Dàn ý Viết bài văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh cung cấp tư liệu tham khảo cho bài viết.
Dàn ý Viết bài văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Dàn ý chi tiết:
1. Mở bài:
– Dưới ngòi bút tài hoa của nhiều thi sĩ, mùa thu bao giờ cũng đẹp, cũng đắm say.
– Đúng như thế! Đến với bài thơ Sang thu, tác giả Hữu Thỉnh đã cho em sự ngỡ ngàng, thích thú trước khoảnh khắc giao mùa tuyệt đẹp, từ hạ sang thu.
– Đó là bức tranh mùa thu đầy màu sắc ở vùng nông thôn Bắc bộ, đồng thời thể hiện những triết lí về cuộc sống đáng quý biết bao.
2. Thân bài:
a/ Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên với những tín hiệu giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu thật nhẹ nhàng mà tinh tế.
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
– Những hình ảnh thiên nhiên vào thời khắc giao mùa như “hương ổi” sánh quyện phả vào ‘gió se” đem ban phát vào không gian. Động từ “phả” xuất hiện trong câu thơ thứ hai vừa diễn tả được tốc độ bay của gió vừa cho người đọc cảm nhận được “hương ổi” đang ở độ đậm đặc nhất, quyến rũ nhất, nồng nàn nhất.
– Với nghệ thuật nhân hóa, làn sương “chùng chình” ở câu thơ thứ ba thật uyển chuyển, đủng đỉnh nửa như muốn ở lại nửa như muốn bước qua mùa thu.
– Ngay ba câu thơ đầu, tác giả đã cho người đọc được cảm nhận một bức tranh thiên nhiên đẹp nhẹ nhàng, trong sáng, dễ chịu. Bức tranh ấy được tác giả cảm nhận tinh tế bằng tất cả các giác quan từ khứu giác, xúc giác, thị giác và bằng cả tâm hồn yêu thiên nhiên sâu sắc.
– Đã ngửi thấy hương ổi, đã cảm nhận được gió se, mắt còn thấy cả sương chùng chình. Tức là tất cả các giác quan đều đã cảm nhận thấy dấu hiệu của mùa thu đang hiện hữu. Thế mà tác giả lại viết:
“Hình như thu đã về”.
“Hình như” là cảm giác mơ hồ, nửa tin mà nửa còn ngờ vực. Nhưng ở đây, sự nghi ngờ của nhà thơ lại làm nổi bật một đặc trưng khi giao mùa – là mùa thu đến thật nhẹ nhàng, kín đáo, thật êm dịu làm sao.
b/ Cảnh sắc mùa thu mỗi lúc một hiện lên rõ nét cụ thể hơn. Khổ thơ tiếp theo đã ghi lại những cảm nhận ấy.
“ Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây màu hạ
Vắt nửa mình sang thu”
– Bằng Biện pháp nhân hoá đặc sắc, độc đáo, hai câu thơ mở ra một không gian ba chiều thoáng đãng cao rộng. Trời đã sang thu, nước sông vơi không còn, cuồn cuộn, dữ dội và gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ mà giờ đây sông êm ả, dềnh dàng, đang dần lắng lại, lững lờ như ngẫm nghĩ, như suy tư. Tương phản với sông là “chim bắt đầu vội vã” để tránh cái lạnh của mùa thu.
Dù có sự vội vã của cánh chim nhưng không khí thu vẫn là thư thái, lắng đọng, rộng rãi. Vì vậy mà nó không làm mất đi nét duyên dáng của đám mây mùa hạ:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
– Đọc hai câu thơ, em vô cùng thích thú trước hình ảnh đám mây được nhân hóa thật khéo léo, tài tình. Đám mây như tấm khăn voan, như dải lụa của người thiếu nữ trên bầu trời nửa đang còn ở mùa hạ nửa đã nghiêng về mùa thu. Đám mây ở đây như một cầu nối giữa hai mùa hạ và thu.
– Bước sang khổ thơ thứ 3, tác giả vẫn lảm toát lên vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa.Vẫn còn nắng, mưa, sấm nhưng sự xuất hiện các từ “vẫn còn”, “đã vơi”, “cũng bớt” trong khổ thơ này đã cho thấy mọi vật đang đi vào chừng mực ổn định.
– Có lẽ mùa thu đã âm thầm len vào cái ào ạt, chói chang của mùa hạ. Cảm xúc của nhà thơ cũng lắng đọng lại để suy nghĩ về triết lý sống. Hình ảnh ẩn dụ “ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi” phải chăng, đó là hình ảnh của con người đã từng trải, trưởng thành, vững vàng trước khó khăn, biến cố của cuộc đời.
3. Kết bài:
– Với việc sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật và thể thơ năm chữ ngắn gọn tác giả đã làm nổi bật bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu.
– Qua đây, ta cũng thấy được tình yêu thiên nhiên tha thiết cùng những triết lý sâu sắc về cuộc đời mà nhà thơ Hữu Thỉnh muốn gửi gắm.
– Và bài thơ đã bồi đắp cho em một tình yêu thiên nhiên tha thiết, một tinh thần mạnh mẽ, sẵn sàng vượt qua những trở ngại trong cuộc sống để trưởng thành hơn.
Trên đây là Dàn ý Viết bài văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh. Mời các bạn xem thêm các bài viết khác của trang.
Xem thêm: