Hệ thống đề Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng cung cấp một số đề nâng cao để học sinh tham khảo trong quá trình học tập.
Hệ thống đề Chiếc lược ngà
Đề 1: Tại Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 09/01/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu:
“ Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thực sự có giá trị, phải có sức lay động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ … Mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của mình phản ánh chân thực cuộc sống, làm cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy mạch đời đập dưới bìa sách đóng như mạch máu đập dưới làn da.”
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua việc phân tích tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Gợi ý
1. Giải thích ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
– Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thực sự có giá trị, phải có sức lay động công chúng: Tác phẩm văn học, nghệ thuật chỉ thực sự có giá trị khi nó làm cho người đọc thấy rung cảm, xúc động và đánh thức ở họ những tư tưởng, tình cảm cao đẹp.
– Trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ: Quý trọng nghề nghiệp và có bản lĩnh của người sáng tạo, có tình cảm nhân văn cao đẹp đặc biệt là tình thương yêu con người => những phẩm chất cần có của người nghệ sĩ.
– Mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của mình phản ánh chân thực cuộc sống: Nhiệm vụ của nhà văn là phải sáng tạo nên những tác phẩm văn học có giá trị hiện thực.
– Làm cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy mạch đời đập dưới bìa sách đóng như mạch máu đập dưới làn da: Bạn đọc sau khi thưởng thức tác phẩm có những rung cảm sâu sắc với những vấn đề của hiện thực cuộc sống được nhà văn phản ánh trong tác phẩm.
=> Ý kiến trên đã khẳng định vai trò và nhiệm vụ quan trọng của nhà văn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật nhằm tạo ra những tác phẩm văn học có sức lay động lòng người và mang giá trị hiện thực sâu sắc.
2. Phân tích tác phẩm Chiếc lược ngà để làm sáng tỏ ý kiến trên.
a. Truyện ngắn Chiếc lược ngà (1966) là một tác phẩm có giá trị, có sức lay động trái tim độc giả.
* Nhà văn đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng trong hoàn cảnh chiến tranh.
– Tình cảm mãnh liệt của bé Thu với cha: Bé Thu là con gái đầu lòng cũng là đứa con duy nhất của ông Sáu. Em sống thiếu vắng người cha từ khi chưa đầy một tuổi. Sau hơn bảy năm xa cách, cha con mới được gặp lại. Tình thương cha của bé bộc lộ qua hai tình huống:
+ Tình huống thứ nhất: Thái độ và hành động của bé Thu trước khi nhận ông Sáu là cha.
+ Tình huống thứ hai: Thái độ và hành động của bé Thu khi nhận ông Sáu là cha.
– Tình cha con sâu nặng và cao đẹp của ông Sáu: Ông Sáu là người cha có tình thương con rất sâu nặng. Tình thương ấy bộc lộ qua hai tình huống:
+ Tình huống thứ nhất: Tình cảm của ông Sáu khi gặp lại con sau hơn bảy năm xa cách (Thí sinh phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho con khi xuồng cập bến, trong những ngày nghỉ phép, lúc chia tay).
+ Tình huống thứ hai: Tình yêu con tha thiết của ông còn được thể hiện rất sâu sắc khi ông ở khu căn cứ: Day dứt ân hận vì đã đánh con, nhớ lời dặn của con ông dồn hết tâm trí và công sức để làm chiếc lược ngà, chiếc lược trở thành vật thiêng liêng đối với ông Sáu, trước lúc hi sinh ông đã nhờ người bạn chiến đấu của mình trao lại chiếc lược ngà cho con gái…
* Truyện ngắn Chiếc lược ngà là một tác phẩm có giá trị còn bởi từ khi ra đời cho đến nay các thế hệ độc giả vẫn không thôi hành trình đồng sáng tạo với nhà văn. Tác phẩm đã góp phần không nhỏ trong việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ và đánh thức ở nhiều thế hệ học sinh những phẩm chất, tình cảm cao đẹp.
( Liên hệ 1 số nhận xét về TP: Điều duy nhất mà chúng tôi muốn nói trước khi đọc Chiếc lược ngà, đây là một tác phẩm viết về chiến tranh. Vì vậy, người đọc cần đặt mình trong bối cảnh của câu chuyện. Và hãy đừng quên rằng đã một thời Việt Nam chìm trong tiếng súng. Lịch sử sẽ phán xét về cuộc chiến tranh này. Nhưng giá trị nghệ thuật và lịch sử của những tác phẩm văn học thì luôn vĩnh hằng với thời gian. (Trần Thanh Phong)
b. Tác phẩm “Chiếc lược ngà” có giá trị hiện thực, khiến độc giả sau khi gấp sách lại vẫn cảm nhận được cuộc sống, không khí nóng bỏng của thời đại như đang diễn ra trước mắt.
