Đề kiểm tra giữa kì 2 Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo cung cấp bảng đặc tả, ma trận, đề và đáp án cho thầy cô và các em học sinh tham khảo.
Đề kiểm tra giữa kì 2 Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo
I. MỤC TIÊU KIỂM TRA:
– Đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh qua 19 tuần của học kì II đến tuần 25.
– Học sinh vận dụng kiến thức đọc hiểu văn bản truyện, và kiến thức tiếng Việt để trả lời câu hỏi.
– Học sinh rút ra được bài học từ văn bản.
– Học sinh viết được bài văn tự sự kết hợp với miêu tả về hoạt động xã hội.
II. HÌNH THỨC ĐỀ KIỂM TRA:
– Hình thức đề kiểm tra: Trắc nghiệm và tự luận.
– Cách tổ chức: HS làm bài kiểm tra tự luận trong thời gian 90 phút.
III.THIẾT LẬP MA TRẬN VÀ BẢNG ĐẶC TẢ:
KHUNG MA TRẬN ĐỀ KIỂM TRA VĂN 8 GIỮA KÌ II
(Thời gian kiểm tra: 90 phút)
TT | Kĩ năng | Đơn vị kiến thức/ kĩ năng | Mức độ nhận thức | Tổng % điểm | |||
Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Vận dụng cao | ||||
1 | Đọc hiểu | Truyện ngắn (Truyện hiện đại) | 4 TN 0 TL | 4 TN 0 TL | 0 TN 2 TL | 0 TN 0 TL | 60 % |
2 | Viết | Viết đoạn ghi lại cảm xúc về lòng yêu thương và bài văn kể về một hoạt động xã hội | 1* | 1* | 1* | 1* | 40 % |
Tổng | 4 TN 1* TL | 4 TN 1* TL | 0 TN 3 TL | 0 TN 1 TL | 100% | ||
Tỉ lệ | 30% | 30% | 30% | 10% | 100% | ||
Tỉ lệ chung | 60% | 40% | 100% |
IV. Bảng đặc tả đề kiểm tra
TT | Kĩ năng | Đơn vị kiến thức Kĩ năng | Mức độ đánh giá | Số câu hỏi theo mức độ nhận thức | |||
Nhận biết | Thông hiểu | Vận Dụng | Vận dụng cao | ||||
1 | Đọc hiểu | Truyện hiệnđại | Nhận biết:– Nhận biết đề tài, bối cảnh, chi tiết tiêu biểu. – Nhận biết được nhân vật, cốt truyện, tình huống, các biện pháp xây dựng nhân vật. – Nhận biết được các trợ từ, thán từ, thành phần biệt lập. Thông hiểu:– Phân tích được tình cảm, thái độ của người kể chuyện. – Phân tích được vai trò, tác dụng của cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến. – Hiểu và lí giải được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản. – Nêu được tác dụng của trợ từ, thán từ, thành phần biệt lập được sử dụng trong văn bản. Vận dụng:– Nhận xét được nội dung phản ánh và cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả qua văn bản. – Nêu được những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm, nhận thức của bản thân sau khi đọc văn bản. – Vận dụng những hiểu biết về vai trò của tưởng tượng trong tiếp nhận văn học để đánh giá giá trị của tác phẩm. | 4 TN | 4TN
| 2 TL | 0 |
2 | Viết | Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về lòng yêu thương và hoạt động xã hội | Nhận biết: Nhận biết được yêu cầu của đề về kiểu bài kể về chuyến đi. Thông hiểu: Viết đúng về nội dung, về hình thức (Từ ngữ, diễn đạt, bố cục văn bản…) Vận dụng:Viết được một bài văn kể về một chuyến đi có trình tự hợp lí, có yếu tố tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm. trong quá trình viết có sử dụng thuyết minh các hoạt động, sự kiện. Vận dụng cao:Có sự sáng tạo về dùng từ, diễn đạt, lựa chọn điểm ấn tượng để kể, có biểu cảm tốt để người đọc thấy hấp dẫn. | 1TL*
| |||
Tổng | 4 TN 1* TL | 4 TN 1* TL | 3 TL | 1* TL | |||
Tỉ lệ % | 30% | 30% | 30% | 10% | |||
Tỉ lệ chung | 60% | 40% |
I. Phần đọc hiểu(6,0đ)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
CỦ KHOAI NƯỚNG
Sau trận mưa rào vòm trời như được rửa sạch, trở nên xanh và cao hơn. Đã chớm hè nhưng trời vẫn lành lạnh, cái lạnh làm người ta hưng phấn và chóng đói. Thường Mạnh đi học về là đi thả trâu. Tối mịt cậu rong trâu về, đầu tưởng tượng đến một nồi cơm bốc khói nghi ngút.
