Viết bài văn Thuyết minh về quy tắc luật lệ trò chơi cướp cờ cung cấp cho thầy cô và các em học sinh dàn ý và bài viết tham khảo.
Viết bài văn Thuyết minh về quy tắc luật lệ trò chơi cướp cờ
Dàn ý chi tiết
Mở bài:
– Dẫn dắt, giới thiệu trò chơi: Việt Nam là một đất nước giàu truyền thống văn hoá dân tộc, mỗi vùng miền lại có những nét đặc trưng riêng, không trộn lẫn.
– Nêu vấn đề: trò chơi dân gian thể hiện sự lành mạnh, văn minh. Ta không thể không kể đến trò chơi cướp cờ.
Thân bài:
1. Nguồn gốc trò chơi
– Cướp cờ – trò chơi mang tính đồng đội rất phổ biến, thường được sử dụng khi tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiếu nhi tập thể ở thôn, xóm, xã, phường
– Nguồn gốc thực sự của trò cướp cờ đến giờ vẫn còn là ẩn số, mọi người hầu như chỉ biết đến nó qua con đường truyền miệng
2. Yêu cầu về đối tượng chơi:
– Trò chơi cướp cờ phù hợp với mọi lứa tuổi
– Không bị giới hạn số lượng người chơi, nhưng cần có tổng số chẵn để chia thành 2 đội. Thường 1 đội sẽ có từ 5 người trở lên.
– Không gian chơi: không gian rộng rãi và bằng phẳng, không có các chướng ngại vật, các vật dụng có thể gây nguy hiểm xung quanh và không có xe cộ di chuyển qua lại
3. Chuẩn bị trò chơi (Để chơi được, cần phải chuẩn bị những gì?)
– Cờ hoặc có thể dùng khăn tay, cành cây tuỳ thuộc vào hoàn cảnh.
– Phấn vẽ: giữa sân chơi vẽ một vòng tròn có đường kính khoảng 20 – 25 cm. Ở giữa vòng tròn, đặt vật dùng để làm cờ. Ở mỗi đầu sân, kẻ 2 đường thẳng song song, đối xứng với nhau qua vòng tròn, cách vòng tròn khoảng 6 đến 7m.
4. Quy tắc, cách chơi
Luật chơi:
– Quản trò chia thành hai đội có số lượng bằng nhau, đứng hàng ngang tính từ vạch xuất phát bên phía đội của mình. Tiếp đó sẽ đếm theo số thứ tự từ 1, 2, 3, 4, 5…
– Quản trò gọi tới số nào thì người mang số đó phải nhanh chóng chạy đến vòng tròn để cướp cờ.
– Quản trò gọi số nào về thì những người mang số đó phải quay về.
– Khi đang cầm cờ mà bị đối thủ vỗ vào người thì sẽ được tính là thua 1 lượt.
– – Khi lấy được cờ phải chạy ngay về vạch xuất phát của đội mình và tránh sao cho không bị người đội bạn vỗ vào người thì thắng 1 lượt.
– Nếu đang cầm cờ mà cảm thấy có nguy cơ bị đối thủ vỗ vào người thì được phép bỏ cờ xuống đất để tránh bị thua lượt.
– Người chơi số nào chỉ được vỗ đúng số đó, không được vỗ số khác. Nếu đang cầm cờ mà bị người số khác của đội bạn vỗ vào người thì không bị tính là thua lượt.
– Số nào bị thua thì quản trò sẽ không gọi số đó ra chơi nữa.
– Không được phép ôm, ghì, giữ thành viên đối thủ để cho đồng đội cướp cờ.-
– Không được cướp cờ đã rơi ra khỏi vòng tròn, chỉ được cướp cờ còn nằm trong vòng tròn.
Cách chơi
– Mọi người sẽ tự chọn hoặc oẳn tù xì để chia làm 2 đội. Hai đội xếp thành hàng ngang, đứng đối diện và cách nhau ít nhất 15m.-
– Mỗi thành viên trong đội sẽ có số thứ tự khác nhau, và 2 người đứng đối diện nhau của cả 2 đội sẽ có cùng một số thứ tự.
– Quản trò hô to số thứ tự nào thì những người chơi mang số thứ tự đó sẽ chạy thật nhanh đến vị trí cắm cờ.
– Tận dụng lúc người chơi đội bạn sơ hở để cướp cờ rồi chạy thật nhanh về ranh giới đội mình để lấy 1 điểm.
– Nếu cướp được cờ mà chưa kịp chạy qua vạch đích mà bị người bên đội đối phương rượt theo chạm vào người thì sẽ không được tính điểm mà điểm đó sẽ thuộc về đội bên kia.
– Sau khi xong một lượt sẽ mang cờ đặt vào vị trí cũ để chơi tiếp cho đến khi hết số lượt chơi quy định
– Kết thúc lượt chơi cuối cùng, đội nào chiếm được nhiều điểm hơn thì sẽ chiến thắng.
5. Ý nghĩa của trò chơi cướp cờ trong văn hóa dân gian
– Rèn luyện khả năng tập trung, sự khéo léo
– Tăng tinh thần đoàn kết, rèn luyện khả năng vận động
Kết bài:
– Khẳng định lại ý nghĩa trò chơi: chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc.
– Liên hệ bản thân: tích cực khuyến khích việc chơi những trò chơi dân gian và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé!
Viết bài văn Thuyết minh về quy tắc luật lệ trò chơi cướp cờ
Bài làm hoàn chỉnh phát triển từ dàn ý chi tiết
Việt Nam là một đất nước giàu truyền thống văn hoá dân tộc, mỗi vùng miền lại có những nét đặc trưng riêng, không trộn lẫn. Và một trong những nét đặc trưng tiêu biểu của văn hoá Việt Nam ta đó chính là những trò chơi dân gian. Nó thể hiện sự lành mạnh, văn minh và còn giúp người chơi phát huy được sự linh hoạt, nhanh nhạy và cách xử lý vấn đề thông minh hơn. Ta không thể không kể đến trò chơi cướp cờ.
Cướp cờ là trò chơi mang tính đồng đội rất phổ biến, nhất là với các thế hệ 8x và đầu 9x. Trò chơi dân gian này thường được sử dụng khi tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiếu nhi tập thể ở thôn, xóm, xã, phường… giúp tạo không khí vui vẻ và đoàn kết mọi người trong tập thể lại với nhau rất hiệu quả. Nguồn gốc thực sự của trò cướp cờ đến giờ vẫn còn là ẩn số. Tương tự như những trò chơi dân gian khác, mọi người hầu như chỉ biết đến nó qua con đường truyền miệng.
Trò chơi cướp cờ phù hợp với mọi lứa tuổi, bất kì đối tượng nào cũng có thể chơi trò chơi này. Vì là trò chơi tập thể nên cướp cờ không bị giới hạn số lượng người chơi, nhưng cần có tổng số chẵn để chia thành 2 đội chơi với nhau. Thường 1 đội sẽ có từ 5 người trở lên. Và về không gian chơi, muốn chơi cướp cờ, mọi người cần chuẩn bị một không gian rộng rãi và bằng phẳng, không có các chướng ngại vật cản đường, không có các vật dụng có thể gây nguy hiểm xung quanh và không có xe cộ di chuyển qua lại. Thông thường, người ta sẽ sử dụng sân trường hoặc sân tập thể dục để tổ chức chơi trò chơi.