-Phản ánh chân thực cuộc sống, cuộc chiến đấu của con người Nam Bộ trong kháng chiến chống Mĩ.
-Hiện thực về những tội ác mà đế quốc Mĩ đã gây ra cho đồng bào Nam Bộ nói riêng và nhân dân ta nói chung.
-Hiện thực về vẻ đẹp con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ: tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, tình đồng đội…
=> Giúp độc giả hiểu hơn về cuộc chiến tranh và con người Việt Nam trong chiến tranh.
c. Nguyễn Quang Sáng đã sáng tạo nên truyện ngắn có giá trị này bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ.
* Trách nhiệm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng:
-Sáng tạo hình thức nghệ thuật phù hợp với nội dung tác phẩm: Xây dựng tình huống truyện bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí; xây dựng cốt truyện khá chặt chẽ, lựa chọn nhân vật kể chuyện thích hợp; miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc, nhất là đối với nhân vật bé Thu; ngôn ngữ truyện mang đậm chất địa phương Nam Bộ.
-Đóng góp mới mẻ: Trong khi các nhà văn cùng thời thường viết về những con người lí tưởng hiện ra giữa chiến trường lửa đạn thì nhà văn lại hướng ngòi bút của mình ca ngợi tình cảm cha con trong chiến tranh đầy cảm động.
-Làm tròn sứ mệnh của một nhà văn trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh: Nhà văn là chiến sĩ, trực tiếp cầm súng chiến đấu và viết nên tác phẩm từ những trải nghiệm thực tế của mình.
* Tấm lòng, trái tim của nhà văn Nguyễn Quang Sáng:
-Ông rất am hiểu tâm lí trẻ thơ, có tấm lòng yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ. Trân trọng và ngợi ca những tình cảm cao đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh. Căm ghét chiến tranh bởi chiến tranh đã gây ra bao đau khổ, mất mát cho con người…
-Viết truyện ngắn này tác giả muốn khẳng định: Điều còn lại mà chiến tranh không thể lấy đi là vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam (lòng yêu nước nồng nàn, lí tưởng sống, chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; tình đồng chí; tình cảm gia đình, tình cha con thắm thiết, sâu nặng, bất tử) mà bom đạn quân thù không thể nào tàn phá được.
“Câu chuyện viết về tình cha con của những người kháng chiến, những người cách mạng. Nhưng đó cũng là tình phụ tử muôn đời. Truyện không dài, tình tiết không li kì, tư tưởng cũng không phức tạp. Nó chân thực và giản dị, vì thế mà cảm động. Ấy là cốt cách của một truyện hay”. (Chu Văn Sơn ).
3. Đánh giá chung.
-Ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn đúng đắn và có thể được coi là ngọn nến soi đường cho các văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau.
-Bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người cầm bút và những nhận thức về thực tế cuộc sống, Nguyễn Quang Sáng đã làm nên một Chiếc lược ngà có sức lay động bạn đọc nhiều thế hệ, có giá trị hiện thực sâu sắc.
-Bạn đọc phải biết trân trọng sản phẩm sáng tạo của nhà văn, có tình yêu tha thiết với cái đẹp, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm tiếp nhận, chủ động và sáng tạo khi tiếp nhận tác phẩm … để có những phát hiện mới về TP trên tầm cao của kiến thức, của tình yêu, say mê và rung cảm mãnh liệt đối với văn chương, đáp ứng được mong mỏi của các nhà văn “Viết ngắn thôi, nhưng cuộc sống phải dài!” (Nguyễn Minh Châu).
Hệ thống đề Chiếc lược ngà
Đề 2: Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.
Gợi ý
I- MB:
“ Chiếc lược ngà” là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Quang Sáng thời chống Mỹ. Truyện được viết trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nhưng lại tập trung nói về tình người. Cụ thể ở đây là tình cha con trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Đó không chỉ là một tình cảm muôn thuở, bền vững mà còn được thể hiện trong hoàn cảnh ngặt nghèo, éo le của chiến tranh. Vì thế tình cảm ấy thật đáng trân trọng và đồng thời cũng cho thấy nỗi đau mà chiến tranh mang đến cho đời sống bình thường của mọi người.
II-TB:
1-Tóm tắt đoạn trích:
Ông sáu xa nhà đi kháng chiến. Mãi đến khi con gái lên tám tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Bé Thu không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt làm cha em không giống với cha trong bức ảnh chụp chung với má. Em đối xử với ba như người xa lạ. Đến lúc Thu nhận ra cha, lúc tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi.
Tại khu căn cứ, người cha dồn hết tình cảm yêu quý, nhớ thương đứa con vào việc làm chiếc lược bằng ngà voi để tặng cô con gái bé bỏng. Trong một trận càn, ông hy sinh. Trước lúc nhắm mắt ông còn kịp trao cây lược cho người bạn để gởi cho con.
2-Tình cha con:
a/ Tình cha đối với con (nhân vật anh Sáu):
Anh Sáu xa nhà đi kháng chiến khi con gái mới một hai tuổi. Mãi khi con gái tám tuổi, anh mới có dịp về thăm nhà thăm con. Cái khao khát của một người lính sau những năm xa cách được trở lại quê hương , được gặp lại vợ con, được nghe con cất tiếng gọi “ba” một tiếng cũng không trọn vẹn! Đó là bi kịch thời chiến tranh.
Lúc chia tay để ra đi , ông mới có được một khoảnh khắc hạnh phúc khi đứa con gái ngây thơ nhận ra ba mình và kêu thét lên “Ba…Ba!”. Bom đạn chiến tranh làm thay đổi hình hài của ông. Vết thẹo dài trên má – vết thương chiến tranh- đã làm cho đứa con gái thương yêu, bé nhỏ không nhận ra bóng dáng người cha nữa!
Anh đã ra đi ,mang theo hình ảnh vợ con, với lời hứa mang về cho con chiếc lược cùng với nỗi ân hận day dứt “sao mình lại đánh con” cứ giày vò ông mãi . Những ngày ở rừngvô cùng thiếu thốn, gian khổ , nguy hiểm, anh Sáu vẫn không nguôi nhớ vợ con.
Khi kiếm được khúc ngà voi, ông mừng vô cùng, ông dành hết tâm trí, công sức vào làm một cây lược. Chiếc lược ngà đã trở hành báu vật đối với ông. Nó làm dịu đi nỗi ân hận day dứt. Nó chứa đựng bao tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi của người cha trong những ngày xa cách. Nhưng rồi tình cảnh đau thương lại đến với cha con ông Sáu. Ông Sáu hy sinh khi chưa gặp lại con. Chiếc lược chưa tới được tay bé Thu.
Chiếc lược ngà trở thành vật ký thác thiêng liêng của người lính về tình cha con sâu nặng trong bom đạn quân thù không thể nào tàn phá được…Chiến tranh làm cắt đứt tình cảm cha con ngay với một vật kỉ niệm chưa kịp trao.
b/ Tình con đối với cha (nhân vật bé Thu):
Gặp lại con sau bao ngày xa cách với nỗi nhớ thương nên anh Sáu vồ vập nôn nóng , ngược lại bé Thu lại ngỡ ngàng, xa lạ . Ba ngày phép của cha, Thu tỏ ra rất lạnh nhạt. Tình cảm của em đối với cha ngày càng xấu đi, nó nhất định không gọi ba, không nhận sự chăm sóc của anh Sáu.
Sự phản ứng của Thu ngày càng quyết liệt, từ chỗ ngấm ngầm đến rõ ràng, mạnh mẽ . Nó phản ứng vì anh Sáu có vết sẹo trên má ,không giống với hình mà “ba” nó chụp chung với má nó mà nó được biết. Sự phản ứng của em chứng tỏ em có cá tính mạnh mẽ, có tình yêu cha sâu sắc.
Tình yêu ấy đã khắc ghi trong trái tim ngây thơ đầy kiêu hãnh nên em không chấp nhận người đàn ông có sẹo là cha.Sự ngang ngạnh của bé Thu hoàn toàn “có lý” và không đáng trách vì trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá bé nhỏ để hiểu được những tính khắc nghiệt, éo le của đời sống và người lớn cũng không ai kịp chuẩn bị cho nó đón nhận những khả năng bất thường nên nó không tin ông Sáu là ba nó.
Nhưng vào thời điểm không ai ngờ, vào phút cuối của cuộc chia tay, thái độ và hành động của bé Thu hoàn toàn thay đổi. Thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:
– Ba…a…a…ba!
Đó là tiếng “Ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay. Từ ngờ vực xa cách, nó đã đi tới niềm tin thực sự và tình cảm được bộc lộ thật mãnh liệt và chân thành.Chiến tranh đã làm cho họ xa nhau và chiến tranh cũng không cho phép họ có điều kiện gặp nhau lâu.
Hình ảnh bé Thu và tình yêu cha sâu sắc của Thu đã gây xúc động mạnh trong lòng người đọc, để lại những ấn tượng sâu sắc.
3.Về tình cảm cha con trong chiến tranh:
-Truyện “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện tình cha con sâu sắc của ông Sáu và bé Thu trong những tình huống:Cuộc gặp gỡ của cha con ông Sáu sau tám năm xa cách . Trớ trêu thay, bé Thu không nhận cha. Đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thì ông Sáu phải ra đi .
Chiến tranh đã làm cho họ xa nhau và chiến tranh cũng không cho phép họ có điều kiện gặp nhau lâu. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tình cảm yêu thương con vào việc làm một cây lược ngà tặng con .
Cây lược làm xong thì ông hi sinh khi chưa kịp gửi cây lược ấy cho con.Chiến tranh làm cắt đứt tình cảm cha con ngay với một vật kỉ niệm chưa kịp trao. Nếu tình huống thứ nhất bộc lộ tình cảm mãnh liệt của bé Thu với cha thì tình huống thứ hai lại biểu lộ tình cảm sâu sắc của người cha với con. Tất cả diễn ra trong xa cách của chiến tranh . Hai tình huống đã gắn kết lại thành một mối tình có qua có lại : tình cha con
Câu chuyện về chiếc lược ngà không chỉ nói lên tình yêu thương thắm thiết, sâu nặng muôn đời của cha con người chiến sĩ mà còn gợi cho ta nghĩ đến những đau thương, mất mát, éo le mà chiến tranh mang đến cho bao gia đình, bao người trở thành côi cút, bất hạnh đáng thương.
Nỗi đau, nỗi nhớ thương và mất mát…do quân giặc đem đến cho ông Sáu, cho bao người lính, cho bao bà mẹ, em thơ trên khắp đất nước ta có bao giờ nguôi.Anh Sáu cũng như hàng triệu chiến sĩ, đồng bào hy sinh chiến đấu vì đất nước và dân tộc, vì tình vợ chồng, tình cha con
Chiếc lược ngà với dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” mang theo bao tình cảm sâu nặng của người cha đối với đứa con bé bỏng ; mãi mãi là kỷ vật, là nhân chứng về nỗi đau, về bi kịch đầy máu và nước mắt để lại nhiều ám ảnh đau thương trong lòng ta.
III –KL
Truyện “Chiếc lược ngà” tập trung vào chủ đề tình cha con, nhưng ở đây tình cha con của anh Sáu và bé Thu đã không mất đi sau khi anh Sáu hy sinh. Tình cảm ấy vẫn sống mãi trong lòng con gái anh, trong lòng người bạn của anh là bác Ba và các đồng chí.
Tình cha con được nối dài trong tình cảm cách mạng, tình cảm của những người đồng chí. .Nhà văn khẳng định và ca ngợi tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh éo le, thời chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc. Tình cảm ấy càng cao đẹp trong những hoàn cảnh khó khăn.Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” là bài thơ về tình cha con.
Hệ thống đề Chiếc lược ngà
Đề 3: Có ý kiến cho rằng: Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) là truyện thuộc loại đọc đời nào cũng hay vì nó không phải là truyện của một thời mà là của muôn thời – chuyện tình cảm, tình nghĩa của con người.
Em hiếu ý kiến trên như thế nào? Qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, em hãy làm rõ điều đó.
Gợi ý
Ý 1: Giải thích:
– Truyện ngắn Chiếc lược ngà không chỉ là câu chuyện đơn thuần viết về tình cảnh éo le, những mất mát của con người trong chiến tranh. “Chiếc lược ngà” đó trở thành câu chuyện muôn thời- chuyện tình cảm, tình nghĩa của con người và nó là câu chuyện cảm động về tình cha con cao đẹp, sâu nặng, tình đồng đội thắm thiết. Câu chuyện đó khẳng định một chân lí vĩnh hằng: Khẳng định giá trị nhân bản sâu sắc, cao đẹp và thiêng liêng tình cảm ruột thịt của con người như tình cảm gia đình, tình cha con, tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, sâu nặng nhất vượt lên trên trở ngại, thậm chí cả chiến tranh…
+ Truyện ngắn là bài ca cảm động về tình cảm đồng đội chân thành của những người lính trong chiến tranh -> Câu chuyện trở thành truyện của muôn thời bởi những tình cảm, tình nghĩa cao đẹp của con người.
Thông điệp này mãi còn có giá trị muôn đời.
* Chứng minh
Ý 2: Chứng minh:
– “Chiếc lược ngà” là câu chuyện cảm động, về tình cha con: Qua hai tình huống chính Cuộc gặp gỡ sau 8 năm xa cách của 2 cha con và ông Sáu làm chiếc lược ngà ở khu căn cứ:
+ Tình cảm sâu sắc của bé Thu đối với cha ( Phân tích diễn biến tâm lý của bé Thu, đặc biệt giờ phút nhận cha và cuộc chia tay đầy xúc động của hai cha con…)
+ Sự thể hiện tình cảm sâu sắc thiết tha của ông Sáu đối với con, đặc biệt qua kỷ vật chiếc lược ngà – biểu hiện của tình cha con sâu nặng.( Phân tích nỗi ân hận, nhớ thương con của ông Sáu, đặc biệt việc làm nên kỷ vật chiếc lược ngà và trao gửi cho người đồng đội…-> Tình cảm cha con thường trực sâu nặng, một minh chứng cho tình cha con bất diệt… )
– “Chiếc lược ngà” thể hiện tình cảm đồng đội chân thành sâu nặng của những người línhtrong chiến tranh thể hiện qua tình cảm giữa ông Ba và ông Sáu. Phân tích tình đồng đội của bác Ba dành cho anh Sáu:
+ Là người bạn thân thiết của Anh Sáu, bác Ba không chỉ là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện mà cũng luôn bày tỏ sự xúc động, đồng cảm, chia sẻ với cha con anh Sáu
+ Hoàn thành tâm niệm của anh Sáu là trao lại cây lược cho Thu và tìnhcảm giống như tình cha con đó được nảy nở giữa bác Ba với bé Thu.
* Đánh giá chung:
– Để diễn tả chuyện của muôn thời- chuyện tình cảm, tình nghĩa của con người, Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng tình huống truyện bất ngờ, hợp lý, tâm lý nhân vật được thể hiện sâu sắc, chân thực và tự nhiên, ngôn ngữ nhân vật đậm chất Nam Bộ.
– Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” thể hiện tình cha con cao đẹp, sâu nặng, tình đồng đội thắm thiết của con người Việt Nam trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Tác phẩm ra đời vào năm 1966, thời điểm cuộc chiến tranh chống Mĩ đang diễn ra ác liệt có mất mát, đau đớn, yêu thương, nhưng toàn bộ câu chuyện thấm đẫm tình người cao đẹp.
Cảm hứng nhân văn sâu sắc của nhà văn đó tạo nên sức hấp dẫn riêng cho tác phẩm. Người đọc không chỉ thấm thía những mất mát hi sinh lặng thầm của người lính mà cũng trân trọng những con người xông pha nơi trận mạc tâm hồn vẫn chan chứa yêu thương. Câu chuyện hướng người đọc đến những tình cảm cao đẹp, biết căm ghét chiến tranh, biết sống hết mình với những gì tốt lành đang hiện hữu.
c.) Kết bài
Khẳng định nhận định. Nêu cảm xúc của bản thân.
Hệ thống đề Chiếc lược ngà
Đề 4: Đại văn hào Andersen có câu nói nổi tiếng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”. Và chúng ta thấy rằng tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng chính là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, một truyện cổ tích hiện đại.
Qua câu nói của Andersen và hiểu biết về tác phẩm “Chiếc lược ngà”, hãy viết bài văn phân tích và nêu lên suy nghĩ của bản thân về câu chuyện cổ tích từ hiện thực cuộc đời ấy.
Gợi ý
1. Câu nói của Andersen: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”
– Cuộc sống đã thử thách cũng như tiếp thêm, làm tăng thêm tình yêu của những con người trong chính cuộc sống ấy, đó là những tình cảm cao quý: tình phụ tử, tình mẫu tử, tình bà cháu,…
– Những câu chuyện “cổ tích” trong cuộc sống đẹp không phải vì có sự xuất hiện của hình ảnh ông bụt, bà tiên, phép màu nhiệm,… như trong truyện cổ tích, mà nó đẹp nhờ những tình cảm thật sự giữa con người với con người, từ đó nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi con người ta những vẻ đẹp, những vẻ đẹp rất riêng và vô cùng thiêng liêng, cao quý.
2. Tình cảm của cha con ông Sáu đẹp như bức tranh cổ tích trong sự thử thách của chiến tranh:
– Chiến tranh đã chia cắt gia đình ông Sáu. Bé Thu lớn lên trong sự yêu thương của má, nhưng em chưa từng gặp ba, em chỉ biết ba qua tấm hình chụp chung với má.
– Chiến tranh vẫn không cắt được tình phụ tử thiêng liêng:
+ Bé Thu rất thương ba của mình: (HS phân tích, đưa dẫn chứng chứng minh cụ thể)
+ Ông Sáu luôn dành cho bé Thu một tình yêu thương đặc biệt: (HS phân tích, đưa dẫn chứng chứng minh cụ thể)
=> Chiến tranh chính là hiện thực đã góp phần tạo nên và nâng cao tình phụ tử thiêng liêng, cao quý của ông Sáu và bé Thu.
3. Suy nghĩ về câu chuyện cổ tích trong chiến tranh:
– Câu chuyện cổ tích về tình cha con được miêu tả cảm động ở hai phía: người cha, người cán bộ cách mạng và đứa con gái nhỏ.
– Đó là một tình cảm muôn thuở, có tính nhân bản và bền vững thể hiện trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh và trong cuộc sống nhiều gian khổ, hi sinh của người cán bộ cách mạng.
Đề 5: Chiếc lược ngà là tên một truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng đồng thời cũng là một hình ảnh nghệ thuật giàu ý nghĩa của thiên truyện.
Em cảm nhận như thế nào về hình ảnh nghệ thuật đó?
Gợi ý
1.Chiếc lược ngà” của nguyễn Quang Sáng là một câu chuyện cảm động về tình cảm cha con, tình đồng chí, đồng đội trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Truyện thành công trong việc sáng tạo tình huống, miêu tả tâm lí nhân vật, đặc biệt là xây dựng hình tượng nghệ thuật.
2.Chiếc lược ngà là một hình ảnh nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm. Tuy chỉ là một kỉ vật đơn sơ nhưng lại chứa đựng những tình cảm thiêng liêng cao đẹp như: tình cảm cha con, tình đồng đội cảm động trong hoàn cảnh éo le của cuộc chiến tranh và có ý nghĩa sâu sắc với mỗi nhân vật trong câu chuyện.
Với nhân vật ông Sáu:
– Chiếc lược ngà ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, được ông Sáu dồn hết tâm lực để làm trong những ngày tháng hoạt động ở chiến khu.
– Chiếc lược ngà là sản phẩm nghệ thuật của ông, là món quà- kỉ vật duy nhất ông Sáu dành tặng cho con.
– Chiếc lược ngà kết tinh tình yêu thương, lòng mong nhớ và cả niềm ân hận của ông Sáu với con; là bằng chứng cảm động về tình phụ tử mộc mạc, giản dị mà sâu sắc, kì diệu.
Với bé Thu:
– Chiếc lược ngà là kỉ vật, là món quà vô giá mà Thu nhận được từ người cha thân yêu.
– Kỉ vật ấy gợi nhắc Thu luôn nhớ đến người cha đã anh dũng hi sinh, là niềm tự hào của cô về người cha; nó tiếp thêm sức mạnh cho Thu trên con đường hoạt động cách mạng để trở thành một cô giao liên dũng cảm.
Với ông Ba:
– Chiếc lược ngà là kỉ vật duy nhất người đồng đội đã trao cho ông trước lúc hi sinh.
– Chiếc lược ngà là minh chứng cảm động cho tình đồng chí, đồng đội trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh, là sợi dây vô hình kết nối tình cảm của ông với bé Thu, giúp ông trở thành người cha thứ hai của Thu.
Chiếc lược ngà là hình ảnh nghệ thuật đặc sắc nhất của thiên truyện, góp phần toả sáng chủ đề của tác phẩm, có sức lay động tâm hồn người đọc.
Trên đây là Hệ thống đề Chiếc lược ngà. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.
Xem thêm: