Site icon GIAODUCMOI

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát là một trong những yêu cầu của bài học sau khi học sinh đã tìm hiểu nội dung các bài ca dao. Dưới đây là một số mẫu viết về cảm xúc của em về bài thơ em yêu thích.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát số 1

Ca dao là thể loại văn học dân gian diễn tả đời sống tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta. Ca dao đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Nhưng nổi bật hơn cả là chùm ca dao ca ngợi tình cảm gia đình. Trong đó em đặc biệt ấn tượng với bài ca dao:

Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Bài ca dao mang âm điệu lời ru của mẹ. Trong hai câu ca dao đầu, công cha, nghĩa mẹ chỉ công sinh thành và giáo dưỡng của cha mẹ. Núi ngất trời, nước ở ngoài biển Đông là những hình ảnh thiên nhiên vũ trụ rộng lớn, vĩnh hằng. Các hình ảnh so sánh cụ thể, phù hợp: lấy cái to lớn mênh mông, vô tận để so sánh với công lao cha mẹ. Chỉ có những hình ảnh to lớn vĩ đại ấy mới diễn tả hết công lao tình cảm to lớn của cha mẹ đối với con.

Đến hai câu ca dao sau, tác giả dân gian đã dùng cụm từ “ Cù lao chín chữ” để chỉ công lao to lớn khó nhọc nhiều bề của cha mẹ đối với con cái. Từ đó nhắn nhủ con cái phải biết ghi tạc công ơn trời biển của cha mẹ. Chúng ta phải đền đáp, làm tròn bổn phận của mình qua giọng điệu tôn kính, nhắn nhủ, tâm tình.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát số 2

Từ ngàn đời xưa, ca dao đã là nét đẹp trong văn hoá người Việt. Ca dao là nơi phản ánh tâm hồn, tình cảm của con người. Nhắc đến đây em lại nhớ đến bài ca dao mà em đặc biết ấn tượng:

Con người có cố, có ông
Như cây có cội, như sông có nguồn.

Đây có thể là lời của ông bà, cha mẹ nói với con cháu, cũng có thể là lời tâm sự của mọi người với nhau. Nhờ có gốc bền rễ sâu mà cành lá mới xanh tươi, đơm hoa kết trái. Nhờ có nguồn mà sông mới có nước không bao giờ cạn. Con người cũng vậy, phải “có cố, có ông”, có tổ tiên, ông bà mới có cha mẹ, con cháu. Hình ảnh so sánh giúp cho ý thơ trở nên giản dị, dễ hiểu. Chữ “có” được điệp lại bốn lần không chỉ tạo nhịp điệu cho bài thơ mà còn khẳng định một chân lí, một sự thật hiển nhiên về nguồn gốc của mọi sự vật.

Qua đây, bài ca dao nhắc nhở chúng ta rằng đi đâu đi xa cách mấy chăng nữa thì hãy nhớ về nguồn gốc của mình. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của tổ tiên, cha ông.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát số 3

Ca dao là thể loại văn học dân gian diễn tả chi tiết đầy đủ nhất đời sống tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta. Ca dao đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống, nhưng nổi bật hơn cả là chùm ca dao ca ngợi tình cảm gia đình trong đó em đặc biệt ấn tượng với bài ca dao:

Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

 

Đây có thể là lời người trên nói với con cháu hoặc lời của anh em nói với nhau. Các cụm từ “nào phải người xa”, “cùng chung bác mẹ”, “một nhà cùng thân” kết hợp với điệp từ “cùng” nhấn mạnh sự gắn kết thống nhất: anh em tuy hai nhưng lại là một: cùng một cha mẹ sinh ra, cùng chung sống, sướng khổ có nhau trong một nhà. Nghệ thuật so sánh trong câu ca dao thứ 3 càng tô đậm hơn sự gắn bó của anh em một nhà giống như sự gắn bó giữa tay với chân (các bộ phận trên cùng một cơ thể, không thể tách rời). Hình ảnh so sánh diễn tả tình cảm gắn bó thiêng liêng, không thể tách rời của tình anh em.

Từ đó, bài ca dao nhắn nhủ anh em phải biết đoàn kết, thương yêu, nhường nhịn, giúp đỡ nhau để làm vui lòng cha mẹ.

Xem thêm:

<< Đề cương ôn tập Ngữ văn 6 giữa học kì 1 mới nhất

<< Đề kiểm tra giữa kì 1 Ngữ văn 6 mới nhất

<< Báo cáo Sáng kiến kinh nghiệm đạt giáo viên giỏi

Exit mobile version