Viết bài văn Trao đổi vấn đề trẻ em với việc học tập cung cấp cho thầy cô và các em học sinh dàn ý và bài viết tham khảo trong quá trình dạy và học.
Viết bài văn Trao đổi vấn đề trẻ em với việc học tập
Dàn ý chi tiết
MB:
– Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề về vai trò của việc học tập trong đời sống mỗi người,….
– Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, cần được trang bị đầy đủ nền tảng kiến thức để đưa đất nước phát triển bền vững.
TB:
1. Giải thích: Học tập là gì?
– Học tập là một quá trình tích luỹ, trau dồi kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm
– Đó là quá trình dài đòi hỏi người học phải kiên trì, bền bỉ
– Học tập có thể qua sách vở hoặc học tập ở ngoài cuộc sống hoặc bằng nhiều cách khác nhau
– Học tập có thể nói là một khả năng bẩm sinh, ai cũng phải học tập
– Ngày nay, việc học tập là bắt buộc bởi nó giữ một vai trò vô cùng quan trọng đến sự phát triển của loài người
2. Vai trò của học tập với trẻ em (liệt kê các vai trò của việc học tập).
– Học tập giúp trẻ em tự tin hơn vào khả năng của mình.
+ Trước những thử thách của cuộc sống có thể đặt ra, học tập và giáo dục sớm là một biện pháp tốt nhất để trẻ em không bị bỡ ngỡ và sợ hãi trước những tình huống bất chợt xảy đến
+ Các em sẽ tự tin hơn mỗi khi phải tiếp xúc với những thứ mới mẻ mà các em chưa từng thấy trước đó, biết cách để bộc lộ khả năng của bản thân.
– Học tập còn là cách để phụ huynh hiểu được những điểm mạnh của con mình.
+ Thông qua học tập, các em thể hiện được niềm yêu thích của mình với một lĩnh vực nào đó
– Học tập là một quá trình dài và khó khăn, cần mất thời gian và công sức, chính vì thế học tập từ khi còn nhỏ sẽ giúp các em dễ dàng tiếp cận được những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao.
3. Bằng chứng về vai trò của việc học tập với trẻ em (lấy bằng chứng những tấm gương thành công trong thực tế nhờ vào việc học tập)
– Chủ tịch Hồ Chí Minh
+ Bác đã rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, nhờ có tinh thần ham học hỏi, luôn tìm tòi khám phá những kiến thức mới từ các nước phát triển hơn mà từ đó Bác đã tìm được Chủ nghĩa Mác – Lênin, trên cơ sở đó Bác tìm được con đường cứu nước
– Thần đồng Đỗ Nhật Nam
+ Tuy còn nhỏ tuổi nhưng nhờ việc chăm chỉ đọc sách và chủ động tìm tòi kiến thức, mà em đã đạt được nhiều thành tích đáng nể như: giải nhất thuyết trình tại Mỹ; thần đồng Tiếng anh; giải Ba hạng mục quản trị kinh doanh
4. Thực trạng học tập của học sinh hiện nay và nguyên nhân
– Trẻ em đang ngày càng có xu hướng lười học bởi
+ Việc học đôi lúc còn khá khô khan và khó hiểu, các em cũng chưa được tiếp cận với những phương pháp học tập đúng đắn.
+ Sự phát triển của các thiết bị công nghệ điện tử khiến trẻ em bị thu hút và sao nhãng việc học hành.
+ Gia đình chưa có những biện pháp phù hợp để giáo dục, kiểm soát, quan tâm đến việc học hành của con trẻ
5. Bài học rút ra: Làm thế nào để trẻ em hứng thú với việc học tập?
– Bản thân trẻ em: cần phải nhận thức đúng đắn về vai trò của việc học tập đối với tương lai của các em.
– Gia đình: cần quan tâm nhiều hơn tới việc học hành của các con, luôn tạo hứng thú cho việc học bằng nhiều cách khác nhau
– Nhà trường: luôn đổi mới phương pháp dạy học như học qua video clip, học qua hình ảnh hay đi trải nghiệm thực tế,…
KB:
– Khẳng định lại vấn đề: Học tập có một vai trò to lớn đối với trẻ em
– Liên hệ bản thân: Em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập trau dồi kiến thức để đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé!
Viết bài văn Trao đổi vấn đề trẻ em với việc học tập
Có một câu ngạn ngữ của người Gruzia “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”. Câu ngạn ngữ trên đã khẳng định vai trò của học tập đối với con người và nó lại đóng một vai trò quan trọng hơn nữa với trẻ em. Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, cần được trang bị đầy đủ nền tảng kiến thức để đưa đất nước phát triển bền vững.
Học tập là một quá trình tích luỹ, trau dồi kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm và là quá trình dài đòi hỏi người học phải kiên trì, bền bỉ. Bởi việc học là việc cả đời, không thể một sớm một chiều mà có thể có kiến thức uyên thâm, uyên bác. Học tập có thể qua sách vở hoặc học tập ở ngoài cuộc sống hoặc bằng nhiều cách khác nhau. Học tập có thể nói là một khả năng bẩm sinh, ai cũng phải học tập, từ khi sinh ra ta phải tập nói tập đi rồi lớn dần hơn là tập những thói quen tính cách, học những kiến thức của các môn học và khi trưởng thành, có công việc lại phải học thêm vô vàn các kĩ năng khác. Ngày nay, việc học tập là bắt buộc bởi nó giữ một vai trò vô cùng quan trọng đến sự phát triển của loài người và học tập từ khi còn bé là một phương hướng vô cùng đúng đắn.
Vậy học tập có vai trò như thế nào đối với trẻ em? Nó là một nền tảng vững chắc giúp trẻ em có được những kiến thức và kĩ năng cho quá trình phát triển sau này. Trước hết, học tập giúp trẻ em tự tin hơn vào khả năng của mình. Bởi trước những thử thách của cuộc sống có thể đặt ra cho các em, học tập và giáo dục sớm là một biện pháp tốt nhất để trẻ em không bị bỡ ngỡ và sợ hãi trước những tình huống bất chợt xảy đến, các em sẽ có được những cách giải quyết đúng đắn của riêng mình. Từ đó, các em sẽ tự tin hơn mỗi khi phải tiếp xúc với những thứ mới mẻ mà các em chưa từng thấy trước đó, không còn e dè, biết cách để bộc lộ khả năng của bản thân. Học tập còn là cách để phụ huynh hiểu được những điểm mạnh của con mình. Vì thông qua học tập, các em thể hiện được niềm yêu thích của mình với một lĩnh vực nào đó, từ đó cha mẹ có thể dễ dàng nhận ra và có được định hướng tốt nhất cho tương lai của các em. Không những thế, học tập là một quá trình dài và khó khăn, cần mất thời gian và công sức, chính vì thế học tập từ khi còn nhỏ sẽ giúp các em dễ dàng tiếp cận được những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao. Đó sẽ là một hành trang đáng quý góp phần giúp các em vững bước vào tương lai phía trước. Thế giới ngoài kia vô cùng rộng lớn, một biển trời kiến thức đang mở ra trước mắt chúng ta, điều cần thiết là chúng ta phải nhận thức được sự bao la, rộng lớn ấy mà không ngừng học tập, nỗ lực hết mình để đạt được tới tri thức. Bởi có tri thức là ta đã nắm trong tay được thành công mà nhiều người vẫn hằng ao ước.
Trên thực tế, có rất nhiều tấm gương về việc học tập không ngừng nghỉ và đạt được những trái ngọt của cuộc đời mình. Ta không thể không kể đến Chủ tịch Hồ Chí Minh – một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tọc Việt Nam. Bác đã rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, bác bôn ba khắp các đất nước và nhờ có tinh thần ham học hỏi, luôn tìm tòi khám phá những kiến thức mới từ các nước phát triển hơn mà từ đó Bác đã tìm được Chủ nghĩa Mác – Lênin, trên cơ sở đó Bác tìm được con đường đưa đất nước thoát khỏi sự lầm than, nghèo khổ. Ngoài ra, ta cũng có thể kể đến thần đồng Đỗ Nhật Nam. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng nhờ việc chăm chỉ đọc sách và chủ động tìm tòi kiến thức, mà em đã đạt được nhiều thành tích đáng nể như: giải nhất thuyết trình tại Mỹ; thần đồng Tiếng anh; giải Ba hạng mục quản trị kinh doanh;…Đó đều là những tấm gương sáng về học tập đáng để chúng ta noi theo.
Tuy nhiên, hiện nay, trẻ em đang ngày càng có xu hướng lười học bởi việc học đôi lúc còn khá khô khan và khó hiểu, các em cũng chưa được tiếp cận với những phương pháp học tập đúng đắn. Không những vậy, sự phát triển của các thiết bị công nghệ điện tử khiến trẻ em bị thu hút và sao nhãng việc học hành. Các em dành quá nhiều thời gian vào việc chơi các trò chơi điện tử trên smartphone mà không để tâm tới học tập. Ngoài ra, gia đình chưa có những biện pháp phù hợp để giáo dục, kiểm soát, quan tâm đến việc học hành của con trẻ. Bởi thế, trẻ em ngày càng lười biếng và lâu dần sẽ trở thành thói quen xấu.
Vì vậy, để tạo hứng thú học tập cho trẻ em, bản thân trẻ em cần phải nhận thức đúng đắn về vai trò của việc học tập đối với tương lai của các em. Hơn nữa, gia đình và nhà trường cần quan tâm nhiều hơn tới việc học hành của các con, luôn tạo hứng thú cho việc học bằng nhiều cách khác nhau, luôn đổi mới phương pháp dạy học như học qua video clip, học qua hình ảnh hay đi trải nghiệm thực tế,…
Trẻ em là thế hệ mầm non của đất nước, chúng cần được trau dồi, rèn luyện cả đức và tài, học tập là yếu tố thiết yếu và không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ em. Là một học sinh, em sẽ không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện bản thân để đưa dân tộc sánh vai với các cường quốc năm châu.
Trên đây là Viết bài văn Trao đổi vấn đề trẻ em với việc học tập. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.
Xem thêm:
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé!