Viết đoạn văn về tính tự trọng cung cấp cho thầy cô và các em học sinh dàn ý và bài viết tham khảo trong quá trình dạy và học.
Viết đoạn văn về tính tự trọng
1. Giải thích:
Lòng tự trọng là tôn trọng chính mình, có ý thức giữ gìn danh dự, nhân phẩm của mình trong mọi hoàn cảnh. Con người phải giữ gìn lòng tự trọng như giữ gìn đôi mắt của chính mình trong bất kì hoàn cảnh nào không chỉ khi giàu sang, có địa vị mà cả khi nghèo khó.
2. Biểu hiện của lòng tự trọng:
Tự trọng có vô vàn biểu hiện. Trong học tập, không gian dối trong thi cử, có thể không làm được bài cũng không chép của bạn là tự trọng. Trong cuộc sống, không tham lam tiền bạc bất chính, không cúi đầu trước uy quyền để cầu danh lợi, không đổ thừa lỗi lầm cho người khác khi mình mắc sai lầm, cố gắng làm mọi việc trong khả năng để không làm phiền đến người khác…là tự trọng.
3. Đánh giá, bàn luận :
Vậy lòng tự trọng có vai trò gì mà con người phải giữ gìn?
– Tự trọng là một trong những đức tính tốt đẹp của con người.
– Lòng tự trọng là cơ sở nhân cách, định hướng suy nghĩ, hành động, lời nói, hướng tới những chuẩn mực tốt đẹp. Lòng tự trọng ngăn ngừa những suy nghĩ xấu, việc làm xấu.
– Tự trọng ngăn cản con cái bất kính với cha mẹ, thương nhân làm ăn gian dối, quan chức tham ô, hối lộ, tội phạm ngừng tay trước tội ác. Thực tế dẫu phạm luật có nghiêm minh đến đâu cũng không thể ngăn chặn cái xấu, cái ác, chỉ có lòng tự trọng mới khiến con người dừng tay trước tội ác.
– Thiếu đi lòng tôn trọng, khó mong người khác tôn trọng mình. Tự trọng là mảnh đất tốt lành để ươm mầm những phẩm chất tốt đẹp như lòng dũng cảm, sự trung thực, tự tin, tự lập…
– Tự trọng giúp con người đánh giá đúng khả năng của người khác ngay cả khi người đó là kẻ đối địch với mình.
4. Chứng minh:
Từ xưa đến nay, có rất nhiều tấm gương sáng về lòng tự trọng. Trần Bình Trọng khi bị giặc phương Bắc bắt, vị danh tướng ấy đã khẳng khái tuyên bố “Ta thà làm ma đất Nam còn hơn làm vua đất Bắc”. Thầy Chu Văn An bậc danh nho nổi tiếng dâng thất trảm sớ xin chém bẩy gian thần nhưng không được vua chấp nhận đã xin cáo quan về ở ẩn. Lòng tự trọng khiến các bậc chính nhân quân tử ấy quyết không làm việc xấu chỉ để có lợi cho bản thân mà làm hại cho nhân dân, đất nước.
5. Bàn luận:
– Phản đề: Tự trọng là phẩm chất đáng quý của con người. Tuy nhiên trong xã hội hiện nay, có không ít người thiếu đi lòng tự trọng của mình, họ sẵn sàng vì lợi nhuận trước mắt mà bán rẻ danh dự, nhân phẩm của mình. Như vậy tự trọng trái ngược với vô liêm sỉ.
-Phân biệt: Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt tự trọng với tự ái. Lòng tự trọng là tôn trọng chính mình.Tự ái là quá nghĩ đến bản thân, đề cao cái tôi quá mức nên có thái độ bực tức, khó chịu, giận dỗi khi cho rằng mình bị đánh giá thấp hoặc coi thường
– Bài học: Như vậy, chúng ta cần nhận thức được rằng tự trọng là thước đo nhân cách của con người để từ đó chúng ta ra sức rèn luyện. Ngạn ngữ Nga có câu “ Hãy giữ gìn chiếc áo khi còn mới, hãy giữ gìn danh dự khi còn trẻ”. Lòng tự trọng không phải tự nhiên mà có, không phụ thuộc vào lứa tuổi, trình độ học vấn, giàu hay nghèo. Lòng tự trọng phải được dạy dỗ khi còn bé thơ. Gia đình, nhà trường phải dạy dỗ con cái, học trò của mình phải biết xấu hổ khi làm việc xấu, không nói dối, không lười biếng. Đồng thời để có lòng tự trọng, con người phải tỉnh táo, kiểm soát hành vi, việc làm của mình để không bị sa ngã vào thói xấu, cần khép mình vào kỉ luật, ứng xử một cách đúng mực.
– Liên hệ: Lòng tự trọng đâu chỉ gói gọn trong vấn đề mỗi cá nhân mà nó là vấn đề của toàn dân tộc. Một dân tộc có lòng tự trọng sẽ khẳng định được vị thế của mình. Vì vậy , bản thân mỗi chúng ta, thể hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước hãy rèn luyện lòng tự trọng của mình từ những việc nhỏ như không gian lận trong thi cử với mục đích để đạt được điểm cao, hiếu thảo với bố mẹ, kính trọng thầy cô, yêu quý bạn bè, không đua đòi theo cái xấu, không đồng lõa với cái xấu…Có như vậy, chúng ta sẽ rèn luyện được lòng tự trọng của mình được thầy cô, bạn bè yêu mến.
Trên đây là Viết đoạn văn về tính tự trọng . Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.
Xem thêm: