Giáo viên – nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý – câu nói đó khiến những ai đang mang trên mình trọng trách “trồng người” luôn cảm thấy tự hào vì mình được tôn trọng, được đề cao. Nhưng sự thật trong những năm gần đây đã có rất nhiều giáo viên từ bỏ sự nghiệp “đưa đò” của mình để rẽ sang một con đường khác với một ước mơ “sáng sủa” hơn. Vậy với những thầy cô giáo vẫn tiếp tục công việc của mình có bao giờ chúng ta tự hỏi “Nếu một ngày không còn là giáo viên thì mình sẽ làm gì?” “Mình sẽ như thế nào?”
Mục lục
Nguyên nhân nào khiến giáo viên không còn mặn mà với nghề dạy học?
Nghề dạy học mang lại nguồn thu nhập thấp
Mặc dù trong những năm gần đây nhà nước luôn có những chính sách tăng lương đối với ngành giáo dục. Tuy nhiên với việc vật giá leo thang, việc tăng lương như vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của họ . Nhiều gia đình có 2 vợ chồng đều làm nghề giáo với nguồn thu nhập ít ỏi như vậy thì tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu, chứ chưa nói tới việc những lúc ốm đau, lo cho con cái.
Bên cạnh đó, rất nhiều ngành nghề có nguồn thu nhập cao gấp 2, 3 lần hoặc nhiều hơn so với nghề giáo. Vì vậy, rất nhiều giáo viên phải vừa dạy học vừa phải làm thêm ngành nghề khác. Có khi họ phải bỏ đi đam mê của mình để theo một ngành nghề khác.
Nghề giáo viên có quá nhiều áp lực
Do đặc thù công việc, nghề giáo phải chịu rất nhiều áp lực từ khối lượng công việc, học sinh, phụ huynh. Ngoài việc hằng ngày phải lên lớp giảng bài, họ còn phải chịu nhiều áp lực trong công tác chủ nhiệm. Đan xen với đó là công việc chấm bài, soạn bài… dường như chiếm hết thời gian.
Bên cạnh đó những năm gần đây, việc đổi mới giáo dục đang khiến nhiều thầy cô giáo cảm thấy mệt mỏi. Việc thay đổi sách giáo khoa kèm theo đó là các phương pháp dạy học. Những quy định mới trong việc soạn giáo án cũng đang làm khó cho các thầy cô giáo.
Những bất cập trong việc xét thi đua, khen thưởng
Xét thi đua, khen thưởng luôn là cách để khuyến khích mỗi giáo viên trong giảng dạy. Tuy vậy, việc xét thi đua ở các trường học còn có nhiều điều bất cập. Dẫn đến tâm lí chán nản trong một số giáo viên. Một số giáo viên bị xét “không hoàn thành nhiệm vụ”. Một số thì tuy cả năm phấn đấu nhưng vẫn không đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua do không đạt Sáng kiến kinh nghiệm… Tất cả những bất cập đó dẫn đến sự chán nản trong một số thầy cô.
Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” ngày càng bị mai một
Cùng với sự phát triển của xã hội dường như truyền thống “tôn sư trọng đạo” bị mai một đi ít nhiều. Một số phụ huynh, học sinh đã không còn có sự tôn trọng nhất định cho nhà giáo. Đọc báo hay xem video chúng ta có thể thấy hiện tượng phụ huynh, học sinh lăng mạ, chửi bới thầy cô. Có khi còn gây ra các vụ án mạng chết người. Đây cũng là một trong những điều khiến nhiều thầy cô cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về nghề nghiệp của mình.
Nếu một ngày tôi không còn làm giáo viên
Trong suốt cuộc đời đi dạy của mình chắc sẽ có lúc chúng ta mệt mỏi, áp lực. Trong những lúc đó sẽ có những suy nghĩ như: Mình có nên đi dạy nữa không? Nếu không làm giáo viên nữa mình sẽ làm gì? Mình sẽ ra sao nếu nghỉ dạy?
Buồn khi không còn sống với ước mơ của tuổi trẻ
Những năm tháng đèn sách gắn liền với bao ước mơ của bao cô cậu học trò. Trong mỗi người thầy, người cô là bao ước mơ, hoài bão để được đứng trên bục giảng. Ước mơ đó, hoài bão đó có người thực hiện được khi ra trường có ngay chỗ làm. Có người lận đận phải qua bao năm hợp đồng, thuyên chuyển. Khi chúng ta quyết định nghỉ dạy là một quyết định lớn trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta phải chia tay học trò, đồng nghiệp. Chúng ta phải chịu bao lời ra tiếng vào của người ngoài cuộc. Quan trọng hơn chúng ta không còn được sống với những đam mê của một thời tuổi trẻ. Chúng ta không được nhìn lũ học trò hồn nhiên, vô tư lớn lên. “Buồn” có lẽ là tâm trạng chung của tất cả mỗi người.
Kiếm một công việc có thu nhập cao hơn để làm
Hiện nay, có rất nhiều ngành nghề mang lại thu nhập cao. Vì vậy, nếu không đi dạy chúng ta có thể chọn cho mình một công việc phù hợp. Có nhiều thầy cô chuyển sang những nghề marketing, công nhân, bán hàng… Tất cả những công việc đó có thể giúp họ nuôi sống bản thân, gia đình và có thêm nguồn tích luỹ cho bản thân.
Sẽ không còn chịu áp lực, mệt mỏi như khi đi dạy?
Rất nhiều giáo viên thường nói rằng nghề của mình rất áp lực, rất mệt mỏi. Điều đó không phải bàn cãi. Tuy nhiên chắc chúng ta cũng nên có cái nhìn thật khách quan. Sự thật mà nói tất cả các nghề đều có những áp lực, mệt mỏi riêng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Công nhân họ phải làm theo ca ngày, ca đêm để chạy sản phẩm. Nhân viên thị trường phải làm sao tăng doanh thu. Người bán hàng phải tính toán làm sao mang lại lợi nhuận… Tất cả mọi ngành nghề đều có một áp lực nhất định. Vì vậy có thể thấy không có ngành nghề nào thành công mà con đường của nó chỉ có màu hồng.
Lựa chọn để không nuối tiếc về sau
Cuộc đời đối với mỗi người là một cuộc hành trình. Ai rồi cũng có đích đến cho chính bản thân mình. Khi đứng trước một sự lựa chọn có thể chúng ta sẽ nuối tiếc về sau. Có nhiều người chọn gắn bó với nghề “đưa đò” đến tuổi nghỉ hưu. Có người từ bỏ giữa chừng vì những lí do của bản thân họ. Chung quy lại mỗi người đều có những quyết định đúng đắn nhất cho bản thân mình. Có thể họ sẽ có những cơ hội khác khi gắn bó với ngành nghề khác. Vì vậy, mỗi chúng ta khi đã chọn gắn bó với sự nghiệp “trồng người” thì hãy nhiệt huyết, cống hiến. Sau này dù chúng ta không còn gắn bó với nó nữa thì cũng không có gì để hối tiếc về sau.
Xem thêm:
<< Thiết kế bài giảng điện tử bằng Powerpoint đơn giản
<<< Học sinh mất tiền trong lớp giáo viên phải giải quyết như thế nào?
Theo dõi: giaoducmoi