Nhưng từ giờ đến tối còn lâu và cậu cần phải tìm được một việc gì đó trong khi con trâu đang mải miết gặm cỏ. Cậu bèn ngồi đếm từng con sáo mỏ vàng đang nhảy kiếm ăn trên cánh đồng màu đã thu hoạch. Thỉnh thoảng chúng lại nghiêng ngó nhìn cậu, ý chừng muốn dò la xem “anh bạn khổng lồ” kia có thể chơi được không. Chợt Mạnh phát hiện ra một đám mầm khoai đỏ au, mập mạp, tua tủa hướng lên trời. Kinh nghiệm đủ cho cậu biết bên dưới những chiếc mầm là củ khoai lang sót. Với bất cứ đứa trẻ trâu nào thì điều đó cũng tương đương với một kho báu. Nó bị sót lại từ trước Tết và bây giờ nó sẽ rất ngọt. Để xem, anh bạn to cỡ nào? Không ít trường hợp bên dưới chỉ là một mẩu khoai. Nước miếng đã kịp tứa khắp chân răng khi cậu tưởng tượng đến món khoai nướng. Ruột nó trong như thạch. Những giọt mật trào ra, gặp lửa tạo một thứ hương thơm chết người, nhất là khi trời lại lành lạnh thế này. Thật may là mình đem theo lửa – cậu lẩm bẩm. Sợ niềm hy vọng đi veo mất nên cậu rón rén bới lớp đất mềm lên. Khi cậu hoàn toàn tin nó là một củ khoai thì cậu thọc sâu tay vào đất, sâu nữa cho đến khi những ngón tay cậu ôm gọn củ khoai khá bự, cậu mới từ từ lôi nó lên. Chà, thật tuyệt vời. Nó không chỉ đơn thuần là củ khoai sót. Nó y như quà tặng, một thứ kho báu trời đất ban riêng cho cậu.
Mạnh đã có việc để làm, mà lại là một việc làm người ta háo hức. Trong chốc lát đống cành khô bén lửa và đợi đến khi nó chỉ còn lớp than hồng rực Mạnh mới vùi củ khoai vào. Cậu ngồi im lắng nghe một sự dịch chuyển vô cùng tinh tế dưới lớp than, cùi trắng muốt đang bị sức nóng ủ cho thành mật. Từng khoảnh khắc với Mạnh lúc này trở nên vô cùng huyền diệu. Rồi có một mùi thơm cứ đậm dần, cứ quánh lại, lan tỏa, xoắn xuýt. Cậu nhớ lại có lần bà kể, nhờ đúng một củ khoai nướng mà ông cậu thoát chết đói và sau đó làm nên sự nghiệp. Chuyện như cổ tích nhưng lại có thật. Nào, để xem sau đây cậu sẽ làm nên công trạng gì.
Chợt cậu thấy có hai người, một lớn, một bé đang đi tới. Ông già ôm theo bọc tay nải còn cậu bé thì cứ ngoái cổ lại phía làng. Cậu nhận ra hai ông cháu lão ăn mày ở xóm bên. Hôm nay, chẳng có phiên chợ sao ông cháu lão cũng ra khỏi nhà nhỉ. Vài lần giáp mặt cậu bé và thấy mặt mũi nó khá sáng sủa. Bố mẹ nó chết trong một trận lũ quét nên nó chỉ trông cậy vào người ông mù lòa. Mạnh lén trút ra tiếng thở dài khi ông cháu lão ăn mày đã đến rất gần. Có thể thấy rõ cánh mũi lão phập phồng như hà hít tìm thứ mùi vị gì đó. Cậu bé vẫn câm lặng, thỉnh thoảng lén nhìn Mạnh.
– Mùi gì mà thơm thế – ông cậu bé lên tiếng – Hẳn ai đang nướng khoai. Ngồi nghỉ một lát để ông xin lửa hút điếu thuốc đã cháu.
Ông lão lần túi lấy gói thuốc lào. Thằng bé giúp ông tháo khỏi lưng chiếc điếu nhỏ xíu. Mùi khoai nướng vẫn ngào ngạt và Mạnh đành ngồi chết gí, không dám động cựa. Chỉ khi ông lão nhờ, cậu mới cúi xuống thổi lửa. Chà, ông cháu lão mà ngồi dai là củ khoai cháy mất. Đã có mùi vỏ cháy. Lửa sẽ lấn dần vào cho đến khi biến củ khoai thành đen thui mới thôi. Dường như đoán được nỗi khó xử của Mạnh, ông lão bảo:
– Tôi chỉ xin lửa thôi…
Mạnh như bị bắt quả tang đang làm chuyện vụng trộm, mặt đỏ lên. Nhưng ông lão mắt lòa không thể nhìn thấy còn cậu bé ý tứ nhìn đi chỗ khác.
