Viết bài văn biểu cảm về người bà trong bài thơ Tiếng gà trưa cung cấp cho thầy cô và các em học sinh dàn ý và bài viết tham khảo.
VIẾT BÀI VĂN BIỂU CẢM VỀ NGƯỜI BÀ TRONG BÀI THƠ “TIẾNG GÀ TRƯA”- XUÂN QUỲNH.
Xuân Quỳnh (1942 – 1988) là nhà thơ nữ được nhiều người yêu thơ mến mộ. Thơ chị trẻ trung, sôi nổi, giàu chất trữ tình. Chị hay viết về những đề tài bình dị, gần gũi của cuộc sống đời thường như tình mẹ con, bà cháu, tình yêu, tình quê hương, đất nước và đã gây được sự chú ý của người đọc. Hình ảnh người bà trong bài thơ
“Tiếng gà trưa” là một trong những hình ảnh tiêu biểu, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Cùng với “tiếng gà trưa” hình ảnh người bà với những kỉ niệm đẹp tuổi thơ như một thước phim quay chậm với những hình ảnh gần gũi, quen thuộc. Bên cạnh ổ rơm hồng những trứng, con gà mái mơ, con gà mái vàng đẹp mắt, gần gũi là hình ảnh người bà. Bà “khum soi trứng”, “nhặt từng quả chắt chiu”, “lo đàn gà toi”…Gợi lên hình ảnh người bà chân chất, thuần hậu. Cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan nhưng bà luôn chắt chiu, dành dụm, gom góp nhặt nhạnh những quả trứng nho nhỏ. Rồi “khum soi trứng” vừa như muốn biết quả trứng gà đã thành hình, thành con chưa? Vừa như bà đang hồi hộp, mong được thấy những chú gà con với bao hi vọng. Bà còn tâm sự với cháu những nỗi niềm thầm kín:
“Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới.”
Bà mong đàn gà bình an nhưng thực chất là đang vì cháu. Đàn gà là hi vọng, là dự kiến của bà, là niềm vui của cháu. Dù cuộc sống của bà còn thụ động, còn phụ thuộc vào thời tiết, còn phụ thuộc vào may rủi những bà cũng giống như bao người bà, người mẹ khác luôn mong cho con có được những điều tốt đẹp nhất. Dù mong muốn ấy chỉ đơn giản là manh áo, chiếc quần mới vào mỗi độ tết đến, xuân về nhưng đó là cả quá trình bà chắt chiu, dành dụm mới có được. Bà muốn cháu có bao nhiêu, bà lại lo không có được bấy nhiêu. Từ mong ước nho nhỏ đó của bà đủ chúng ta cảm nhận được tất cả tình yêu thương, sự quan tâm, mong muốn của bà đều dành cho cháu. Luôn mong cháu có được niềm vui con trẻ. Ngay cả khi bà mắng: “Gà đẻ mà mày nhìn/Rồi sau này lang mặt”. Dù là tiếng mắng, nhưng lại cảm nhận được đó là lời mắng, lời dọa thật dễ thương, thật gần gũi và thân thiết. Suốt một đời lam lũ, lo toan, chắt chiu nhưng hình như chưa một lần bà nghĩ đến bản thân mình, dù chỉ là manh áo, miếng trầu mà tất cả bà đều dành hết cho cháu. Phải chăng, cả cuộc đời bà đã hi sinh thân mình để lo cho cháu.
Niềm vui, niềm hạnh phúc duy nhất của bà đó là tình yêu, lòng biết ơn, sự trân trọng của cháu dành cho bà. Tình yêu bà đã hòa vào tình yêu quê hương, đất nước đã nâng thành lẽ sống, lí tưởng, khát vọng sống, trở thành mục tiêu sống, chiến đấu của cháu. Điệp từ “vì” và liệt kê “tổ quốc, xóm làng, làng…” tạo nên sức mạnh, ý chí chiến đấu của người cháu.
Với nhan đề “Tiếng gà trưa” và được lặp lại ở đầu mỗi khổ thơ như một dụng ý nghệ thuật. “tiếng gà” là tiếng gợi, tiếng gọi kí ức tuổi thơ, gọi tình bà cháu. Phép điệp ngữ “nghe, vì” liệt kê “gà mới mơ, gà mái vàng…” từ láy “chắt chiu”gợi trong chúng ta hình ảnh người bà tần tảo, chịu thương, chịu khó và hết mực yêu thương, lo lắng cho người cháu của mình. Bà cũng thật hạnh phúc khi có người cháu luôn trân quý, khắc ghi công lao bà dành cho mình. Bằng lời thơ giản dị, gần gũi, nữ nhà thơ Xuân Quỳnh đã giúp em thêm yêu bà, yêu mẹ, yêu gia đình và rộng lớn hơn là yêu quê hương đất nước.
Trên đây là Viết bài văn biểu cảm về người bà trong bài thơ Tiếng gà trưa. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.
Xem thêm:
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé!