Site icon GIAODUCMOI

Phiếu bài tập Viếng lăng Bác mới nhất

Phiếu bài tập Viếng lăng Bác

Phiếu bài tập Viếng lăng Bác

Phiếu bài tập Viếng lăng Bác cung cấp cho học sinh một số bài tập để ôn luyện trong quá trình học tập và ôn thi tuyển sinh 10.

PHIẾU BÀI TẬP VIẾNG LĂNG BÁC

Phiếu bài tập Viếng lăng Bác Bài 1: Cho câu thơ:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

1.Em hãy chép chính xác những dòng thơ tiếp theo để hoàn thành khổ thơ này. Nêu tên bài thơ, tên tác giả và nêu hoàn cảnh ra đời cùa bài thơ.

2.Bài thơ chứa khổ thơ trên được viết theo thể thơ nào? Chỉ ra một phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài thơ.

3.Hãy khái quát nội dung chính của khổ thơ thứ nhất bằng một câu văn. Biến đổi câu văn đó thành câu bị động.

4.Cách xưng hô của tác giả với Bác Hồ có gì đáng chú ý?

5.Bài thơ có nhan đề là “Viếng lăng Bác”, trong câu thơ đầu tiên tác giả lại viết “thăm lăng Bác”. Lí giải tại sao lại có sự khác nhau đó?

6.Trong những câu thơ trên, hình ảnh hàng tre trong câu thơ nào là hình ảnh tả thực, hình ảnh hàng tre trong câu thơ nào là hình ảnh ẩn dụ? Phân tích tác dụng của nghệ thuật ẩn dụ được sử dụng trong câu thơ.

7.Trong khổ thơ em vừa chép nổi bật lên hình ảnh “hàng tre”, ở khổ thơ cuối hình ảnh này lại xuất hiện. Chép lại dòng thơ có hình hình ảnh này trong khổ thơ cuối. Theo em, việc lặp lại hình ảnh cây tre ở đoạn kết bài thơ có ý nghĩa như thế nào?

8.Chỉ ra sự khác nhau và ý nghĩa giữa hình ảnh hàng tre bát ngát ở câu thơ thứ hai (Đã thấy…) và cây tre trung hiếu ở câu cuối (Muốn làm …) của bài thơ.

9.Hãy viết lại một thành ngữ dân gian được sử dụng trong khổ thơ trên. Giải nghĩa thành ngữ vừa tìm. Theo em, việc tác giả sử dụng thành ngữ dân gian đó nhằm thể hiện điều gì?

10.Chỉ ra và nêu ý nghĩa của một từ láy tượng hình được sử dụng trong khổ thơ vừa chép.

11.Chỉ ra và nêu ý nghĩa của một thán từ được sử dụng trong khổ thơ. Xét về hình thức, việc sử dụng thán từ trong khổ thơ này có gì đặc biệt?

12.Cây tre đã trở thành hình ảnh trung tâm của nhiều tác phẩm văn học Việt Nam. Hãy chép lại hai câu nối tiếp nhau của một bài thơ khác mà trong đó, nhà thơ đã mượn hình ảnh cây tre để gợi liên tưởng đến tình yêu thương đoàn kết của người Việt Nam (Ghi rõ tên tác giả, tác phẩm).

13.Dựa vào khổ thơ vừa chép, hãy viết đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp để làm rõ cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác. Trong đoạn có sử dụng thành phần biệt lập cảm thán và phép nối để liên kết câu.

14.Hãy viết đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp trình bày cảm nhận của em về khổ thơ trên. Trong đoạn có sử dụng thành phần biệt lập cảm thán và phép nối để liên kết câu.

15.Hình ảnh hàng tre đứng thẳng hàng trong thơ của Viễn Phương như một minh chứng chân thực về tinh thần đoàn kết, đồng lòng, không chịu khuất phục của con người Việt Nam từ bao đời nay. Hãy viết một đoạn văn 2/3 trang giấy thi nêu ý nghĩa của tinh thần đó của nhân dân trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khi chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch nCoV.

16.Trong cuộc sống, ngoài tinh thần đoàn kết thì lòng dũng cảm luôn cần thiết, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Trình bày suy nghĩ của em về lòng dũng cảm của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay bằng một đoạn văn nghị luận khoảng 2/3 trang giấy thi.

Phiếu bài tập Viếng lăng Bác Bài 2:  Nói về bài thơ “Viếng lăng Bác” của tác giả Viễn Phương, có nhận xét:

Bài thơ là một thứ tiếng lòng giản dị, hồn nhiên mà âm vang của nó còn làm thổn thức lòng người mãi mãi”.

           (Tìm hiểu vẻ đẹp tác phẩm văn học Ngữ văn 9 – Lê Bảo – NXBGD, 2007)

1.Em hãy nêu hoàn cảnh sáng tác và cảm xúc bao trùm của tác giả trong bài thơ.

2.Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài.

3.Giải thích vì sao nhan đề của tác phẩm là “Viếng lăng Bác”, nhưng trong bài thơ, tác giả lại dùng cụm từ “thăm lăng Bác?

4.Mạch cảm xúc của bài thơ được diễn tả theo trình tự nào ? Theo em, tác giả sắp xếp trình tự như vậy có hợp lí không? Vì sao ?

5.Chép nguyên văn khổ thơ diễn tả cảm xúc của tác giả khi cùng dòng người vào trong lăng viếng Bác.

6.Ở khổ thơ thứ hai tác giả viết:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.”

Chỉ ra một hình ảnh thực và một hính ảnh ẩn dụ sóng đôi với nhau trong hai câu thơ trên. Việc xây dựng cặp hình ảnh sóng đôi đó có tác dụng gì?

7.Hình ảnh “mặt trời” xuất hiện mấy lần trong khổ thơ em vừa chép? Ý nghĩa của những lần xuất hiện đó có giống nhau không? Vì sao?

8.Trong khổ thơ em vừa chép, hình ảnh “bảy mươi chín mùa xuân” được hiểu như thế nào ?

9.Từ “ngày ngày” ở các câu thơ trong khổ được hiểu là gì ? Khi kết hợp với các từ/ cụm từ khác trong câu, nhà thơ muốn nói đến những qui luật nào trong cuộc sống ?

10.Dấu ba chấm ở cuối khổ có tác dụng gì?

11.Hình ảnh “mùa xuân” xuất hiện rất nhiều trong thơ ca. Viết lại câu thơ có hình ảnh mùa xuân trong hai tác phẩm mà em đã được học ở chương trình Ngữ văn THCS. (ghi rõ tên tác giả, tác phẩm)

12.Cho câu văn sau: “Khi cùng dòng người vào lăng viếng Bác, ngoại cảnh chỉ được miêu tả chấm phá vài nét, còn chủ yếu trong khổ thơ, tác giả bộc lộ tâm trạng, cảm xúc yêu thương, tôn kính của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

Hãy coi câu văn trên là câu chủ đề, dựa vào khổ thơ em vừa chép, hãy viết tiếp khoảng 10 đến 12 câu để tạo thành một đoạn văn trình bày theo phép lập luận diễn dịch. Trong đoạn có sử dụng câu chứa thành phần biệt lập và một quan hệ từ dùng để liên kết các câu văn (gạch chân, chú thích thành phần biệt lập và một quan hệ từ dùng để liên kết các câu văn).

13.Hình ảnh “mặt trời” đẹp đẽ, rực rỡ của thiên nhiên cũng từng xuất hiện trong một bài thơ khác em đã học ở trương trình Ngữ văn lớp 9, NXB Giáo dục. Đó là bài thơ nào ? Của ai ?

Phiếu bài tập Viếng lăng Bác Bài 3: Cuộc đời Chủ tịch HCM là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật. Trong bài thơ: “Viếng lăng Bác”, Viễn Phương có viết: Bác nằm trong giấc ngủ bình yên…

1.Chép những câu thơ tiếp theo để hoàn thành khổ thơ và cho biết những câu đó trích trong tác phẩm nào? Nêu tên tác giả, phương thức biểu đạt và hoàn cảnh ra đời của bài thơ ấy?

2.Từ những câu đã dẫn kết hợp với những hiểu biết của em về bài thơ, hãy cho biết cảm xúc trong bài thơ được biểu hiện theo trình tự nào? Sự thật là Người đã đi nhưng vì sao nhà thơ vẫn dùng từ ‘thăm ‘ cụm từ ‘giấc ngủ bình yên’? Em hiểu được điều gì về tình cảm của nhà thơ đối với Bác được thể hiện trong khổ thơ trên?

3.Chỉ ra biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong khổ thơ?Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó?

4.Hình ảnh “Vầng trăng sáng diu hiền” và “trời xanh” gợi lên cho em những cảm xúc và suy nghĩ gì?

5.Bằng một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận diễn dịch, em hãy làm rõ cảm xúc và suy nghĩ của tác giả thể hiện ở khổ thơ trên, trong đó có sử dụng phép nối và câu chứa thành phần biệt lập tình thái (gạch chân, chú thích rõ từ ngữ làm phép nối và thành phần biệt lập tình thái).

6.Cho biết cảm xúc của tác giả khi đứng trước di hài Người?

7.Người ta thường nói nghe thấy âm thanh nhưng ở đây Viễn Phương lại viết “Nghe nhói ở trong tim”. Em hãy lí giải điều tưởng chừng vô lí này?

8.Viết một đoạn văn 2/3 trang giấy thi suy nghĩ về sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống.

9.Trăng là hình ảnh xuất hiện nhiều trong thi ca. Hãy chép chính xác một câu thơ khác đã học trong chương trình có hình ảnh trăng. Ghi rõ tên tác giả và tên văn bản.

Bài 4: Cho câu thơ: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt, em hãy chép chính xác ba câu thơ tiếp theo để hoàn thiện khổ thơ trên (lưu ý chép chính xác cả dấu câu) và thực hiện các yêu cầu sau:

1.Đoạn thơ trên nằm trong bài thơ nào, của ai? Trình bày hoàn cảnh ra đời và xuất xứ của bài thơ.

2.Trình bày bố cục và mạch cảm xúc của bài thơ trên.

3.Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là gì? Kể tên các bài thơ khác đã học trong chương trình Ngữ văn THCS cũng sử dụng thể thơ đó và ghi rõ tên tác giả.

4.Một bài thơ khác trong chương trình Ngữ văn 9 cũng xuất hiện hình ảnh “con chim”, “bông hoa”. Chép lại chính xác các câu thơ có hình ảnh đó và cho biết chúng nằm trong bài thơ nào, của ai?

5.Ở dòng thơ 2-3-4 của khổ thơ trên, tác giả đã sử dụng các biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của mỗi biện pháp tu từ đó.

6.Cũng trong bài thơ chứa khổ thơ vừa chép, có câu: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi”, tác giả đã sử dụng phép tu từ gì trong câu thơ đó? Nêu rõ hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ ấy.

7.Ghi lại tên các tác phẩm khác đã học trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở viết về Bác Hồ (ghi rõ tên tác giả).

8.Chỉ ra sự khác nhau về ý nghĩa giữa hình ảnh hàng tre bát ngát ở câu thơ thứ hai khổ một và cây tre trung hiếu ở câu cuối của bài thơ.

9.Việc lặp lại một hình ảnh (hoặc chi tiết) ở đầu và cuối tác phẩm tương tự như bài thơ còn xuất hiện trong một số bài thơ khác. Kể tên hai tác phẩm em đã học trong chương trình Ngữ văn THCS có đặc điểm đó, ghi rõ tên tác giả.

10.Em hiểu ý nghĩa của từ “trung hiếu” trong câu thơ cuối “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.” như thế nào?

11.Nhà thơ bày tỏ tâm trạng lưu luyến khi sắp phải trở về miền Nam ra sao?

12.Tại sao các nhà thơ lại ước nguyện được làm: “con chim hót”, “cành hoa”, “cây tre trung hiếu”? Em hãy nêu ngắn gọn cách hiểu của em về nét đặc sắc của ít nhất một trong các hình ảnh ấy?

13.Từ cách hiểu về thành phần biệt lập cảm thán, em hãy đặt một câu văn có sử dụng thành phần này để bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc – hiểu đoạn thơ trên.

14.Cho câu chủ đề: Khổ thơ cuối bài thơ “Viếng lăng Bác” đã thể hiện niềm xúc động sâu sắc, ước nguyện chân thành của nhà thơ và của nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.

Bằng một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp, em hãy làm rõ nội dung trên, trong đó có sử dụng câu có thành phần biệt lập tình thái và phép nối (gạch dưới thành phần biệt lập tình thái và từ ngữ dùng làm phép nối).

15.Tình cảm của tác giả gửi gắm vào khổ thơ trên nói riêng, bài thơ nói chung đã khơi gợi nơi người đọc về một lẽ sống được hoà nhập, được cống hiến để góp phần tô thắm, làm đẹp cho đời. Từ đó, em hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 2/3 trang giấy) nêu suy nghĩ của em về lẽ sống cống hiến của thanh niên ngày nay.

Phiếu bài tập Viếng lăng Bác

Gợi ý trả lời 

Phiếu bài tập Viếng lăng Bác Bài 1:
  1. – Chép chính xác những dòng thơ tiếp theo để hoàn thành khổ thơ này.
    – Nêu tên bài thơ, tên tác giả và nêu hoàn cảnh ra đời cùa bài thơ.
  1. – Bài thơ chứa khổ thơ trên được viết theo thể thơ 8 chữ tự do
    – Chỉ ra một phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài thơ: biểu cảm (miêu tả).
  1. Hãy khái quát nội dung chính của khổ thơ thứ nhất bằng một câu văn. Biến đổi câu văn đó thành câu bị động.

Trong khổ thứ nhất của bài thơ “Viếng lăng Bác”, tác giả Viễn Phương đã gửi gắm niềm xúc động, hạnh phúc nghẹn ngào khi lần đầu tiên đứng trước lăng Bác.
Câu bị động: Niềm xúc động, hạnh phúc nghẹn ngào khi lần đầu tiên đứng trước lăng Bác đã được tác giả Viễn Phương gửi gắm trong khổ thơ thứ nhất của bài thơ “Viếng lăng Bác“.

  1. 4. Cách xưng hô của tác giả với Bác Hồ có gì đáng chú ý?

Nhà thơ xưng hô “con – Bác” ngay ở dòng thơ đầu tiên mang lại một cảm xúc vô cùng sâu lắng cho người đọc. Trong những từ ngữ xưng hô quen thuộc của người dân miền Nam nói riêng và từ ngữ toàn dân nói chung, không có một chữ nào lại xúc động và sâu nặng bằng tiếng “con”. Cách xưng hô này thật gần gũi, thật thân thiết, ấm áp tình thân thương mà vẫn rất mực thành kính, thiêng liêng. Đồng thời, cách xưng hô cũng diễn tả tâm trạng xúc động của người con ra thăm cha sau bao nhiêu năm xa cách.

  1. Bài thơ có nhan đề là “Viếng lăng Bác”, trong câu thơ đầu tiên tác giả lại viết “thăm lăng Bác”. Lí giải tại sao lại có sự khác nhau đó?

–  “Viếng”: là đến chia buồn với thân nhân người đã khuất.
–  “Thăm”: là gặp gỡ, trò chuyện với người đang sống.
– Đó là cách nói giảm, nói tránh nhằm giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát, khẳng định Bác vẫn còn mãi trong trái tim nhân dân miền Nam, trong lòng dân tộc. Đồng thời gợi sự thân mật, gần gũi: Con về thăm cha – thăm người thân ruột thịt, thăm chỗ Bác nằm, thăm nơi Bác ở để thỏa lòng khát khao mong nhớ bấy lâu.

  1. Trong những câu thơ trên, hình ảnh hàng tre trong câu thơ nào là hình ảnh tả thực, hình ảnh hàng tre trong câu thơ nào là hình ảnh ẩn dụ? Phân tích tác dụng của nghệ thuật ẩn dụ được sử dụng trong câu thơ.

–  Hình ảnh hàng tre bát ngát: thực
– “Hàng tre xanh xanh”: ẩn dụ chính là hình ảnh tượng trưng cho làng quê Việt Nam, cho con người Việt Nam bền bỉ, cần cù, chịu thương chịu khó.

  1. Trong khổ thơ em vừa chép nổi bật lên hình ảnh “hàng tre”, ở khổ thơ cuối hình ảnh này lại xuất hiện. Theo em, việc lặp lại hình ảnh cây tre ở đoạn kết bài thơ có ý nghĩa như thế nào?

– Hình thức: Tạo kết cấu đầu cuối tương ứng chặt chẽ.
– Nội dung: Hình ảnh cây tre được lặp lại khắc sâu thêm ý nghĩa biểu tượng cho con người Việt Nam với tấm lòng, ước nguyện, ý chí: trung hiếu với Bác, mãi bên Bác, đi theo con đường của Bác.

  1. Chỉ ra sự khác nhau và ý nghĩa giữa hình ảnh hàng tre bát ngát ở câu thơ thứ hai (Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát) và cây tre trung hiếu ở câu cuối (Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này) của bài thơ.

– Hình ảnh lăng Bác tạo cảm giác thân thuộc gần gũi, vì có sự xuất hiện của “hàng tre”. Hai sắc thái được diễn tả là “bát ngát” và “xanh xanh” để bao quát không gian rộng, thoáng và yên bình, không gian mở ra ngút ngát. Thăm Bác, nhìn thấy hàng tre cũng là lúc tác giả nói lên cảm giác xúc động mãnh liệt về hình ảnh biểu tượng của dân tộc.

Thán từ “Ôi” cùng với cảm nhận dáng tre “đứng thẳng hàng” nghiêm trang cũng tạo nên cảm giác thành kính thiêng liêng trước lăng Bác. Không những thế, tư thế: “đứng thẳng hàng” còn đặt trong thế đối lập với “bão táp mưa sa” gợi lên phẩm chất của tre dẻo dai, cứng cáp bền bỉ, cũng là tư thế hiên ngang của dân tộc vượt qua bao thử thách gian lao để đi đến thắng lợi vinh quang. Để từ đó, tác giả như cảm nhận giây phút về bên Bác, có toàn thể dân tộc cùng canh giấc ngủ cho Người.

– Hình ảnh “cây tre trung hiếu” có ý nghĩa tượng trưng (ẩn dụ) cho khát vọng của nhà thơ muốn hoá thân “làm cây tre trung hiếu chốn này” – bồi đắp tâm hồn và phẩm chất để sống xứng đáng với tình thương của Bác. Đó cũng là lời hứa tiếp tục thực hiện ước vọng của Người.

  1. Hãy viết lại một thành ngữ dân gian được sử dụng trong khổ thơ trên. Giải nghĩa thành ngữ vừa tìm. Theo em, việc tác giả sử dụng thành ngữ dân gian đó nhằm thể hiện điều gì?

– Bão táp mưa sa: Táp: vỗ mạnh, đập mạnh vào; Sa: rơi thẳng xuống; ý nói khó khăn, thử thách lớn.
– Thành ngữ “bão táp mưa sa” nhằm chỉ những khó khăn, gian khổ, những vinh quang và cay đắng mà nhân dân ta đã vượt qua trong trường kì dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ vừa qua.

  1. Chỉ ra và nêu ý nghĩa của một từ láy tượng hình được sử dụng trong khổ thơ vừa chép.
    – Bát ngát: mô tả hình ảnh hàng tre mênh mông, rộng lớn đến mức tầm mắt không sao bao quát hết được.
  1. Chỉ ra và nêu ý nghĩa của một thán từ được sử dụng trong khổ thơ. Xét về hình thức, việc sử dụng thán từ trong khổ thơ này có gì đặc biệt?

– Ôi: bộc lộ cảm xúc

– Câu đặc biệt.

  1. Cây tre đã trở thành hình ảnh trung tâm của nhiều tác phẩm văn học Việt Nam. Hãy chép lại hai câu nối tiếp nhau của một bài thơ khác mà trong đó, nhà thơ đã mượn hình ảnh cây tre để gợi liên tưởng đến tình yêu thương đoàn kết của người Việt Nam (Ghi rõ tên tác giả, tác phẩm).

“Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy:
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng. 

  1. Dựa vào khổ thơ vừa chép, hãy viết đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp để làm rõ cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác. Trong đoạn có sử dụng thành phần biệt lập cảm thán và phép nối để liên kết câu.
Yêu cầu về hình thức:

Đúng hình thức đoạn văn, đủ số câu theo quy định. Văn viết mạch lạc, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả. Có luận điểm, lập luận chặt chẽ…
– Kiểu đoạn: tổng – phân – hợp.

Yêu cầu về nội dung: Làm rõ cảm xúc của tác giả qua việc khai thác một số ý sau:

+ Nghệ thuật: hình ảnh, từ ngữ chọn lọc, nghệ thuật ẩn dụ, nói giảm nói tránh, thành ngữ, …
+ Nội dung: HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đạt những nội dung sau:
– Câu thơ thật giản dị thân quen với cách xưng hô “con- Bác” -> gần gũi, thân thiết, ấm áp.
– Dùng từ “thăm” thay cho từ “viếng” -> giảm nhẹ được nỗi đau thương, mất mát.

– Hình ảnh hàng tre: (thực – ẩn dụ) -> biểu tượng sức sống bền bỉ….. của dân tộc
– Thán từ: Ôi -> bộc lộ cảm xúc trực tiếp
– Thành ngữ: bão táo mưa sa
+ Tư tưởng, tình cảm: thể hiện sự xúc động, hạnh phúc, tự hào và tình cảm kính yêu, ngợi ca của tác giả đối với Bác.

Yêu cầu về Tiếng Việt: Đặt câu có sử dụng thành phần biệt lập cảm thán và câu có sử dụng phép nối để liên kết (gạch chân và chú thích)

* Chú ý: GV linh hoạt khi chấm bài của học sinh
  1. Hãy viết đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp trình bày cảm nhận của em về khổ thơ trên. Trong đoạn có sử dụng thành phần biệt lập cảm thán và phép nối để liên kết câu.
Yêu cầu về hình thức:

Đúng hình thức đoạn văn, đủ số câu theo quy định. Văn viết mạch lạc, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả. Có luận điểm, lập luận chặt chẽ…
– Kiểu đoạn: tổng – phân – hợp.

Yêu cầu về nội dung: Làm rõ cái hay về nghệ thuật, nội dung và tư tưởng tình cảm của tác giả qua việc khai thác một số ý sau:

+ Nghệ thuật: hình ảnh, từ ngữ chọn lọc, nghệ thuật ẩn dụ, nói giảm nói tránh, thành ngữ, …
+ Nội dung: HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đạt những nội dung sau:
– Câu thơ thật giản dị thân quen với cách xưng hô “con- Bác” -> gần gũi, thân thiết, ấm áp.
– Dùng từ “thăm” thay cho từ “viếng” -> giảm nhẹ được nỗi đau thương, mất mát.

– Hình ảnh hàng tre: (thực – ẩn dụ) -> biểu tượng sức sống bền bỉ….. của dân tộc
– Thán từ: Ôi -> bộc lộ cảm xúc trực tiếp
– Thành ngữ: bão táo mưa sa
+ Tư tưởng, tình cảm: thể hiện sự xúc động, hạnh phúc, tự hào và tình cảm kính yêu, ngợi ca của tác giả đối với Bác.

Yêu cầu về Tiếng Việt: Đặt câu có sử dụng thành phần biệt lập cảm thán và câu có sử dụng phép nối để liên kết (gạch chân và chú thích)

* Chú ý: GV linh hoạt khi chấm bài của học sinh
  1. Hình ảnh hàng tre đứng thẳng hàng trong thơ của Viễn Phương như một minh chứng chân thực về tinh thần đoàn kết, đồng lòng, không chịu khuất phục của con người Việt Nam từ bao đời nay. Hãy viết một đoạn văn 2/3 trang giấy thi nêu ý nghĩa của tinh thần đó của nhân dân trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khi chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch nCoV.
Yêu cầu về hình thức:

Đúng hình thức đoạn văn, đủ dung lượng theo yêu cầu, văn viết mạch lạc, diễn đạt lưu loát không mắc lỗi chính tả, lập luận chặt chẽ.
– Kiểu bài: nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

Yêu cầu về nội dung: đảm bảo một số ý sau.

+ Giải thích tinh thần đoàn kết, đồng lòng, không chịu khuất phục là gì?
+ Bàn luận về vai trò của tinh thần đoàn kết, đồng lòng, không chịu khuất phục của nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khi chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch nCoV.
+ Phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái.
+ Liên hệ bản thân.

* Chú ý: GV linh hoạt khi chấm bài của học sinh
  1. Trong cuộc sống, ngoài tinh thần đoàn kết thì lòng dũng cảm luôn cần thiết, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Trình bày suy nghĩ của em về lòng dũng cảm của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay bằng một đoạn văn nghị luận khoảng 2/3 trang giấy thi.
Yêu cầu về hình thức:

Đúng hình thức đoạn văn, đủ dung lượng theo yêu cầu, văn viết mạch lạc, diễn đạt lưu loát không mắc lỗi chính tả, lập luận chặt chẽ.
– Kiểu bài: nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

Yêu cầu về nội dung: đảm bảo một số ý sau.

+ Giải thích dũng cảm là gì?
+ Nêu biểu hiện của lòng dũng cảm.
+ Bàn luận về vai trò của lòng dũng cảm.
+ Phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái.
+ Liên hệ bản thân.
* Chú ý: GV linh hoạt khi chấm bài của học sinh

Phiếu bài tập Viếng lăng Bác Bài 2:
  1. – Cách sắp xếp trình tự như vậy rất hợp lí. Vì

+  tác giả bày tỏ cảm xúc, thể hiện tâm trạng theo trình tự của cuộc vào lăng viếng Bác, từ khi tác giả đứng bên ngoài lăng, lúc hòa cùng dòng người xếp hàng vào lăng, đến khi nhìn thấy di hài Bác ở trong lăng, và cuối cùng là lúc rời khỏi lăng chuẩn bị trở về miền Nam.
+ Trình tự sắp xếp đơn giản, tự nhiên, giúp tác giả bộc lộ cảm xúc sâu sắc, góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm.

6.- Chỉ đúng: hình ảnh thực “mặt trời đi qua trên lăng” và hình ảnh ẩn dụ “mặt trời trong lăng”.
– Nêu được tác dụng của việc xây dựng cặp hình ảnh sóng đôi: tạo sự đăng đối, cân xứng, nhịp nhàng; tạo sự đối ứng, soi chiếu về ý nghĩa giữa hai hình ảnh nhằm tôn vinh sự vĩ đại, trường tồn của Bác; thể hiện thái độ ngợi ca, tôn kính của tác giả, của nhân dân đối với Bác.

  1. – Hình ảnh “mặt trời” xuất hiện hai lần.

– Ý nghĩa của những lần xuất hiện đó không giống nhau.
– Vì:
+ “mặt trời” thứ nhất là hình ảnh tả thực chỉ mặt trời của thiên nhiên. Hình ảnh này được nhân hóa qua động từ “đi” vì vậy nó trở nên sinh động, gần gũi với con người. Nó ngày ngày chiếu sáng trên lăng, và bất ngờ khi phát hiện ra trong lăng còn có một mặt trời khác cũng rực rỡ, vĩ đại.

+ “Mặt trời” thứ hai là hình ảnh ẩn dụ ngụ ý chỉ Bác Hồ và khi kết hợp với tính từ “đỏ” (cũng được ẩn dụ) , tác giả muốn nói đến công lao to lớn, vĩ đại của Người.  Sở dĩ có thể ví von, so sánh ngầm như vậy là vì giữa Bác Hồ và mặt trời của thiên nhiên có nhiều nét tương đồng. (lớn lao, vĩ đại, đem đến ánh sáng, sự sống hồi sinh…)

  1. Hình ảnh “bảy mươi chín mùa xuân” là một hình ảnh đẹp, mang nhiều ý nghĩa. Đây là hình ảnh sử dụng kết hợp 2 biện pháp tu từ hoán dụ “bảy mươi chín” – ngụ ý chỉ cả cuộc đời của Bác, ẩn dụ “mùa xuân” chỉ tuổi của Bác. Qua đó, tác giả muốn ca ngợi bày tỏ niềm kính yêu, biết ơn Bác bởi trong suốt cả cuộc đời Bác – bảy mươi chín tuổi đẹp đẽ, rực rỡ như những mùa xuân ấy, Bác đã đem đến những điều lớn lao, vĩ đại cho dân tộc Việt Nam.
9.- Từ “ngày ngày” ở các câu thơ trong khổ được hiểu: sự lặp đi lặp lại, tiếp diễn tương tự.

– Khi kết hợp với các từ/ cụm từ khác trong câu, nhà thơ muốn nói đến hai qui luật trong cuộc sống:

+ “ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng” là nói đến qui luật của tự nhiên: Mặt trời vẫn luôn hiện hữu trên lăng Bác, tỏa sáng, rực rỡ, không thay đổi.

+ “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ” là nói đến qui luật của lòng người: Ngày ngày, những đoàn người nối tiếp nhau vào lăng viếng Bác. Đó là nhân dân cả nước ở khắp các vùng miền – nhiều thế hệ, là kiều bào nước ngoài, hay bạn bè quốc tế. Họ đến viếng lăng Bác trong niềm nhớ thương, tôn kính và ngưỡng mộ. Bác Hồ sống mãi trong lòng nhân dân, không bao giờ thay đổi. Qui luật của lòng người ấy cũng giống như cũng giống qui luật của tự nhiên: luôn vĩnh hằng, bất biến.

  1. Tác dụng dấu ba chấm ở cuối khổ: Đặt sau từ ngữ biểu thị dòng cảm xúc lắng đọng, nhớ thương, đồng thời góp phần thể hiện nhịp bước đi đều đặn nối tiếp nhau, kéo dài mãi không ngớt của dòng người vào lăng viếng Bác.
  2. Một mùa xuân nho nhỏ (Mùa xuân nho nhỏ- Thanh Hải)
    Ngày xuân con én đưa thoi (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
  1. – Câu chủ đề: lấy nguyên văn câu đề cho, có thể bổ sung thêm tên tác giả.

– HDHS triển khai phân tích hai ý chính:
+ Ngoại cảnh chỉ được chấm phá vài nét (phân tích hình ảnh hình ảnh “mặt trời” trong hai câu thơ, hình ảnh “dòng người”, “tràng hoa”, chỉ ra cái hay của các biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ…)
+ Tác giả bộc lộ tâm trạng, cảm xúc yêu thương, tôn kính của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua:

.) Cách ví von, so sánh ngầm hình ảnh Bác Hồ với “mặt trời”.
.) Bộc lộ trực tiếp cảm xúc “đi trong thương nhớ”.
.) Việc ca ngợi cuộc đời Bác – bảy mươi chín tuổi đẹp như những mùa xuân.
.) Việc lặp lại hai lần từ “ngày ngày” để nói đến qui luật của lòng người -> Bác Hồ sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

  1. Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận
Phiếu bài tập Viếng lăng Bác Bài 3:
  1. Hs chép chính xác khổ thơ

2. – Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm
– Nội dung: Thể hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả VP khi nhìn thấy Bác  trong lăng

3. – Biện pháp nói giảm, nói tránh “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên” để làm giảm bớt cảm giác đau buồn, đồng thời khẳng định sự bất tử của Bác trong lòng người dân Việt Nam.

– Biện pháp tu từ ẩn dụ “ trời xanh, vầng trăng” có tác dụng diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm, ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo của không gian trong lăng Bác. Đồng thời hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền” gợi ta nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, trong sáng của Bác. Còn hình ảnh “trời xanh” cho thấy Bác vẫn còn sống mãi với non sông, đất nước.

– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “ nghe nhói ở trong tim” đã góp phần cụ thể hóa nỗi đau mất Bác từ nỗi đau tinh thần thành nỗi đau thể xác. Tác dụng : nói lên nỗi lòng sâu kín của biết bao thế hệ von ngưởi Việt Nam dành cho Bác: Kính yêu, biết ơn, thương nhớ, xót xa vô hạn trước sự ra đi của người.

4: Hình ảnh “ Vầng trăng sáng diu hiền” xuất phát từ thực tế: ánh đèn dịu nhẹ trong lăng. Nó còn gợi liên tưởng đến tâm hồn trong sáng, thanh cao của Bác và những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Người.

–  “ trời xanh” là một hình ảnh ẩn dụ khẳng định Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước, còn mãi trong lòng người dân Việt Nam như bầu trời xanh vĩnh hằng của thiên nhiên. Qua hình ảnh này, nhà Thơ Viễn Phương đã thể hiện một cách xúc động tình cảm của nhân dân đối với Bác.

  1. * Hình thức:

– Đảm bảo dung lượng theo yêu cầu của đề; diễn đạt mạch lạc, rõ ý, đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
– Trình bày đoạn văn theo phép lập luận diễn dịch;
– Sử dụng đúng, gạch dưới và chú thích rõ từ ngữ dùng làm phép nối, thành phần biệt lập tình thái.
* Nội dung: Biết bám sát ngữ liệu và khai thác hiệu quả các tín hiệu nghệ thuật (từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,…) để làm rõ cảm xúc và suy nghĩ của tác giả:
– Cảm xúc: xúc động, thương tiếc, xót đau,…;
– Suy nghĩ về vẻ đẹp thanh cao và sự vĩ đại, trường tồn của Bác.

6. Cảm xúc của tác giả khi đứng trước di hài Người: Kính yêu, ngưỡng mộ trước tâm hồn trong sáng, thanh cao của Bác, xót xa trước sự ra đi của Bác.

Câu thơ “Mà sao nghe nhói ở trong tim” là một cách viết lạ, tưởng chừng như vô lí nhưng lại có lí khi bộc lộ tâm trạng đau xót và tiếc nuối không nguôi trước sự ra đi của Bác. Sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, Viễn Phương đã thể hiện cảm xúc đau xót tới đỉnh điểm. “Nhói” là từ ngữ biểu cảm trực tiếp, biểu hiện nỗi đau đột ngột, quặn thắt. Cách viết ấy đã bộc lộ nỗi đau mất mát ở tận trong đáy sâu tâm hồn nhà thơ – nỗi đau uất nghẹn tột cùng không thể nói nên lời.

8.

Nêu vấn đề: Khẳng định sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống.
Giải thích: Niềm tin là gì?
Bàn về sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống (trọng tâm):
– Dẫn chứng:
Lên án, phản biện:

Liên hệ bản thân: bài học và hành động (2 câu)

  1. Đầu súng trăng treo – Đồng chí, Chính Hữu
Phiếu bài tập Viếng lăng Bác Bài 4:
  1. HS nêu đúng:
    – Tên bài thơ: “viếng lăng Bác”
    – Tác giả: Viễn Phương (Phan Thanh Viễn)
    – Hoàn cảnh sáng tác:
    + Năm 1976 đất nước vừa thống nhất
    + Lăng Chủ tịch HCM vừa khánh thành, tác giả ra miền Bắc và vào lăng viếng Bác.

* Xuất xứ: Bài thơ “Viếng lăng Bác” được in trong tập “Như mây mùa xuân” (1978).

  1. HS nêu đúng bố cục + mạch cảm xúc

* Bố cục: 4 phần
– Phần 1: Cảm xúc của tác giả trước lăng Bác
– Phần 2: Cảm xúc trước hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác
– Phần 3: Cảm xúc khi vào trong lăng đứng trước thi hài Bác
– Phần 4: Cảm xúc của nhà thơ khi từ biệt lăng Bác
* Mạch cảm xúc: Theo tự thời gian: tâm trạng, cảm xúc của tác giả ở ngoài lăng à trong lăng à khi trở về.

  1. – Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ 8 chữ.

– Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là biểu cảm.
– Các bài thơ khác đã học trong chương trình Ngữ văn THCS cũng sử dụng thể thơ đó là “Quê hương” (Tế Hanh), “Nhớ rừng” (Thế Lữ).

  1. Một bài thơ khác trong chương trình Ngữ văn 9 cũng xuất hiện hình ảnh “con chim”, “bông hoa”. Đó là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải.
    – Chép thơ:  “Ta làm con chim hót / Ta làm một cành hoa
    Ta nhập vào hoà ca / Một nốt trầm xao xuyến.
  1. Ở dòng thơ 2-3-4 của khổ thơ trên, tác giả đã sử dụng các biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của mỗi biện pháp tu từ đó.

– Điệp ngữ qua điệp từ “muốn làm” và phép liệt kê “con chim ”, “đóa hoa”, “cây tre” -> nhằm nhấn mạnh khát vọng thân tha thiết, cháy bỏng muốn được hóa của nhà thơ.
– Hình ảnh nhân hoá, ẩn dụ “cây tre trung hiếu” tượng trưng cho ước nguyện được trung thành với Bác, mãi đi theo con đường mà Người đã vạch ra.
-> Thể hiện tình cảm kính yêu, tự hào và lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ với Bác.

  1. – Gọi tên phép tu từ: ẩn dụ

– Hình ảnh ẩn dụ: “trời xanh là mãi mãi”
Phân tích hiệu quả nghệ thuật:
+ Bác trường tồn cùng dân tộc, niềm tin Bác còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
+ Tình cảm của tác giả kính yêu, biết ơn Bác.

  1. Một tác phẩm khác đã học trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở viết về Bác Hồ: “Đêm nay Bác không ngủ” – tác giả Minh Huệ.
  2. Sự khác nhau về ý nghĩa giữa hình ảnh “hàng tre bát ngát” và “ cây tre trung hiếu” ở chỗ:

– “Hàng tre bát ngát” ở câu thơ thứ hai: “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”: hai bên lăng Bác trồng tre kết hợp với làn sương tạo nên không gian thiêng liêng. Đây là những hàng tre được trồng xung quanh lăng Bác tạo nên những nét đẹp của hồn quê dân tộc Việt Nam
– Hình ảnh “cây tre trung hiếu” ở câu cuối “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” là hình ảnh ẩn dụ. Dù đi bất cứ đâu đâu mà vẫn trung với nước, hiếu với dân như lời Bác dạy thì xứng đáng đứng trong hàng tre dân tộc, coi như vẫn gần bên Bác. Nhà thơ luôn có tư tưởng trung thành, trung hiếu với Bác.

  1. Hai tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn THCS có đặc điểm lặp lại một hình ảnh (hoặc chi tiết) ở đầu và cuối tác phẩm là:

– “Đoàn thuyền đánh cá” (Huy Cận)
– “Bếp lửa” (Bằng Việt)

  1. “trung hiếu” ở đây là “trung với nước, hiếu với dân” – cũng là một trong những phẩm chất mà Bác đã dặn dò cán bộ và chiến sĩ lúc sinh thời.
  2. Khi sắp phải trở về miền Nam, tác giả lưu luyến không muốn rời, ông muốn gửi tấm lòng mình bằng cách muốn hóa thân, hòa nhập vào những cảnh vật quanh lăng để được luôn ở bên Người trong thế giới của Người.

+ Điệp ngữ “muốn làm” cùng các hình ảnh đẹp của thiên nhiên “con chim”, “đóa hoa”, “cây tre” đã thể hiện ước muốn tha thiết, mãnh liệt của tác giả.

+ Nhà thơ ao ước được hóa thân thành con chim nhỏ cất tiếnghót làm vui lăng Bác, thành đóa hoa đem sắc hương, điểm tô cho vườn hoa quanh lăng.

+ Đặc biệt là ước nguyện “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” để nhập vào hàng tre bát ngát, canh giữ giấc ngủ thiên thu của Người. Hình ảnh cây tre có tính chất tượng trưng một lần nữa nhắc lại khiến bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng. Hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác được lặp ở câu thơ cuối như mang thêm nghĩa mới, tạo ấn tượng sâu sắc, làm dòng cảm xúc được trọn vẹn.

“Cây tre trung hiếu” là hình ảnh ẩn dụ thể hiện lòng kính yêu, sự trung thành vô hạn với Bác, nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Người đã đưa đường chỉ lối. Đó là lời hứa thủy chung của riêng nhà thơ và cũng là ý nguyện của đồng miền Nam, của mỗi chúng ta nói chung với Bác.

12. Nhà thơ lại ước nguyện được làm: “con chim hót”, “đóa hoa”, “cây tre trung hiếu” đều là những hình ảnh giản dị, thân thuộc để làm đẹp cho lăng Bác. Đặc biệt, “cây tre trung hiếu” còn là hình ảnh ẩn dụ, thể hiện ước nguyện trung thành với Bác, mãi đi theo con đường Người đã vạch ra cho toàn dân tộc. Qua những hình ảnh đó ta thấy được tình cảm kính yêu và lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ đối với Bác.

13.HS đặt 1 câu văn hợp lí có sử dụng thành phần biệt lập cảm thán này để bộc lộ cảm xúc sau khi đọc – hiểu đoạn thơ trên.

Ví dụ:

– Chao ôi, các nhà thơ có ước mơ thật tuyệt vời!
– Hai khổ thơ chứa đựng ước nguyện chân thành, tuyệt quá!
– Ôi, câu thơ thể hiện khát vọng được hoà nhập, được cống hiến mới tha thiết, xúc động làm sao!

  1. Cảm nhận của em về đoạn thơ vừa chép.
a. Mở đoạn:

– Dẫn dắt giới thiệu vị trí đoạn trích, tác giả Viễn Phương và bài thơ “Viếng lăng Bác”.
– Khái quát nội dung khổ thơ: dòng cảm xúc, tâm trạng lưu luyến của nhà thơ khi phải rời xa lăng Bác.

b. Thân đoạn: Cảm nhận về khổ thơ (khai thác nghệ thuật, nội dung đoạn thơ): Tâm trạng lưu luyến của nhà thơ khi phải rời xa lăng Bác:

– Nếu ở khổ thơ đầu, nhà thơ giới thiệu mình là người con miền Nam ra thăm Bác thì trong khổ thơ cuối, nhà thơ lại đề cập đến sự chia xa Bác. Nghĩ đến ngày mai về miền Nam, xa Bác, xa Hà Nội, tình cảm của nhà thơ không thể kìm nén, ẩn giấu trong lòng mà được bộc lộ, thể hiện trực tiếp ra ngoài: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”.
+ Câu thơ “Mai về miền Nam thương trào nước mắt” như một lời giã biệt.
+ Lời nói giản dị diễn tả tình cảm thiết tha, sâu lắng.

+ Động từ “trào” đã giúp tác giả diễn tả cảm xúc thật mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn không muốn rời xa nơi Bác nghỉ.

+ Đó là không chỉ là tâm trạng của tác giả mà còn là của muôn triệu trái tim khác của con dân nước Việt. Được gần Bác dù chỉ trong giây phút nhưng không bao giờ ta muốn xa Bác bởi Người vĩ đại, rộng lớn quá nhưng lại vô cùng ấm áp thân thương!
– Khi sắp phải trở về miền Nam, mặc dù lưu luyến không muốn rời, muốn được ở mãi bên Bác nhưng tác giả cũng biết rằng đã đến lúc phải trở về miền Nam. Và ông chỉ có thể gửi tấm lòng mình bằng cách muốn hóa thân, hòa nhập vào những cảnh vật quanh lăng để được luôn ở bên Người trong thế giới của Người:

“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

– Điệp ngữ qua điệp từ “muốn làm” và phép liệt kê “con chim ”, “đóa hoa”, “cây tre” -> nhằm nhấn mạnh tha thiết, cháy bỏng muốn được hóa của nhà thơ.

+ Điệp ngữ qua điệp từ “muốn làm” cùng các hình ảnh đẹp của thiên nhiên “con chim”, “đóa hoa”, “cây tre” đã thể hiện ước muốn, khát vọng hoá thân tha thiết, mãnh liệt của tác giả.

+ Nhà thơ ao ước được hóa thân thành con chim nhỏ cất tiếng hót vang vọng làm tươi vui rộn rã quanh lăng, muốn hóa thân thành “đóa hoa” khoe sắc hương, tô thắm làm rực rỡ thêm cho vườn hoa quanh lăng Bác.

+ Đặc biệt, qua hình ảnh ẩn dụ “cây tre trung hiếu”, nhà thơ đã ước nguyện “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” để nhập vào hàng tre bát ngát, canh giữ giấc ngủ thiên thu của Người. Hình ảnh cây tre có tính chất tượng trưng một lần nữa nhắc lại khiến bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng.

Hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác được lặp ở câu thơ cuối như mang thêm nghĩa mới, tạo ấn tượng sâu sắc, làm dòng cảm xúc được trọn vẹn. “Cây tre trung hiếu” là hình ảnh ẩn dụ thể hiện lòng kính yêu, sự trung thành vô hạn với Bác, nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Người đã vạch ra, đã dẫn đường chỉ lối. Đó là lời hứa thủy chung của riêng nhà thơ và cũng là ý nguyện của đồng miền Nam, của mỗi chúng ta nói chung với Bác.

-> Tất cả các BPNT đó góp phần giúp nhà thơ thể hiện tình cảm kính yêu, tự hào và lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ với Bác.

c. Kết đoạn:

– Khái quát ND + NT của đoạn thơ.
– Tình cảm, cảm xúc của của tác giả.

15.

a. Mở đoạn (1 câu): Giới thiệu vấn đề nghị luận: Lẽ sống cống hiến là một trong những phẩm chất tốt đẹp cần có của mỗi con người.

b. Thân đoạn:
* Giải thích: Lẽ sống cống hiến là gì?

+ Sống cống hiến là đem tất cả những gì tốt nhất trong khả năng của mình để góp sức cho tập thể, góp phần xây dựng xã hội, đất nước.
+ Sống cống hiến một cách khiêm nhường, giản dị, không ồn áo, phô trương.
+ Sống cống hiến bền bỉ, trọn đời, bất kể tuổi tác.

* Bàn luận:

– Vì sao con người cần có lẽ sống cống hiến?
+ Lối sống cống hiến sẽ mang lại nhiều giá trị cho tập thể. Ví dụ: Người công nhân làm ra của cải, vật chất, người giáo viên bồi dưỡng nhân tài; các nhà khoa học phát minh ra nhiều máy móc giúp nâng cao năng suất lao động.
+ Sống cống hiến sẽ mang lại cho chính bản thân mỗi người  nhiều điều tốt đẹp: được yêu quí, được ghi nhận và tôn vinh, có thu nhập cao hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn,…., khiến cuộc đời con người trở nên có ý nghĩa.

+ Biểu hiện của lẽ sống cống hiến: Bất cứ ai cũng đều có thể cống hiến cho xã hội, đất nước, dù già hay trẻ. Mỗi người đều có cách phù hợp với khả năng của mình.( Hs lấy vd để làm sáng rõ)

* Đánh giá, mở rộng vấn đề:

– Đánh giá: Đó là quan niệm sống tốt đẹp, tích cực, cần được lan tỏa.
– Mở rộng vấn đề:
. Phê phán những kẻ lười biếng, ích kỉ, chỉ biết hưởng thụ và ỷ lại
. Để cống hiến được nhiều cho đất nước, mỗi người cần trau dồi tri thức, rèn luyện kĩ năng và bồi đắp tâm hồn, nuôi dưỡng những phẩm chất tốt. Tuy nhiên, sự cống hiến ấy cần chân thành, tự nguyện, thể hiện một cách giản dị, không ồn ào, phô trương.

* Bài học, liên hệ bản thân:

+ Mỗi người cần trau dồi, phát huy hết khả năng của mình cho công việc, làm nhiều việc tốt cho đời.
+ Liên hệ bản thân.

c. Kết đoạn: Khẳng định, đánh giá khái quát lại vấn đề:

Tóm lại, mỗi chúng ta cần phải biết sống mình vì mọi người để góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trên đây là Phiếu bài tập Viếng lăng Bác. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.

Xem thêm:

Exit mobile version