– Thôi, chào cậu nhé. Ta đi tiếp đi cháu!
Ông lật đật đứng dậy, bám vào vai cậu bé, vội vã bước. Cậu bé lặng lẽ nhìn Mạnh như muốn xin lỗi vì đã làm khó cho cậu. Cái nhìn đĩnh đạc của một người tự trọng, không muốn bị thương hại khiến Mạnh vội cúi gằm xuống. Ôi, giá như có ba củ khoai, chí ít cũng là hai củ. Đằng này chỉ có một… Mạnh thấy rõ tiếng chân hai ông cháu xa dần. Nhưng chính khi ấy, khi củ khoai nóng hổi, lớp vỏ răn lại như từng gợn sóng nằm phơi ra trước mắt Mạnh, thì nỗi chờ đón háo hức lúc trước cũng tiêu tan mất. Giờ đây củ khoai như là nhân chứng cho một việc làm đáng hổ thẹn nào đó. Dù Mạnh có dối lòng rằng mình chẳng có lỗi gì sất nhưng cậu vẫn không dám chạm vào củ khoai… Hình như đã có người phải quay mặt đi vì không dám ước có được nó. Có thể ông nội cậu đã từng nhìn củ khoai nướng cho ông làm nên sự nghiệp bằng cái cách đau đớn như vậy.
Mặc dù rong trâu về từ chiều nhưng mãi tối mịt Mạnh mới vào nhà. Giờ đây mới là lúc cậu sống trọn vẹn với cảm giác ngây ngất của người vừa được ban tặng một món quà vô giá. Cậu nhắm mắt lại mường tượng giây phút cậu bé kia mở gói giấy báo ra. Nửa củ khoai khi đó sẽ khiến cậu ta liên tưởng đến phép lạ, có thể lắm chứ! Và rồi cậu thấy lâng lâng đến mức chính mình tự hỏi liệu đây có phải là giấc mơ?
( Theo Truyện ngắn Tạ Duy Anh )
Câu 1. Câu chuyện xảy ra vào thời điểm nào trong năm?
A. Cuối đông B. Chớm hè
C. Cuối xuân D. Đầu thu
Câu 2. Ai là người kể chuyện?
A. Cậu bé Mạnh. B. Ông lão ăn mày.
C. Người kể chuyện giấu mặt. D. Cậu bé ăn mày.
Câu 3. Trong câu văn: Có thể ông nội cậu đã từng nhìn củ khoai nướng cho ông làm nên sự nghiệp bằng cái cách đau đớn như vậy., từ “có thể” là thành phần gì?
A. Thành phần cảm thán B. Thành phần tình thái
C. Thành phần gọi đáp D. Thành phần phụ chú.
Câu 4. Chủ đề của truyện là gì?
A. Lòng dũng cảm B. Tinh thần lạc quan
C. Tinh thần đoàn kết D. Lòng yêu thương con người
Câu 5. Vì sao cậu bé Mạnh lại có “cảm giác ngây ngất của người vừa được ban tặng một món quà vô giá”?
A. Vì cậu đã chia sẻ một phần khoai nướng với cậu bé ăn mày.
B. Vì nhận được lời cảm ơn của ông lão.
C. Vì được thưởng thức món ăn ngon.
D. Vì không bị lão ăn mày làm phiền.
Câu 6. Biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong câu “Những giọt mật trào ra, gặp lửa tạo ra một thứ hương thơm chết người, nhất là khi trời lại lành lạnh thế này.”?
A. So sánh B. Nhân hóa
C. Nói qúa D. Nói giảm nói tránh
Câu 7. Cốt truyện của truyện ngắn “Củ khoai nướng” thuộc loại nào sau đây?
A. Cốt truyện đơn tuyến B. Cốt truyện đa tuyến
C. Không có cốt truyện D. Không thể xác định.
Câu 8. Cậu bé Mạnh có thái độ như thế nào đối với hai ông cháu lão ăn mày?
A. Tôn trọng B. Coi thường
C. Biết ơn D. Thương hại
Câu 9. Nếu em là nhân vật cậu bé Mạnh trong câu chuyện, em có cư xử với hai ông cháu lão ăn mày như nhân vật trong truyện đã làm hay không, vì sao?
Câu 10. Từ câu chuyện của cậu bé Mạnh, em hãy viết đoạn văn (3– 5 câu) trình bày suy nghĩ về lòng yêu thương?
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé!
II. Phần viết(4,0đ)
Viết một bài văn kể lại một hoạt động xã hội để lại cho em ấn tượng sâu sắc.
D. Hướng dẫn chấm
Câu | Yêu cầu cần đạt | Điểm |
PHẦN ĐỌC HIỂU | ||
1 | B. Chớm hè | 0,5 |
2 | C. Người kể chuyện giấu mặt. | 0,5 |
3 | B. Thành phần tình thái | 0,5 |
4 | D. Lòng yêu thương con người | 0,5 |
5 | A. Vì cậu đã chia sẻ một phần khoai nướng với cậu bé ăn mày. | 0,5 |
6 | C. Nói qúa | 0,5 |
7 | A. Cốt truyện đơn tuyến. | 0,5 |
8 | A. Tôn trọng | 0,5 |
9 | – Nêu được cách cư xử của Mạnh: Cảm thông, chia sẻ và tôn trọng với những người bất hạnh, kém may mắn.– Nếu là Mạnh thì em cũng sẽ làm như bạn ấy bởi chỉ có tình yêu thương mới làm rung động trái tim con người, từ trái tim mới chạm đến trái tim vì vậy hành động của Mạnh đã khiến cậu như lớn hơn, chững chạc hơn, tấm lòng bao dung, yêu thương con người của cậu vì thế mà rộng ra mãi. * HS nêu được cách ứng xử của nhân vật Mạnh cách ứng xử của bản thân phù hợp đạo đức, pháp luật, đảm bảo theo gợi ý: 1,0 điểm; Chỉ nêu được một ý, một phần đáp án: 0,5 điểm; không nêu hoặc nêu sai hoàn toàn: 0 điểm. | 1,0 |
10 | Trình bày được một số ý sau: – Tình yêu thương là sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ, gắn bó, quan tâm, giúp đỡ, yêu mến, trân trọng hòa hợp…giữa con người với nhau. – Yêu thương được xem là một phẩm chất đẹp, cao quý và là giá trị sống cốt lõi của con người giúp con người gần nhau hơn.– Người đón nhận tình yêu thương có thêm niềm tin vào cuộc sống, có động lực vượt qua khó khăn của cuộc sống. – Tình yêu thương trao đi có thể là vật chất hoặc tinh thần. – Thay đổi cái nhìn của mọi người trong xã hội: – Cần phê phán những người vô cảm, không có thói quen chia sẻ và giúp đỡ người khác.* HS nêu được ít nhất 3 ý thể hiện suy nghĩ về lòng yêu thương, đảm bảo theo gợi ý: 1,0 điểm; Chỉ nêu được 1 – 2 ý, một phần đáp án: 0,5 điểm; không nêu hoặc nêu sai hoàn toàn: 0 điểm. | 1,0 |
PHẦNVIẾT | ||
Viết một bài văn kể lại một hoạt động xã hội để lại cho em ấn tượng sâu sắc. | 4.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài tự sự Mở bài nêu được nêu tên một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia; thân bài kể lại được chi tiết về một hoạt động xã hội theo một trình tự thống nhất; kết bài nêu được ý nghĩa hoặc bài học thu được sau khi tham gia hoạt động xã hội. | ||
b. Xác định đúng sự việc cần kể: một hoạt động xã hội em đã tham giaViết bài văn kể lại một hoạt động xã hội để lại cho em ấn tượng sâu sắc. | ||
c. Triển khai nội dung bài văn tự sựHọc sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng nắm chắc các yêu cầu của một bài văn kể lại một hoạt động xã hội mà em tham gia: * Mở bài: Giới thiệu về một hoạt động xã hội để lại trong em ấn tượng sâu sắc * Thân bài:Lần lượt kể lại hoạt động theo trình tự nhất định: – Nêu mục đích của hoạt động, lí do em tham gia hoạt động đó. – Kể về hình thức tổ chức hoạt động (thành phần tham gia, thời gian, địa điểm,…). – Kể về quá trình tiến hành hoạt động (bắt đầu, hoạt động chính, kết thúc). – Nêu kết quả, ý nghĩa của hoạt động (về vật chất và về tinh thần) Lưu ý: Kết hợp với các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận để kể lại. * Kết bài: Khẳng định ý nghĩa và bài học sau khi tham gia hoặc hoạt động xã hội.d. Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, bố cục e. Sáng tạo Thể hiện nhìn nhận, cảm xúc tích cực về hoạt động xã hội được kể, có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5
2,5
0,5
0,25
0,25 |
Trên đây là Đề kiểm tra giữa kì 2 Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.
Xem thêm:
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé!