Giáo án Ngữ văn Ôn tập hè lớp 6

Giáo án Ngữ văn Ôn tập hè lớp 6 cung cấp giáo án tham khảo cho thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy.

GIÁO ÁN ÔN TẬP HÈ LỚP 6
Năm học ( 2023-2024)
TUẦN
NỘI DUNG ÔN TẬP
TUẦN 1

( 4 Tiết)

Luyện từ và câu: TỪ VÀ CẤU TẠO TỪ

I.Lý thuyết

  1. Khái niệm:

     – Từ đơn: Từ đơn là từ chỉ có một tiếng có nghĩa.

     – Từ phức: Từ phức là từ do hai hoặc nhiều tiếng tạo nên.

 2. Phân loại:
     Từ phức gồm hai loại: từ ghép và từ láy.

– Từ ghép: Từ ghép là từ phức tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ về nghĩa với nhau.

Từ ghép được chia làm 2 loại đó là từ ghép tổng hợp và từ ghép phân loại.

Từ ghép tổng hợp
Từ ghép phân loại
Khái niệm
– Là loại từ được ghép từ 2 hoặc nhiều từ đơn nhưng có nghĩa tổng quát, chung cho một danh từ, địa điểm hay hành động cụ thể nào.– Là từ mang một nghĩa cụ thể, xác định chính xác một địa danh, hành động hay tên gọi nào đó.
Ví dụ
– Bánh trái là từ ghép tổng hợp nói chung cho nhiều loại bánh hoặc trái.– Bánh pizza chỉ tên một loại bánh được làm từ bột mỳ và nhiều thành phần khác.
– Từ láy: Là từ được tạo thành bởi các tiếng giống nhau về vần, thường từ trước là tiếng gốc và từ sau sẽ láy âm hoặc vần của tiếng gốc.

Từ láy được phân thành 2 loại:

·         Từ láy bộ phận: các tiếng sẽ có sự giống nhau về vần, phụ âm đầu.

·         Từ láy toàn bộ: tiếng sẽ được lặp lại toàn bộ, tuy nhiên cũng có sự thay đổi thanh điệu, phụ âm cuối để mang lại sự hài hòa âm thanh khi nói hoặc viết.

II. Luyện tập

Bài 1: Cho đoạn văn sau:

       “Quanh nhà ông bà ngoại là vườn dừa, là những bờ đất trồng dừa có mương nước hai bên. Vườn dừa rất mát vì tàu dừa che hết nắng, vì có gió thổi vào. Và mát vì có những trái dừa cho nước rất trong, cho cái dừa mỏng mỏng mềm mềm vừa đưa vào miệng đã muốn tan ra mát rượi . Vườn dừa là chỗ mấy đứa con traicon gái trong xóm ra chơi nhảy dâyđánh đáođánh đũa .”

(trích Vườn dừa của ngoại – Diệp Hồng Phương)

a) Hãy sắp xếp các từ in đậm vào bảng sau:

Từ đơn
Từ phức
Từ ghépTừ láy

b) Với các từ đơn mà em tìm thấy ở câu a, hãy tạo thành 5 từ phức với mỗi từ đơn.

c) Chọn 3 từ phức mà em tìm được ở câu b và đặt câu.

Hướng dẫn trả lời:

a) Sắp xếp các từ in đậm vào bảng sau:

Từ đơn
Từ phức
Từ ghépTừ láy
dừa, nắng, gió, mát, trong, xóm
bà ngoại, vườn dừa, mương nước, tàu dừa, trái dừa, mát rượi, con trai, con gái, nhảy dây, đánh đáo, đánh đũamỏng mỏng, mềm mềm
b) Gợi ý:
Từ đơn
Từ phức
dừaquả dừa, cây dừa, trái dừa, nước dừa, mứt dừa, đuông dừa, dừa khô, cơm dừa, cùi dừa…
nắngánh nắng, tia nắng, nắng gắt, nắng nóng, nắng nôi…
giócơn gió, làn gió, gió mát, mưa gió, mưa bão…
mátmát mẻ, mát rượi, gió mát…
trongtrong trẻo, trong veo, trong trắng, trong suốt, trong xanh…
xómxóm trọ, xóm núi, xóm phố, khu xóm…
c) Gợi ý:

– Cây dừa cao vút, tán lá xanh um, che mát cho chúng em ngồi chơi.

– Những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu xuống những giọt sương long lanh như pha lê.

– Một cơn gió mát rượi khác lạ thổi từ xa tới, báo hiệu sắp có một cơn mưa dông ghé thăm.

– Những làn gió đem đến sự mát mẻ quý giá giữa trưa hè oi ả.

– Xóm trọ trở nên đông đúc hơn nhờ sự hiện diện của những tân sinh viên mới nhập học.

Bài 2: Hãy xếp các từ phức sau thành hai loại: Từ ghép và từ láy: sừng sững, chung quanh, lủng củng, hung dữ, mộc mạc, nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc, thanh cao, giản dị, chí khí.

Hướng dẫn trả lời:

Từ ghép: chung quanh, hung dữ, vững chắc, thanh cao, giản dị, chí khí.

Từ láy: sừng sững, lủng củng, mộc mạc, nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai

Bài 3:

a. Tạo 2 từ ghép có nghĩa phân loại, 2 từ ghép có nghĩa tổng hợp, 1 từ láy từ mỗi tiếng sau: nhỏ, sáng, lạnh.

b. Tạo 1 từ ghép, 1 từ láy chỉ màu sắc từ mỗi tiếng sau: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen.

Hướng dẫn trả lời:

a. Gợi ý:

Từ ghép phân loạiTừ ghép tổng hợp
nhỏnhỏ xíu, nhỏ connhỏ bé, to nhỏ
sángsáng chói, sáng rựcsáng tối, ánh sáng
lạnhlạnh ngắt, lạnh cónglạnh lẽo, nóng lạnh
b. Gợi ý:
Từ ghépTừ láy
xanhxanh lá, xanh biển, xanh tươi, xanh tốt…xanh xanh…
đỏđỏ chót, đỏ tươi, đỏ thẫm…đo đỏ
trắngtrắng tinh, trắng bệch, trắng toát…trăng trắng…
vàngvàng chanh, vàng rực, vàng ươm…vàng vàng…
đenđen thui, đen bóng, đen kịt…đen đen, đen đúa…
Bài 4: Cho các từ: mải miết, xa xôi, xa lạ, phẳng lặng, phẳng phiu, mong ngóng, mong mỏi, mơ mộng.

a. Xếp những từ trên thành 2 nhóm: từ ghép, từ láy.

b. Cho biết tên gọi của kiểu từ ghép và từ láy ở mỗi nhóm trên.

Hướng dẫn trả lời:a)

Từ láyTừ ghép
mải miết, xa xôi, phẳng phiu,  mong mỏi, mơ mộng.xa lạ, phẳng lặng, mong ngóng

b) 

Từ láyTừ ghép
Từ láy bộ phậnTừ láy toàn bộTừ ghép tổng hợpTừ ghép phân loại
mải miết,  xa xôi, phẳng phiu, mong mỏi, mơ mộng.xxa lạ, phẳng lặng, mong ngóngx
TUẦN 2
TIẾT 5,6: TỪ ĐỒNG NGHĨA, TỪ TRÁI NGHĨA

I.Lý thuyết

   1. Từ đồng nghĩa

-Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau.

VD: Siêng năng, chăm chỉ, cần cù,…

-Có những từ đồng nghĩa hoàn toàn, có thể thay thế cho nhau trong lời nói. VD: Hổ, cọp, hùm,…

-Có những từ đồng nghĩa không hoàn toàn, khi dùng những từ này ta phải cân nhắc để lựa chọn cho đúng.VD: chết, hi sinh; biếu, cho;…

    2. Từ trái nghĩa

– Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau.

VD: cao- thấp, phải – trái, đêm-ngày

–                    Tác dụng làm nổi bật những sự vật, sự việc, hoạt động, trạng thái,…đối lập nhau.

II.Luyện tập

Bài 1.Tìm những từ đồng nghĩa và trái nghĩa với các từ:

a. Nhân hậu          c.Dũng cảm

b.Trung thực        d. Cần cù

 

Hướng dẫn trả lời:

a. Nhân hậu:

Đồng nghĩa: nhân nghĩa, nhân ái, nhân từ, phúc hậu, phúc đức,…

Trái nghĩa: bất nhân, bất nghĩa, ác độc, tàn bạo, tàn nhẫn, vô đạo, bạo tàn,…

b.Trung thực

Đồng nghĩa: thẳng thắn, thật thà, ngay thẳng, thành thật,..

Trái nghĩa: Dối trá, lừa lọc, mánh khóe, gian giảo, giả dối, gian manh, lừa đảo,…

c. Dũng cảm

Đồng nghĩa: gan dạ, anh dũng, bạo gan,..

Trái nghĩa: nhát gan, hèn nhát, nhát như cáy,…

d. Cần cù

Đồng nghĩa: siêng năng, chịu khó, nhẫn nại, chuyên cần, chăm chỉ,…

Trái nghĩa: lười biếng, biếng nhác, lười nhác,…

Bài 2. Xếp các từ cho dưới đây thành những nhóm từ đồng nghĩa: bao la, lung linh, vắng vẻ, hiu quạnh, long lanh, lóng lánh, mênh mông, vắng teo, vắng ngắt, bát ngát, lấp loáng, lấp lánh, hiu hắt, thênh thang.

 

Hướng dẫn trả lời:

+ bao la, mênh mông, bát ngát, thênh thang.

  + lung linh, lóng lánh, long lanh, lấp loáng, lấp lánh.

  + vắng vẻ, hiu quạnh, vắng teo, vắng ngắt, hiu hắt.

Bài 3. Đặt câu với các từ ngữ dưới đây:

  a. Quê hương

  b. Quê mẹ

  c. Quê cha đất tổ

  d. Nơi chôn rau cắt rốn

Hướng dẫn trả lời:

a. Quê hương em ở tận Cà Mau.

b.Xa xứ, người ta thường nhớ về quê mẹ.

c. Những người con xa xứ họ luôn hướng về quê cha đất tổ.

d. Tết này tôi sẽ trở về nơi chôn rau cắt rốn.

Bài 4. Thay những từ in đậm trong đoạn văn dưới đây bằng các từ đồng nghĩa cho chính xác hơn.

  “ Hoàng chén nước bảo ông uống. Ông đầu Hoàng và nói: “ Cháu của ông ngoan lắm! Thế cháu đã học bài chưa?” Hoàng nói với ông: “ Cháu vừa thực hành xong bài tập rồi ông ạ!”

Hướng dẫn trả lời:

         bê ðbưng

         bảo ðmời

         vò ðxoa

          nóið thưa

          thực hành ð làm

TIẾT 7,8: VĂN MIÊU TẢ ( TẢ ĐỒ VẬT)

I. Lý thuyết

1. Văn miêu tả là gì?

– Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, sự việc, con người phong cảnh,…

– Muốn tả hay cần phải: quan sát, nhận xét, tưởng tượng, ví von, so sánh,…

  2. Phương pháp làm bài văn miêu tả đồ vật

*Bước 1: Xác định đối tượng miêu tả:

Đồ vật em định tả là cái gì? Đồ vật đó của ai? Do đâu mà có? Nó xuất hiện trong thời gian nào?

*Bước 2: Quan sát đối tượng miêu tả:

– Quan sát kĩ: hình dáng, kích thước, màu sắc của đồ vật và chất liệu tạo nên nó.

– Ghi nhớ những nét bao quát và những nét cụ thể của đồ vật (cấu tạo bên ngoài, bên trong, từng bộ phận….). Sắp xếp các chi tiết ấy theo một trình tự hợp lí cho dễ miêu tả.

– Công dụng của đồ vật ấy đối với người sử dụng.

*Bước 3: Lập dàn ý.

*Bước 4: Lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để xây dựng thành một bài văn tả đồ vật hoàn chỉnh.

3. Dàn bài chung:

* Mở bài:

– Tên đồ vật được tả.

– Đồ vật ấy của ai? Nó được mua hay được làm, trong thời gian nào?

*Thân bài:

– Tả khái quát về hình dáng, kích thước, màu sắc, chất liệu và cấu tạo của đồ vật đó.

– Tả cụ thể tường bộ phận của đồ vật (theo trình tự từ trên xuống dưới hay từ ngoài vào trong).

– Tác dụng của đồ vật.

*Kết bài:

Nêu cảm nghĩ của bản thân đối với đồ vật được miêu tả.

II. Luyện tập:

Đề bài: Em hãy tả lại chiếc bút máy mà em đang sử dụng.

Gợi ý:

-Viết phần mở bài (Chiếc bút của em có trong trường hợp nào? Mẹ em mua nhân dịp năm học mới hay bố em tặng nhân dịp sinh nhật?...)

-Quan sát kĩ chiếc bút em định tả: hình dáng bên ngoài, đặc điểm, cấu tạo bên trong, cách sử dụng,… các đặc điểm sau:

–         Cây bút dài khoảng một gang tay.

–         Thân bút tròn.

–         Nắp bút có đai sắt.

–         Chiếc ngòi nhỏ xíu.

–         Chiếc ruột gà làm bằng nhựa mềm.

Thêm ý cho các dòng sau diễn đạt ý trọn vẹn :

–         Hôm đầu tiên cầm chiếc bút trên tay,…

–         Mỗi khi ngòi bút chạy trên trang giấy,…

–         Từ khi có cây bút mới,…

–         Đã qua một học kì,…

–         Nét chữ của em giờ đây…

–         Lần đầu tiên được cô giáo cho điểm mười bài tập viết,…

–         Niềm sung sướng thôi thúc em…

+ Viết phần kết bài (Chiếc bút đã gắn bó thân thiết với em như thế nào? Em sẽ giữ gìn bút ra sao?...)

  TUẦN 3
TIẾT 9,10. TỪ ĐỒNG ÂM, TỪ NHIỀU NGHĨA, QUAN HỆ TỪ, ĐẠI TỪ
I.Lý thuyết
   1. Từ đồng âm

-Từ đồng âm là những từ có âm thanh giống nhau nhưng nghĩa hoàn toàn khác xa nhau.

VD: -Con ngựa đá con ngựa đá.

Đá1: Chỉ hoạt động của con ngựa (từ loại động từ)

Đá2: Chỉ chất liệu tạo nên con ngựa (từ loại danh từ)

    2. Từ nhiều nghĩa

Là những từ có một nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển. Các nghĩa của từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có mối liên hệ với nhau.

VD: mũi ngửi rất thính, mũi thuyền, mũi Cà Mau,..

    3. Đại từ:

Là từ dùng để xưng hô, để trỏ vào các sự vật, sự việc hay để thay thế danh từ, động từ, tính từ( hoặc cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ) trong câu cho khỏi lặp lại các từ ngữ ấy.

VD: -Theo tôi lúa gạo là quý nhất.

-Chích bông sà xuống vườn cải. tìm bắt sâu bọ.

-Tôi rất thích thơ. Em gái tôi cũng vậy.

      4. Quan hệ từ:

Là từ nối các từ ngữ hoặc các câu nhằm thể hiện mối quan hệ giữa những từ ngữ hoặc những cây cối với nhau: và, với, hay, hoặc, nhưng, mà, thì, của..hoặc các cặp quan hệ từ: Vì…nên…;  do…nên (quan hệ nguyên nhân, kết quả) Nếu…thì, hễ… thì (quan hệ giả thiết, kết quả; quan hệ điều kiên, kết quả) Tuy…nhưng…, mặc dù…nhưng…( quan hệ tương phản); không những…mà…, không chỉ…mà…) quan hệ tăng tiến.

VD: Hôm qua, tôi mẹ về thăm nội.

II.Luyện tập

1.Trong các câu có chứa các từ: mắt, chân, đầu, câu nào mang nghĩa gốc.

    a. Mắt

a 1. Đôi mắt của bé mở to.

a 2. Quả na mở mắt.

     b. Chân

b 1. Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

b 2. Bé đau chân.

      c. Đầu

c 1. Khi viết, em đừng nghẹo đầu.

c 2. Nước suối đầu nguồn rất trong.

Hướng dẫn trả lời

Nghĩa gốc:  a1 ,b2  ,c1

2.  Các từ chỉ bộ phận cơ thể người và động vật thường là những từ nhiều nghĩa. Hãy tìm một số từ ví dụ về chuyển nghĩa của những từ sau: lưỡi, miệng, cổ, tay, lưng.

Hướng dẫn trả lời

+Lưỡi: lưỡi cày, lưỡi liềm, lưỡi dao,…

+Miệng:miệng giếng, miệng hố, miệng hang,..

+Cổ: cổ chai, cổ lọ, cổ tay, cổ áo,…

+Tay: tay áo, tay vợt, tay súng, …

+Lưng: lưng đồi, lưng núi, làng quay lưng ra đồng mặt hướng về dòng sông.

3. Các câu sau đây đã sử dụng những từ đồng âm nào để chơi chữ

a. Ruồi đậu mâm xôi đậu.

Kiến bò đĩa thịt bò.

b. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.

c. Bác bác trứng, tôi tôi vôi.

d. Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa.

Hướng dẫn trả lời

a. đậu…đậu

bò…bò

b. chín… chín.

c. Bác bác, tôi tôi.

d. đá … đá, … đá … đá ..

4. Đặt câu để phân biệt các từ đồng âm: Bàn cờ, nước.

Hướng dẫn trả lời

VD: Tôi muốn bàn với anh công việc.

Cái bàn này tôi vừa mới mua.

……..

5. Tìm quan hệ từ trong mỗi câu sau và nêu rõ tác dụng của chúng

a.Chim, Mây, Nước và Hoa đều cho rằng tiếng hót kì diệu của Họa Mi đã làm cho tất cả bừng tỉnh giấc.

b.Những hạt mưa to và nặng bắt đầu rơi xuống như ai ném đá, nghe rào rào.

c.Bé Thu rất khoái ra ban công ngồi với ông nội, nghe ông rủ rirgiangr về từng loại cây.

Hướng dẫn trả lời

a. Và: nối ( Chủ ngữ)

Rằng: Quan hệ chính phụ

Của: nối ( quan hệ sở hữu)

b. Và : nối (định ngữ bổ sung ý nghĩa cho cụm DT “ những hạt mưa”

c. Với: nối

Về: nối

6. Đặt câu với các cặp quan hệ từ sau:

Vì…nên…;  do…nên (quan hệ nguyên nhân, kết quả) Nếu…thì, hễ… thì (quan hệ giả thiết, kết quả; quan hệ điều kiên, kết quả) Tuy…nhưng…, mặc dù…nhưng…( quan hệ tương phản); không những…mà…, không chỉ…mà…) quan hệ tăng tiến.

TIẾT 11,12. VĂN MIÊU TẢ ( TẢ CÂY CỐI)
1. Dàn bài chung:
*Mở bài:

Giới thiệu cây (tên gọi, nơi trồng, thời gian trồng,…).

*Thân bài:

Tả cây (từ bao quát đến từng bộ phận cụ thể).

–         Tầm vóc, hình dáng (lớn hay nhỏ, cao hay thấp, thanh mảnh hay sum sê,…).

–         Rễ, thân, cành, lá,… có đặc điểm gì?

–         Hoa, trái có đặc điểm gì? (về màu sắc, hương thơm, mùi vị,…). Thường ra vào

mùa nào trong năm?

–         Cây gắn bó với môi trường sống và con người như thế nào?

*Kết bài:

Cảm nghĩ của em về cây đó (yêu thích, nâng niu, chăm sóc,…).

2. Luyện tập
*Đề bài: Dựa vào bài thơ “Cây dừa”, em hãy tả lại một cây dừa đáng yêu.

Cây dừa

Cây dừa xanh toả nhiều tàu

Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng

Thân dừa bạc phếch tháng năm

Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao.

Đêm hè hoa nở cùng sao

Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh.

Ai mang nước ngọt, nước lành

Ai đeo bao hũ gạo quanh cổ dừa.

Tiếng dừa làm dịu nắng trưa

Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo

Trời trong đầy tiếng rì rào

Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra…

Đứng canh trời đất bao la

Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi.

(Trần Đăng Khoa)

TUẦN 4
TIẾT 13,14. TỪ LOẠI VÀ CÂU ĐƠN, CÂU GHÉP
I.Lý thuyết

   1. Từ loại

-Danh từ là những từ chỉ người vật, hiện tượng, khái niệm,..

VD: bàn, ghế, bảng, viết,..Lan, Hồng…

-Động từ: Là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật.

VD: chạy , nhảy, đi, cười , nói…

-Tính từ: Là những từ chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái.

VD: bé, to, gầy, cao, xanh, đỏ,..

2. Câu.

–  Dựa vào đặc điểm cấu tạo, câu có thể chia ra thành câu đơn và câu ghép.

      a) Câu đơn : Xét về cấu tạo chỉ gồm một nòng cốt câu ( bao gồm 2 bộ phận chính là CN và VN).

b) Câu ghép : là câu do nhiều vế ghép lại .Mỗi vế câu ghép thường có cấu tạogiống một câu đơn.. (có đủ CN, VN ) và thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của những vế câu khác.

Có 2 cách nối các vế câu trong câu ghép:

–         Cách 1 : Nối bằng các từ có tác dụng nối.

–         Cách 2 : Nối trực tiếp ( không dùng từ nối ). Trong trường hợp này,

giữa các vế câu cần có  dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.

II.Luyện tập

Câu 1: Câu nào sau đây không phải là câu ghép ?

a, Cánh đồng lúa quê em đang chín rộ.

b, Mây đen kéo kín bầu trời, cơn mưa ập tới.

c, Bố đi xa về, cả nhà vui mừng.

d, Bầu trời đầy sao nhưng lặng gió.

Câu 2: Trong câu sau: “Ngay thềm lăng, mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho một đoàn quân danh dự đứng trang nghiêm.” có:

a, 1 tính từ, 2 động từ                           b, 2 tính từ, 1 động từ

c, 2 tính từ, 2 động từ                           d, 3 tính từ, 3 động từ

Câu 3: Dòng nào dưới đây gồm toàn các từ láy?

a, Bằng bằng, mới mẻ, đầy đủ, êm ả.

b, Bằng bằng, cũ kĩ, đầy đủ, êm ái.

c, Bằng phẳng, mới mẻ, đầy đặn, êm ấm.

d, Bằng bằng, mơi mới, đầy đặn, êm đềm.

Câu 4: Dòng nào dưới đây chỉ gồm toàn động từ?

a, Niềm vui, tình yêu, tình thương, niềm tâm sự.

b, Vui chơi, đáng yêu, đáng thương, sự thân thương.

c, Vui chơi, yêu thương, thương yêu, tâm sự

d, Vui chơi, niềm vui, đáng yêu, tâm sự.

5. Thêm một vế câu vào chỗ trống để tạo thành câu ghép

a. Mùa xuân đã về, ………………

b. Mặt trời mọc,……………..

c.Trong truyện cổ tích cây khế, người em chăm chỉ, hiền lành còn……

d. Vì trời mưa to……

6. Chọn quan hệ từ thích hợp trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống. Giải thích vì sao em chọn quan hệ từ ấy.    ( vì ,tại, do, nhờ)

a. …..thời tiết thuận nên lúa tốt.

b……thời tiết không thuận nên lúa xấu.

7. Thêm vào chỗ trống một vế câu thích hợp để tạo thành câu ghép chỉ nguyên nhân – kết quả:

a. Vì bạn An không thuộc bài….

b. Do nó chủ quan ……

c………nên Bích Vân đã có nhiều tiến bộ trong học tập.

8. Viết đoạn văn từ 3-5 câu tả ngoại hình một người bạn của em, trong đoạn văn có ít nhất một câu ghép. Cho biết các vế câu trong câu ghép được nối với nhau bằng cách nào.

TIẾT 15, 16. TẢ LOÀI VẬT

1- Dàn bài chung:

* Mở bài:

Giới thiệu con vật (tên gọi). Con vật này của ai? Nuôi từ bao giờ?…

*Thân bài:

Tả con vật (từ bao quát đến từng bộ phận cụ thể).

– Tả ngoại hình: Hình dáng, tầm vóc, màu sắc , đường nét cùng các bộ phận đầu, tai, mũi, miệng, chân, đuôi,…

– Tả đặc tính và hoạt động của con vật: Chọn ra những điểm tiêu biểu nhất thể hiện được đặc tính chung của giống loài (mèo khác chó, bò khác heo, gà khác vịt,…) và đặc tính (tính nết) riêng của con vật trong ăn uống, hoạt động,…

– Tác dụng của con vật đối với đời sống con người.

*Kết bài: Cảm nghĩ của em đối với con vật được tả.

2- Bài tập thực hành:

Đề bài:

Mẹ dang đôi cánh                     Bây giờ thong thả

Con biến vào trong                     Mẹ đi lên đầu

Mẹ ngẩng đầu trông                    Đàn con bé tí

Bọn diều bọn quạ                       Líu díu theo sau

(Phạm Hổ)

        * Gợi ý:

Hãy tìm và quan sát một đàn gà mẹ con đang đi kiếm mồi.

Bài tập 2

+Tả đặc điểm của những chú gà con:

–        Nhìn từ xa, những chú gà con trông như…

–        Đến gần, nom chúng tựa…

–        Con nào con nấy…

–        Chiếc mỏ…

–        Đôi mắt…

–        Hai bàn chân…

+ Tả hoạt động kiếm mồi của đàn gà mẹ con:

Gà mẹ dẫn con ra cạnh đống rơm. Cả đàn con xúm lại. Những bàn chân nhỏ xíu thoăn thoắt bới đất.

+ Tả hoạt động của đàn gà mẹ con khi gặp kẻ thù:

Trên trời bỗng xuất hiện một con diều hâu. Gà mẹ xù lông. Diều hâu lượn mấy vòng rồi biến mất.

=> Viết lại thành một bài văn hoàn chỉnh có đủ 3 phần (Lưu ý sử dụng các câu nối và từ nối để liên kết các đoạn văn.

 

3- Bài tập về nhà:

Đề 1: Hãy tả lại một chú chó đáng yêu.

Đề 2: Hãy tả lại một con vật nuôi trong nhà mà em yêu quý.

 

TUẦN 5
TIẾT 17,18. ÔN TẬP VỀ DẤU CÂU
I. LÝ THUYẾT :

*Dấu câu là kí hiệu chữ viết để biểu thị ngữ điệu khác nhau. Những ngữ điệu này lại biểu thị những quan hệ ngữ pháp khác nhau và những mục đích nói khác nhau.

*Mười dấu câu thường dùng là: Dấu chm, chấm hỏi, chấm than (chấm cảm), dấu phẩy, chấm phẩy, hai chấm, gạch ngang, ngoặc đơn, ngoặc kép, chấm lửng(ba chấm).

          a) Dấu chấm:

Dấu chấm đặt ở cuối câu báo hiệu câu đã kết thúc. Viết hiết câu phải ghi dấu chấm. Khi đọc, gặp dấu chấm phải hạ giọng và nghỉ hơi (nghỉ hơi một quãng bằng khoảng thời gian đọc một chữ). Chữ cái đầu câu phải viết hoa. Dấu chấm thường đặt ở cuối câu kể, đồng thời có khả năng đánh dấu sự kết thúc của một đoạn văn.

             b) Dấu phẩy :

– Dấu phẩy được đặt xen kẽ trong câu. Một câu có thể có một hoặc nhiều dấu phẩy. Khi đọc, gặp dấu phẩy phải ngắt hơi ngắn (thời gian ngắt hơi bằng bằng nửa quãng nghỉ hơi sau dấu chấm). Dấu phẩy giúp cho các ý, các phần trong câu được phân cách rõ ràng.

– Dấu phẩy dùng để :

+ Tách các bộ phận cùng loại (đồng chức) với nhau.

+ Tách các bộ phận phụ với nòng cốt câu.

+ Tách các vế câu ghép.

          c) Dấu chầm hỏi:

Dùng đặt cuối câu hỏi. Khi đọc câu có dấu chấm hỏi, cần nhấn mạnh vào nội dung cần hỏi .Thời gian nghỉ lấy hơi sau dấu phẩy như dấu chấm.Sau dấu chầm hỏi, bắt đầu một câu khác, phải viết hoa chữ cái đầu câu.

          d) Dấu chấm than (dấu chấm cảm):

Là dấu câu dùng để đặt cuối câu cảm hoặc câu khiến.Khi gặp dấu chấm cảm phải nghỉ hơi như dấu chấm.

e) Dấu chấm phẩy:

Là dấu dùng đặt giữa các vế câu hoặc các bộ phận đẳng lập với nhau. Khi đọc phải ngắt ở dấu chấm phẩy, ngắt quãng dài hơn so với dấu phẩy và ngắn hơn so với dấu chấm.

f) Dấu hai chấm: Là dấu dùng để:

– Báo hiệu lời tiếp theo là lời nói trực tiếp của người khác được dẫn lại (dùng kèm dấu ngoặc kép hoặc dấu gạch đầu dòng).

– Báo hiệu lời tiếp theo là lời giải thích, thuyết minh cho bộ phận đứng trước nó.

          g) Dấu gạch ngang: Là dấu câu dùng để:

– Đặt trước những câu hội thoại.

– Đặt trước bộ phận liệt kê.

– Dùng để tách phần giải thích với các bộ phận khác của câu.

– Dùng để đặt trước các con số, tên riêng để chỉ sự liên kết.

          h) Dấu ngoặc đơn: Là dấu câu dùng để:

– chỉ ra nguồn gốc trích dẫn.

– Chỉ ra lời giải thích.

          i) Dấu ngoặc kép: Dùng để:

– Báo hiệu lời dẫn trực tiếp.

– Đánh dấu tên một tác phẩm.

– Báo hiệu những từ trong ngoặc kép phải hiểu theo nghĩa khác với nghĩa vốn có của nó hoặc hiểu theo nghĩa ngược lại, mỉa mai.

          k) Dấu chấm lửng (dấu ba chấm): Dùng để :

– Biểu thị lời nói bị đứt quãng vì xúc động.

– Ghi lại những chỗ kéo dài của âm thanh.

– Chỉ ra rằng người nói chưa nói hết.

II. LUYỆN TẬP:

Bài 1:

Trong những câu sau đây, dấu hai chấm có tác dụng gì?

a)     Sự vật xung quanh tôi có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

b)    Bố dặn bé Lan: “Con phải học bài xong rồi mới đi chơi đấy!”.

*Đáp án :

a) Bắt đầu sự giải thích.

b) Mở đầu câu trích dẫn.

Bài 2:

Đặt 2 câu có dùng dấu ngoặc đơn:

–         Phần chú thích trong ngoặc đơn làm rõ ý một từ ngữ.

–         Phần chú thích cho biết xuất xứ của đoạn văn.

Bài 3:

Điền dấu phẩy, dấu chấm, dấu hai chấm, dấu chấm hỏi và dấu chấm cảm vào chỗ trống  sao cho thích hợp:

Sân ga ồn ào….nhộn nhịp…..đoàn tàu đã đến…..

…..Bố ơi….bố đã nhìn thấy mẹ chưa…….

…..Đi lại gần nữa đi….con….

….A….mẹ đã xuống kia rồi…..

*Đáp án :

Sân ga ồn ào, nhộn nhịp: đoàn tàu đã đến.

–         Bố ơi, bố đã nhìn thấy mẹ chưa?

–         Đi lại gần nữa đi, con!

–         A, mẹ đã xuống kia rồi!

TIẾT 19,20. TẬP LÀM VĂN MIÊU TẢ NGƯỜI

1- Phương pháp làm bài:

Tả người là ghi lại những riêng về hình dáng và tính tình của một người mà em đã nhìn thấy.

–  Xác định rõ người sẽ tả là ai.

– Quan sát kĩ người sẽ tả để tìm ra những nét riêng biệt của người đó..

– Lựa chọn những từ ngữ thích hợp (nhất là các động từ, tính từ để vừa nêu được những nét riêng biệt, nổi bật nhất của người được tả, vừa bộc lộ được thái độ, tình cảm của mình đối với người đó.

2- Dàn bài chung:

*Mở bài:

Giới thiệu người sẽ tả: Em được gặp người ấy ở đâu/ Trong thời gian nào? Cảm xúc ban đầu của em về người đó như thế nào?…

*Thân bài:

– Tả hình dáng:

+Tả bao quát về tuổi tác (già hay trẻ), tầm vóc (cao lớn hay nhỏ nhắn), dáng điệu (duyên dáng, nhanh nhẹn hay chậm chạp), nghề nghiệp (bác sĩ, công nhân,…), cách ăn mặc,…

+Tả chi tiết: Những nét nổi bật nhất (khuôn mặt, mái tóc, đôi mắt, cái miệng, làn da, chân tay,…)

– Tả tính tình- hoạt động:

+Tính tình của người đó như thế nào? (chất phác, vui nhộn hay dễ cáu gắt,…). Giọng nói ra sao? (nhẹ nhàng hay sang sảng), cử chỉ, điệu bộ,…Cách cư xử với người khác (ân cần, chu đáo,…), việc làm bộc lộ rõ rệt đạo đức, tình cảm và tính nết của người được tả.

+Hoạt động: Tả các việc làm cụ thể: người ấy đang làm gì? Cách làm như thế nào?

*Kết bài:

Cảm nghĩ cuối cùng của em về người đó (ấn tượng sâu sắc, ảnh hưởng của người đó đối với bản thân…)

II. Luyện tập

*Đề bài: Em hãy tả lại mẹ em và nói lên tình cảm của em đối với mẹ

Gợi ý:

+ Tả ngoại hình:

–        Mẹ em ngoài (30) tuổi.

–        Người mẹ (gầy).

–        Gương mặt (xương xương).

–        Đôi mắt (hiền dịu).

–        Tóc mẹ (dài).

–        Nước da mẹ (hơi đen).

–        Bàn tay mẹ (chai sần).

+ Tả tính tình mẹ em dựa vào các gợi ý sau:

–        Mẹ em là người giản dị, ân cần và chu đáo.

–        Mẹ chăm chỉ, lam lũ, không ngại gian khổ.

–        Mẹ rất thương yêu mọi người trong gia đình.

+Viết một bài văn hoàn chỉnh tả về người mẹ kính yêu của mình.

 

TUẦN 6
TIẾT 21, 22. LIÊN KẾT CÂU

I. LÝ THUYẾT

* Câu văn là một bộ phận của đoạn văn. Trong một đoạn văn, các câu văn phải liên kết chặt chẽ với nhau cả về nội dung và hình thức. Cụ thể :

1) Về nội dung :

– Các câu phải phục vụ chủ đề chung của đoạn văn.

– Các câu phải sắp xếp theo trật tự hợp lí.

2) Về hình thức:

* Phép lặp :

– Ta có thể liên kết một câu với một câu đứng trước nó bằng cách dùng bằng cách lặp lại trong câu ấy những từ ngữ đã xuất hiện ở câu đứng trước nó.

* Phép thế :

– Ta có thể liên kết một câu với một câu đứng trước nó bằng cách dùng đại từ hoặc những từ ngữ đồng nghĩa thay thế cho các từ ngữ đã dùng ở câu đứng trước .

* Phép nối:

– Ta có thể liên kết một câu với một câu đứng trước nó bằng quan hệ từ hoặc một số từ ngữ có tác dụng kết nối như: nhưng, tuy nhiên,thậm chí, cuối cùng, ngoài ra, mặt khác, trái lại, đồng thời,…

          II. LUYỆN TẬP:

Bài 1: Tìm từ được lặp lại để liên kết câu:

Bé thích làm kĩ sư giống bố và thích làm cô giáo giống mẹ. Lại có lúc bé thích làm bác sĩ để chữa bệnh cho ông ngoại….

 

          *Đáp án :

Từ ngữ lặp : bé thích làm.

Bài 2: Tìm từ ngữ có tác dụng nối trong đoạn trích sau, nói rõ từ ngữ này nối kết những nội dung gì với nhau:

Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt minh hơn trước. Thậm chí, đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo.

(Hồ Chí Minh)

*Đáp án:

– Tuy vậy : Có tác dụng biểu thị sự đối lập giữa ý trên và ý dưới.

TIẾT 23,24. TẬP LÀM VĂN TẢ CẢNH

1- Phương pháp làm bài:

* Bước 1: Xác định đối tượng miêu tả:

Xác định xem đối tượng miêu tả là cảnh gì? Ở đâu? Cảnh đó có từ bao giờ?…

Phạm vi không gian và thời gian của cảnh được miêu tả và nội dung chủ yếu cần làm toát lên từ cảnh đó.

*Bước 2: Quan sát đối tượng miêu tả.

Chọn vị trí quan sát thuận tiện nhất để nắm bắt được những chi tiết, đặc điểm cơ bản quan trọng của cảnh. Người quan sát có thể là người trong cuộc (người trực tiếp tham gia) hoặc là người trực tiếp chứng kiến.

Quam sát bằng mắt nhìn, tai nghe và kết hợp các giác quan khác. Lưu ý đén các yếu tố: màu sắc, hình ảnh, âm thanh có hoà hợp với nhau không?

*Bước 3: Lập dàn ý.

*Bước 4: Sắp xếp ý, lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để xây dựng thành một bài văn hoàn chỉnh.

2- Dàn bài chung:

*Mở bài:

– Giới thiệu cảnh định tả (ngôi nhà, trường học, vườn hoa,…).

– Cảnh đó ở đâu? Em tả nó vào thời điểm nào? Em có tham gia chứng kiến cảnh đó?…

*Thân bài:

– Tả những nét chung nổi bật của toàn cảnh: Những nét bao quát khi thoạt nhìn cảnh:

Quang cảnh chung, cảm tưởng chung về cảnh.

– Tả từng bộ phận của cảnh ( theo trình tự hợp lí từ ngôài vào trong hoặc từ trên xuống dưới,…).

+Chọn tả những nét tiêu biểu nhất, xác định trung tâm của cảnh  cần miêu tả là gì?

+Chú ý tả đường nét, màu sắc của cảnh vật. Sự liên quan giữa cảnh vật ấy với cảnh vật xung quanh nó.

+Tả người, vật gắn với cảnh (nếu có).

– Tình cảm, thái độ của người tả.

*Kết bài: Nêu cảm nghĩ của người viết trước cảnh được tả.

II. Luyện tập

*Đề bài:

Đồng chiêm phả nắng lên không

Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng

Gió nâng tiếng hát chói chang

Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời.

(Nguyễn Duy).

Quê em lúa đang mùa chín rộ. Nhìn cánh đồng lúa chín ai cũng thấy đẹp, thấy vui. Hãy tả cảnh cánh đồng lúa chín quê em.

* Gợi ý :

+ Tả bao quát cánh đồng dựa vào các ý sau:

–         Lúa đang vào mùa chín rộ.

–         Cả cánh đồng sáng rực lên như một tấm thảm vàng.

–         Thoang thoảng đâu đây hương lúa chín.

–         Những bông lúa trĩu xuống.

–         Thân lúa vàng óng.

–         Những đốt lá quăn lại.

–         Cả vạt lúa xôn xao, báo hiệu một vụ mùa bội thu.

+ Tả hoạt động của một vài nhóm người trên cánh đồng, dựa vào các ý sau:

–         Một vài tốp người đang gặt lúa.

–         Nón trắng nhấp nhô.

–         Tiếng nói cười vui vẻ.

=> Viết một bài văn hoàn chỉnh dựa theo các ý  trên.

 

BTVN:

*Tả cảnh sinh hoạt: (Là một dạng của kiểu bài tả cảnh)

 

Đề: Hãy tả lại quang cảnh đường làng em (hoặc phố em) lúc bắt đầu một ngày mới.

 

 

TUẦN 7
TIẾT 25,26. HƯỚNG DẪN HS SOẠN BÀI NGỮ VĂN 6

TIẾT 27,28. LUYỆN ĐỀ THI KHẢO SÁT ĐẦU NĂM.

Trên đây là Giáo án Ôn tập hè lớp 6. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.

Xem thêm:

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé!

Leave a Reply

Required fields are marked*