Sáng kiến kinh nghiệm là một trong những phương pháp để nâng cao hiệu quả dạy học. Đây là những giải pháp để các giáo viên khác có thể học hỏi và áp dụng cho trường học của mình. Bài viết này xin đưa ra “Một số giải pháp phụ đạo học sinh yếu – kém môn Ngữ văn”
Mục lục
1. Thực trạng trước khi có sáng kiến
1.1. Thực trạng
Chất lượng môn Ngữ văn ở một số học sinh còn hạn chế. Một số học sinh vẫn còn khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và kĩ năng cơ bản nên thực chất vẫn còn tồn tại học sinh yếu, kém có nguy cơ ngồi nhầm lớp.
Bài viết của các em còn sơ sài, chiếu lệ, viết cho có để đối phó với giáo viên. Dẫn đến sản phẩm là những bài văn lạc đề, lệch đề. Bài văn không có kết cấu đoạn mạch rõ ràng, từ ngữ thiếu chính xác, sai chính tả. Những bài văn chưa trọn vẹn do chưa có phần kết hay phần kết không ăn nhập gì với phần mở.
1.2. Nguyên nhân
1.2.1.Về phía giáo viên
– Giáo viên chưa phân loại từng đối tượng học sinh. Giáo viên chưa đi sát vào các đối tượng và có các phương pháp giáo dục phù hợp.
– Giáo viên chưa thực sự khai thác các phương pháp dạy học và những kĩ thuật mới. Phần lớn GV lớn tuổi, hạn chế trong việc áp dụng các phương pháp mới. Việc dự giờ thăm lớp còn hạn chế do bị động về thời gian.
1.2.2. Về phía học sinh
– Phần lớn học sinh yếu, kém là những học sinh cá biệt. Trong lớp không chịu chú ý chuyên tâm vào việc học. Về nhà không xem bài, không chuẩn bị bài, không làm bài tập. Còn một bộ phận nhỏ thì các em chưa xác định được mục đích của việc học.
– Nhiều học sinh đã không có được những vốn kiến thức cơ bản ngay từ lớp nhỏ. Lên các lớp lớn thì học sinh đã quên hết cho nên việc tiếp thu kiến thức mới.
– Các môn tự nhiên được phụ huynh và học sinh đề cao. Ngược lại các môn xã hội thì không chú trọng chưa quan tâm. Hơn nữa không ít em chưa có thói quen đọc sách, ham đọc sách.
– Một số học sinh của trường điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Gia đình chủ yếu sống bằng nghề nông. Các em ở nhà phải phụ giúp gia đình nên ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian tự học. .
2. Tính mới của sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học
2.1. Đối với giáo viên
2.1.1. Tổ chức khảo sát, lập danh sách để phân loại đối tượng học sinh
Đầu năm học giáo viên nên đưa ra kế hoạch, phương pháp phụ đạo học sinh yếu kém. Giáo viên nên trao đổi với giáo viên các năm trước đó để nắm được lực học của học sinh.
Giáo viên cho học sinh làm bài kiểm tra để phân loại đối tượng một cách chính xác nhất. Giáo viên phải khảo sát khả năng đọc, viết của học sinh. Sau đó lập danh sách đối tượng học sinh yếu, kém để đưa ra những phương pháp phù hợp.
2.1.2. Sử dụng các phương pháp dạy học tích cực
a. Phương pháp phụ đạo học sinh yếu, kém hiệu quả
Giáo viên phải hướng dẫn học sinh nghiên cứu bài kĩ ở nhà trước khi đến lớp. Giáo viên cần kiểm tra học sinh về việc viết bài và làm bài tập, sửa bài tập. Chú ý quan sát cách các em ghi bài, làm bài để sửa chữa kịp thời về lỗi.
Bồi dưỡng những học sinh yếu, kém hổng kiến thức bằng nhiều hình thức. Tận dụng các tiết tự chọn trên lớp cho học sinh giải quyết những bài tập ở tiết chính khóa. Cho học sinh ngồi tại lớp học bài sau đó trả bài; phân công học sinh khá, giỏi kèm cặp giúp đỡ học sinh yếu. Giáo viên nên phối hợp với phụ huynh học sinh để có phương pháp hiệu quả nhất.
Trong quá trình chấm bài, sửa bài, giáo viên cần chú ý đến những học sinh yếu, kém. Cần chỉ rõ những lỗi sai của các em về cách diễn đạt, chính tả, cách dùng từ… Cần nhận xét thấu đáo và mang tính động viên khích lệ để các em nhận ra lỗi sai của mình.
b. Đổi mới, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực.
Vận dụng các phương pháp dạy học linh hoạt, hiệu quả trong từng bài giảng. Các phương pháp thảo luận theo nhóm nhỏ, sẽ rèn cho học sinh năng lực hợp tác giữa các thành viên trong nhóm. Tư duy tích cực của học sinh sẽ được phát huy. Học sinh yếu kém có cơ hội học hỏi và bổ sung kiến thức cho bản thân.
Tổ chức các trò chơi trong giờ học Ngữ văn (giải ô chữ, đóng vai các nhân vật trong truyện…). Giúp không khí học tập sôi động, đem cảm giác thoải mái cho học sinh. Qua đó học sinh ghi nhớ tốt hơn, hứng thú học tập hơn. Trong tổ chức các trò chơi giáo viên tạo điều kiện cho học sinh yếu, kém tham gia các câu hỏi dễ, đóng vai phù hợp… điều đó sẽ giúp học sinh vừa tiếp thu bài dễ hơn, vừa mất đi cảm giác tự ti, tích cực tham gia vào các hoạt động học tập tiếp theo.
c. Ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học
Giáo viên cần dành thời gian để sưu tầm, thiết kế tiết học bằng giáo án điện tử với những hình ảnh, tài liệu phong phú, các đoạn video về các tác phẩm truyện kể, thông qua các đoạn video sẽ dễ dàng thu hút sự quan tâm chú ý của các em học sinh yếu, kém, giúp các em dễ dàng nắm bắt được kiến thức và khắc sâu hơn.
Ở các tiết Văn bản sau khi cho học sinh đọc văn bản thì giáo viên có thể cung cấp cho học sinh một số hình ảnh minh họa để học sinh có thể nhìn vào đó mà tóm tắt tác phẩm. Trong những tiết Tiếng Việt hay Tập làm văn có thể chiếu một số đoạn văn mẫu, bài tập mẫu để phân tích cho học sinh cách làm.
d. Tổ chức một số hoạt động ngoại khóa
Lứa tuổi Trung học cơ sở là lứa học sinh đang tuổi phát triển, các em còn rất hiếu động, ưa tìm tòi, khám phá. Vì thế, nếu giáo viên biết cách xen kẽ một số hoạt động ngoại khóa vào quá trình học tập thì sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong việc gây hứng thú cho các em, đặc biệt các em yếu, kém.
Nội dung của các buổi hoạt động ngoại khóa ở cấp Trung học cơ sở có thể sẽ tìm hiểu về các lĩnh vực văn thơ, có thể là thi làm thơ, tục ngữ, cũng có thể là tổ chức các cuộc thi hóa trang, kể chuyện liên quan tới các tác phẩm văn học… Nếu có điều kiện hơn nữa thì có thể đưa các em đi thực tế để từ đó tạo hứng thú học tập cho các em.
e. Xây dựng môi trường học tập thân thiện trong tiết học
Với những học sinh yếu, kém đa phần các em là những học sinh chưa ngoan, thường hay nói chuyện, quậy phá trong giờ học. Vì thế giáo viên phải là người cảm hóa các em không chỉ là những kiến thức sư phạm mà phải bằng cả trái tim. Giáo viên phải có tấm lòng yêu trẻ, không phân biệt đối xử giữa các học sinh khá, giỏi với học sinh yếu, kém. Cần hướng dẫn tận tình, ngợi khen đúng lúc để động viên khích lệ các em.
Sự thân thiện của giáo viên là điều kiện cần để những biện pháp đạt hiệu quả cao. Thông qua cử chỉ, lời nói, ánh mắt… của mình tạo sự gần gũi, cảm giác an toàn nơi học sinh. Giáo viên luôn tạo cho bầu không khí lớp học thoải mái, nhẹ nhàng. Không mắng hoặc dùng lời thiếu tôn trọng với các em. Hãy làm cho học sinh thương yêu và tôn trọng mình.
f. Thay đổi cách nhận thức của phụ huynh và học sinh về môn Ngữ văn
Giáo viên phải luôn nghiêm túc với tiết dạy. Chuẩn bị chu đáo về nội dung lẫn đồ dùng dạy học. Kết hợp nhiều phương pháp khác nhau đặc trưng của bộ môn trong một tiết dạy để học sinh hứng thú, say mê với giờ học.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần giảng giải cho các em hiểu về sự quan trọng của môn Ngữ văn không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giáo dục cách làm người. Có lẽ, khi giáo viên đã truyền hết tâm huyết trong tiết dạy cùng với trái tim yêu trẻ của mình thì sẽ góp phần quan trọng trong việc thay đổi suy nghĩ của phụ huynh, học sinh. Để từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy cho bộ môn Ngữ văn.
2.2. Về phía học sinh
2.2.1. Rèn luyện phương pháp tự học
Tự học là một trong những điều kiện tiên quyết giúp học sinh củng cố, khắc sâu kiến thức. Ngoài ra, rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu SGK nhằm giúp học sinh tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học.
Đối với những học sinh yếu, kém các em phải tự rèn luyện phương pháp tự học cho mình. Ở nhà xem lại nội dung thầy cô dạy ở trường. Soạn bài bằng cách trả lời các câu hỏi ở phần đọc – hiểu đối với phần Văn bản. Làm các bài tập đối với phân môn Tiếng Việt. Với phân môn Tập làm văn học sinh phải tự tập cách xây dựng dàn bài, viết câu, viết đoạn…
2.2.2. Thường xuyên truy cập Internet, đọc văn mẫu
Đa số các học sinh yếu, kém thường không có điều kiện học tập, cha mẹ không quan tâm, sách tham khảo dường như không có. Bên cạnh đó, các em cũng không có ý thức trong việc đọc các bài văn mẫu tham khảo. Vì vậy, trong các tiết Tập làm văn giáo viên sẽ dành thời gian đọc cho các em nghe các bài văn mẫu, những bài văn của các bạn khá giỏi để học sinh yếu, kém có thể tham khảo cho bài viết của mình.
Bên cạnh đó, trường có nhiều máy vi tính thuận lợi cho việc dạy học, khai thác học liệu mở. Giáo viên nên đăng kí các tiết học phòng máy cho học sinh truy cập Internet. Ngoài ra, học sinh phải cố gắng đọc các bài văn hay để bổ sung kiến thức cho mình trong các giờ luyện tập, tự chọn, phụ đạo.
2.2.3. Luyện viết chính tả, luyện đọc
Thực ra ở cấp Trung học cơ sở không có tiết học nào là tiết luyện viết chính tả, tập đọc như ở Tiểu học. Song song với đó vô hình chung giáo viên chúng ta cũng quên mất phải rèn viết chính tả, luyện đọc cho các em. Vì vậy, các em học sinh đặc biệt là học sinh yếu, kém cũng quen thói “viết ẩu”, “viết đua” cho kịp với bạn bè…
Bên cạnh đó, đa số học sinh yếu, kém khả năng đọc bài của các em rất hạn chế. Thế nên, đối với phần chính tả giáo viên nên yêu cầu mỗi em có một quyển tập luyện viết. Về nhà các em luyện viết theo những nội dung giáo viên dặn dò, khi lên lớp giáo viên có thể trực tiếp kiểm tra tập các em hoặc giao nhiệm vụ cho ban cán sự lớp. Đối với phần đọc, học sinh cần luyện đọc theo câu, theo đoạn và luyện đọc hàng ngày để tăng dần khả năng đọc cho bản thân.
3. Khả năng áp dụng của sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học
– Nếu tìm ra được những biện pháp cần thiết để giúp học sinh yếu, kém học tập tốt môn Ngữ văn thì sẽ giúp cho các em linh hoạt trong mọi tình huống cụ thể, qua đó kết quả học tập cũng như giảng dạy của HS và GV ngày một nâng cao.
– Với những gì đã nghiên cứu được, tôi hy vọng đề tài này không chỉ được áp dụng riêng cho môn Ngữ văn, cho học sinh trường, mà còn có thể áp dụng được đối với các môn học khác và các trường THCS khác trên địa bàn TP.
4. Hiệu quả
(Giáo viên cung cấp số liệu so sánh bằng bảng thống kê để thấy được hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học)
Qua thời gian thực hiện các giải pháp sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học, bước đầu chất lượng bài viết của học sinh được nâng lên. Bài viết bị điểm kém giảm của học sinh giảm đi rõ rệt. Việc áp dụng các phương pháp đa dạng phong phú làm cho tiết dạy hay hơn, hấp dẫn hơn. Học sinh yếu, kém trở nên năng động, tự tin hơn trong việc tiếp thu kiến thức.
Kết quả điều tra cho thấy, đa số học sinh yếu, kém đều thích học thông qua các phương pháp này. Nhiều em rất thích thú khi tự tìm hiểu, khám phá nội dung bài học. Tạo được hứng thú học tập cho học sinh. Giúp các em hiểu và yêu môn Ngữ văn hơn. Kết quả học tập được nâng lên, số học sinh yếu, kém giảm rõ rệt.
Theo dõi giaoducmoi.com
Xem thêm: Công tác chủ nhiệm lớp đạt hiệu quả cao trong dạy học
Học sinh mất tiền trong lớp giáo viên phải giải quyết như thế nào?