đi liền nhau trong văn bản với cùng một kết cấu nhằm nhấn mạnh ý và tạo sự nhịp nhàng, cân đối cho văn bản.VD. Trời xanh đây là của chúng ta Núi rừng đây là của chúng ta Những cánh đồng thơm mát Những ngả đường bát ngát Những dòng sông đỏ nặng phù sa. (Đất nước – Nguyễn Đình Thi) |
13.CHÊM XEN | Là chêm vào câu một cụm từ không trực tiếp có quan hệ đến quan hệ ngữ pháp trong câu, nhưng có tác dụng rõ rệt để bổ sung thông tin cần thiết hay bộc lộ cảm xúc. Thường đứng sau dấy gạch nối hoặc trong ngoặc đơn.VD. “Cô bé nhà bên (có ai ngờ) Cũng vào du kích! Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)” (Quê hương – Giang Nam) |
14.CÂU HỎI TU TỪ | Là đặt câu hỏi nhưng không đòi hỏi câu trả lời mà nhằm nhấn mạnh một ý nghĩa khác.VD. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu? (Nhớ Rừng – Thế Lữ) Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ? (Ông đồ – Nguyễn Đình Liên) |
15.PHÉP ĐỐI | Là cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các thành phần câu, vế câu song song, cân đối trong lời nói nhằm tạo hiệu quả diễn đạt: nhấn mạnh, gợi liên tưởng, gợi hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu cho lời nói.Có 2 kiểu: + đối tương phản [ý trái ngược nhau]; + đối tương hỗ [bổ sung ý cho nhau] VD. “Ta/ dại /ta/ tìm/ nơi/ vắng vẻ Người/ khôn/ người/ đến/ chốn/ lao xao” (Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm) “Son phấn/ có/ thần/ chôn vẫn hận Văn chương /không mệnh /đốt còn vương (Độc Tiểu Thanh kí- Nguyễn Du) |
Ôn tập các biện pháp tu từ
II. Luyện tập
Bài 1: Em hãy xác định câu thơ sau sử dụng biện pháp tu từ nào?
“Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.”
Trả lời:
Nhân hóa: Thuyền im – bến mỏi – nằm – nghe
Con thuyền sau một chuyến ra khơi vất vả trở về, nó mỏi mệt nằm im trên bến. Con thuyền được nhân hóa gợi cảm nói lên cuộc sống lao động vất vả, trải qua bao sóng gió thử thách. Con thuyền chính là biểu tượng đẹp của dân chài.
Bài 2: Xác định điệp ngữ trong bài cao dao sau
Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt, leo ra leo vào.
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt, leo vào leo ra.
Trả lời:
Điệp một từ: leo, cành, con kiến
Điệp một cụm từ: leo phải cành cụt, leo ra, leo vào.
Bài 3: Vận dụng kiến thức đã học về một số phép tu từ từ vựng để phân tích nét nghệ thuật độc đáo của những câu thơ sau:
a, Gác kinh viện sách đôi nơi
Trong gang tấc lại gấp mười quan san
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b, Còn trời còn nước còn non
Còn cô bán rượu anh còn say sưa
(Ca dao)
Trả lời:
a, Phép nói quá: Gác Quan Âm, nơi Thuý Kiều bị Hoạn Thư bắt ra chép kinh, rất gần với phòng đọc sách của Thúc Sinh. Tuy cùng ở trong khu vườn nhà Hoạn Thư, gần nhau trong gang tấc, nhưng giờ đây hai người cách trở gấp mười quan san.
– Bằng lối nói quá, tác giả cực tả sự xa cách giữa thân phận, cảnh ngộ của Thuý Kiều và Thúc Sinh
b, Phép điệp ngữ (còn) và dùng từ đa nghĩa (say sưa).
– Say sưa vừa được hiểu là chàng trai vì uống nhiều rượu mà say, vừa được hiểu chàng trai say đắm vì tình.
– Nhờ cách nói đó mà chàng trai thể hiện tình cảm của mình mạnh mẽ và kín đáo.
Bài 4: Em hãy sưu tầm 2 câu thơ, văn có sử dụng phép tu từ từ vựng, chỉ ra thuộc phép tu từ nào?
Trả lời:
– Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.
– Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
– Nhân hóa: buồn, sầu
– Nói quá: Mồ hôi như mưa
Bài 5: Vận dụng kiến thức đã học về một số phép tu từ từ vựng để phân tích nét nghệ thuật độc đáo của những câu thơ sau:
a, Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
(Hồ Chí Minh, Ngắm trăng)
b, Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng
(Nguyễn Khoa Điềm, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
Trả lời:
a. Phép nhân hoá: nhà thơ đã nhân hoá ánh trăng, biến trăng thành người bạn tri âm, tri kỉ.
– Nhờ phép nhân hoá mà thiên nhiên trong bài thơ trở nên sống động hơn, có hồn hơn và gắn bó với con người hơn.
b. Phép ẩn dụ tu từ: từ mặt trời trong câu thơ thứ hai chỉ em bé trên lưng mẹ, đó là nguồn sống, nguồn nuôi dưỡng niềm tin của mẹ vào ngày mai.
Bài 6. Xác định biện pháp tu từ từ vựng trong đoạn thơ sau. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó
“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”.
(Tế Hanh – Quê hương )
Trả lời:
* Biện pháp tu từ vựng
+ So sánh “chiếc thuyền” như “con tuấn mã” và cánh buồm như “mảnh hồn làng” đã tạo nên hình ảnh độc đáo; sự vật như được thổi thêm linh hồn trở nên đẹp đẽ.
+ Cánh buồm còn được nhân hóa như một chàng trai lực lưỡng đang “rướn” tấm thân vạm vỡ chống chọi với sóng gió.
* Tác dụng
– Góp phần làm hiện rõ khung cảnh ra khơi của người dân chài lưới. Đó là một bức tranh lao động đầy hứng khởi và dạt dào sức sống của người dân vùng biển.
– Thể hiện rõ sự cảm nhận tinh tế về quê hương của Tế Hanh…
– Góp phần thể hiện rõ tình yêu quê hương sâu nặng, da diết của nhà thơ.
Trên đây là Ôn tập các biện pháp tu từ. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.
Xem thêm: