Site icon GIAODUCMOI

Thuyết minh về quy tắc luật lệ trò chơi pháo đất

Thuyết minh về quy tắc luật lệ trò chơi pháo đất cung cấp cho thầy cô và các em học sinh dàn ý và bài viết tham khảo.

Thuyết minh về quy tắc luật lệ trò chơi pháo đất
Dàn ý chi tiết
Mở bài: Việt Nam – một đất nước giàu truyền thống văn hoá dân tộc và nổi tiếng bởi những trò chơi dân gian giàu ý nghĩa.
– Dẫn dắt, giới thiệu trò chơi: một trong số những trò chơi vô cùng thú vị đó là trò chơi pháo đất
Thân bài:
1. Nguồn gốc trò chơi
– Trò chơi dân gian có từ lâu đời của vùng đồng bằng Bắc Bộ
– Trong trận đánh giặc Nguyên Mông 1288, để cứu con voi của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân ném đất xuống khúc sông tiếp giáp các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình
=> mỗi khi nông nhàn, nhân dân thường tụ tập diễn lại cảnh này và dần dần hình thành nên trò chơi pháo đất.
– Hàng năm, các địa phương thường xuyên tổ chức vào dịp từ tháng Giêng đến hết tháng Ba Âm lịch.
2. Yêu cầu về đối tượng chơi, người chơi
– Độ tuổi chơi: các bạn học tiểu học trở lên, ở các lễ hội chọn các thanh niên trai tráng hoặc những người có nhiều kinh nghiệm trong nặn pháo đất để tham gia.
– Số lượng người chơi: không giới hạn, tổ chức cuộc thi thường có nhiều đội chơi, mỗi đội có khoảng từ 10- 20 người chơi.
– Không gian chơi: không gian rộng rãi, càng bằng phẳng càng tốt. Một số địa điểm thường chơi là sân kho, sân đình,…
3. Chuẩn bị trò chơi (Để chơi được, cần phải chuẩn bị những gì?)
– Công cụ chơi: pháo đất.
– Thường được làm từ đất có độ quánh cao như đất sét, đất thịt,…và có dạng như hình bầu dục có thành dày hơn đáy với kích thước linh hoạt – Tại các hội thi, pháo đất được làm ra rất to với cái tên là mâm pháo
– lưu ý khi làm pháo: sự tập trung cao độ, tỉ mỉ và cẩn trọng. Đất làm pháo chất lượng là đất sét màu xám chì, có độ dẻo cao, ít dính tay, chân.
4. Quy tắc, cách chơi
– Luật chơi: người chơi được chia một lượng đất nền đều nhau để làm quả pháo đất. Người chơi lần lượt cho pháo đất nổ, pháo của người nào nổ to nhất thì giành chiến thắng
– Cách chơi:
• Các đội thi sẽ trình diễn kỹ năng làm pháo của mình:
+ dùng ngón tay cái làm trụ, ngón giữa xoay rồi dùng tay còn lại vừa giữ vừa vuốt tạo thân pháo hình bầu dục, vừa vặn, vừa vuốt mép cho nhẵn, phẳng.
+ Dùng con trỏ làm cữ, tay kia vừa bấm đất để ra được ra hình con rắn.
• Khi pháo được làm xong, có hiệu lệnh và người được chọn quăng pháo vào vị trí
• Khi pháo rơi gây ra tiếng nổ và con pháo bung ra. Trọng tài sẽ đo độ dài của con pháo để quy ra điểm
Cách chiến thắng: khâu làm pháo đất đòi hỏi người làm phải thuần thục, tỉ mỉ, người quăng pháo phải quăng một cách thuần thục và chính xác.
5. Ý nghĩa của trò chơi trong văn hóa dân gian
– Trò chơi dân gian có lịch sử lâu đời, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc
– Thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc với hàng ngàn năm lịch sử.
– Rèn luyện sức khoẻ và ý chí hoặc để kỉ niệm lịch sử hào hùng của dân tộc
– Tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, yêu dân tộc.
Kết bài:
– Khẳng định lại ý nghĩa trò chơi: Mỗi trò chơi dân gian đều mang những giá trị và bản sắc văn hoá dân tộc nhất định.
– Liên hệ bản thân: chúng ta cần tiếp tục duy trì vẻ đẹp văn hoá dân tộc này

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé! 

Thuyết minh về quy tắc luật lệ trò chơi pháo đất
Bài làm hoàn chỉnh phát triển từ dàn ý chi tiết
Khi nhắc tới Việt Nam, mọi người thường nhắc tới một đất nước giàu truyền thống văn hoá dân tộc và nổi tiếng bởi những trò chơi dân gian giàu ý nghĩa. Và một trong số những trò chơi vô cùng thú vị đó là trò chơi pháo đất. Nghe qua tên gọi ta thấy rất thú vị, vì thế hãy tìm hiểu về trò chơi độc đáo này.
Về nguồn gốc, pháo đất là trò chơi dân gian có từ lâu đời của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Về sự ra đời của môn pháo đất, có truyền thuyết kể rằng trong trận đánh giặc Nguyên Mông năm 1288, để cứu con voi của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân ném đất xuống khúc sông tiếp giáp các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình. Từ đó, mỗi khi nông nhàn, nhân dân thường tụ tập diễn lại cảnh này và dần dần hình thành nên trò chơi pháo đất. Trải qua bao đời, trò chơi này vẫn được bảo lưu và trao truyền. Hàng năm, các địa phương thường xuyên tổ chức giao lưu và chủ yếu vào dịp từ tháng Giêng đến hết tháng Ba Âm lịch.
Việc chuẩn bị trước khi chơi, độ tuổi để chơi trò chơi pháo đất thường là các bạn học tiểu học trở lên. Ở các lễ hội thì sẽ chọn các thanh niên trai tráng hoặc những người có nhiều kinh nghiệm trong nặn pháo đất để tham gia. Đây là trò chơi tập thể nên số lượng người chơi là không giới hạn, tuy nhiên khi tổ chức thành cuộc thi thì thường sẽ có nhiều đội chơi, mỗi đội có khoảng từ 10- 20 người chơi. Về không gian chơi, trò chơi cần đến không gian rộng rãi, càng bằng phẳng càng tốt vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến âm thanh to nhỏ của pháo đất. Một số địa điểm thường chơi là sân kho, sân đình,…
Trước khi bước vào trò chơi, ta cần chuẩn bị công cụ chơi đó là pháo đất. Pháo đất thường được làm từ đất có độ quánh cao như đất sét, đất thịt,…và có dạng như hình bầu dục có thành dày hơn đáy với kích thước linh hoạt phụ thuộc vào lượng đất mà người chơi kiếm được. Tại các hội thi, pháo đất được làm ra rất to với cái tên là mâm pháo vì nó được tạo thành từ 20-50kg đất sét (hoặc đất thịt). Điều quan trọng trong làm pháo đất là đòi hỏi sự tập trung cao độ, tỉ mỉ và cẩn trọng. Đất làm pháo chất lượng là đất sét màu xám chì, có độ dẻo cao, ít dính tay, chân. Để làm pháo đất nổ được to thì cũng đòi hỏi người chơi thuần thục kỹ năng úp pháo. Để pháo nổ được, người cầm pháo phải cho đáy pháo tiếp xúc với lòng bàn tay rồi úp mạnh xuống sân chơi sao cho vành pháo tiếp xúc đều với bề mặt sân chơi. Khi làm như vậy áp suất cao của không khí trong lòng pháo khi bị nén sẽ phá vỡ đáy của nó tạo thành tiếng nổ. Về luật chơi, Sau khi bắt đầu trò chơi, người chơi sẽ được chia một lượng đất nền đều nhau để làm quả pháo đất. Người chơi lần lượt cho pháo đất nổ, pháo của người nào nổ to nhất thì giành chiến thắng. Ngoài ra, yêu cầu vết phá ở đáy pháo càng rộng thì càng tốt.
Tiếp đến, ta cùng tìm hiểu cách chơi trò chơi pháo đất. Sau khi hiệu lệnh bắt đầu, các đội thi sẽ trình diễn kỹ năng làm pháo của mình. Đầu tiên sẽ dùng ngón tay cái làm trụ, ngón giữa xoay rồi dùng tay còn lại vừa giữ vừa vuốt tạo thân pháo hình bầu dục, vừa vặn, vừa vuốt mép cho nhẵn, phẳng. Phần mẹ hoàn thành xong sẽ làm tiếp đến phần con và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Dùng con trỏ làm cữ, tay kia vừa bấm đất để ra được ra hình con rắn. Phần này có hông pháo to và càng ra ngoài thì càng thon và nhỏ dần. Khi pháo được làm xong sẽ có hiệu lệnh và người được chọn quăng pháo vào vị trí. Có thể có thêm 2-3 người hộ tống đỡ pháo lên tay cho người quăng. Khi pháo rơi gây ra tiếng nổ và con pháo bung ra. Trọng tài sẽ đo độ dài của con pháo để quy ra điểm. Phần thưởng của trò chơi thường đơn giản và mang giá trị tinh thần nhiều hơn. Tuy nhiên người được giải cao sẽ được vang danh tên tuổi về kỹ năng làm pháo đất bởi khâu làm pháo đất đòi hỏi người làm phải thuần thục, tỉ mỉ, người quăng pháo phải quăng một cách thuần thục và chính xác.
Trò chơi pháo đất là trò chơi dân gian có lịch sử lâu đời, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc với hàng ngàn năm lịch sử. Thông qua đó, người chơi có thể rèn luyện sức khoẻ và ý chí hoặc để kỉ niệm lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngoài ra, trò chơi còn hướng con người đến tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, yêu dân tộc.
Mỗi trò chơi dân gian đều mang những giá trị và bản sắc văn hoá dân tộc nhất định và trò chơi pháo đất cũng là trò chơi như vậy. Những trò chơi được tạo nên với mục đích giải trí và tạo ra tiếng cười. Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, con người ít quan tâm những trò chơi dân gian, vậy nên chúng ta cần tiếp tục duy trì vẻ đẹp văn hoá dân tộc này.

Trên đây là Thuyết minh về quy tắc luật lệ trò chơi pháo đất. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.

Xem thêm:

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé! 

Exit mobile version