Trước khi bước vào trò chơi ta cần tìm hiểu cách chuẩn bị và luật chơi. Về bước chuẩn bị, ta cần chuẩn bị cờ hoặc có thể dùng khăn tay, cành cây tuỳ thuộc vào hoàn cảnh. Thứ hai là phấn vẽ, giữa sân chơi vẽ một vòng tròn có đường kính khoảng 20 – 25 cm. Ở giữa vòng tròn, chúng ta sẽ đặt vật dùng để làm cờ. Ở mỗi đầu sân, chúng ta sẽ kẻ 2 đường thẳng song song, đối xứng với nhau qua vòng tròn, cách vòng tròn khoảng 6 đến 7m. Đây cũng chính là vị trí xuất phát lẫn vạch đích của mỗi đội. Về luật chơi, Đầu tiên, quản trò sẽ chia tập thể tham gia trò chơi thành hai đội có số lượng bằng nhau, và mọi người sẽ đứng hàng ngang tính từ vạch xuất phát bên phía đội của mình. Tiếp đó sẽ đếm theo số thứ tự từ 1, 2, 3, 4, … Các bạn cần phải ghi nhớ số của mình. Khi quản trò gọi tới số nào thì người mang số đó của cả hai đội phải nhanh chóng chạy đến vòng tròn để cướp cờ. Khi quản trò gọi số nào về thì những người mang số đó phải quay về. Cùng một lúc, quản trò có thể gọi nhiều số khác nhau. Khi đang cầm cờ mà bị đối thủ vỗ vào người thì sẽ được tính là thua 1 lượt. Khi lấy được cờ phải chạy ngay về vạch xuất phát của đội mình và tránh sao cho không bị người đội bạn vỗ vào người thì thắng 1 lượt. Nếu đang cầm cờ mà cảm thấy có nguy cơ bị đối thủ vỗ vào người thì được phép bỏ cờ xuống đất để tránh bị thua lượt. Người chơi số nào chỉ được vỗ đúng số đó, không được vỗ số khác. Nếu đang cầm cờ mà bị người số khác của đội bạn vỗ vào người thì không bị tính là thua lượt. Số nào bị thua (xem như “đã chết”) thì quản trò sẽ không gọi số đó ra chơi nữa. Không được phép ôm, ghì, giữ thành viên đối thủ để cho đồng đội cướp cờ. Vì trong suốt quá trình chơi, mọi người sẽ di chuyển liên tục nên cần phải lựa chọn sân chơi thật phù hợp để hạn chế các nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra. Không được cướp cờ đã rơi ra khỏi vòng tròn, chỉ được cướp cờ còn nằm trong vòng tròn. Khoảng cách vị trí đặt cờ đến hai đội phải bằng nhau. Cả hai đội cần thống nhất luật chơi trước khi bắt đầu chơi: số lượt chơi, cách tính điểm, hình phạt…
Bước vào trò chơi, đầu tiên, mọi người sẽ tự chọn hoặc oẳn tù xì để chia làm 2 đội. Hai đội xếp thành hàng ngang, đứng đối diện và cách nhau ít nhất 15m. Cờ sẽ đặt ở giữa 2 đội. Mỗi thành viên trong đội sẽ có số thứ tự khác nhau, và 2 người đứng đối diện nhau của cả 2 đội sẽ có cùng một số thứ tự. Khi người quản trò hô to số thứ tự nào thì những người chơi mang số thứ tự đó sẽ chạy thật nhanh đến vị trí cắm cờ. Tiếp đến, tận dụng lúc người chơi đội bạn sơ hở để cướp cờ rồi chạy thật nhanh về ranh giới đội mình để lấy 1 điểm. Nhưng nếu cướp được cờ mà chưa kịp chạy qua vạch đích để quay về đội mình mà bị người bên đội đối phương rượt theo chạm vào người thì sẽ không được tính điểm mà điểm đó sẽ thuộc về đội bên kia. Sau khi xong một lượt sẽ mang cờ đặt vào vị trí cũ để chơi tiếp cho đến khi hết số lượt chơi quy định (thông thường số lượt chơi sẽ tương ứng với số lượng thành viên trong một đội). Kết thúc lượt chơi cuối cùng, đội nào chiếm được nhiều điểm hơn thì sẽ chiến thắng. Nếu muốn thì mọi người có thể chơi lại thêm một lần nữa để phân thắng bại. Hình phạt cho đội thua là phải cõng đội thắng đi một vòng quanh sân, hoặc phải làm theo yêu cầu của đội thắng cuộc (được thỏa thuận trước khi chơi).
Cướp cờ là trò chơi dân gian bổ ích vui nhộn. Trò chơi này sẽ giúp rèn luyện cho người chơi khả năng tập trung, sự khéo léo trong di chuyển để “đánh lừa” đối phương nhằm cướp được cờ và phải phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội với nhau. Trò chơi dân gian cướp cờ được đánh giá là một phương pháp giúp tăng cường tinh thần đoàn kết trong một tập thể vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, nó còn giúp cho con người rèn luyện khả năng vận động, xây dựng tinh thần đoàn kết và gắn kết tình cảm tốt đẹp.
Trò chơi cướp cờ không đơn thuần là một trò chơi dân gian mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin khiến trẻ em tiếp xúc quá sớm với những thiết bị công nghệ và những trò chơi dân gian đang dần bị lãng quên. Chúng ta cần tích cực khuyến khích việc chơi những trò chơi dân gian và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Trên đây là Viết bài văn Thuyết minh về quy tắc luật lệ trò chơi cướp cờ Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.
Xem thêm:
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé!