Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng”

Phân tích nhân vật ông Hai

Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân là một trong những đề nghị luận văn học. Bài viết cung cấp tư liệu tham khảo cho các em học sinh.

Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng”

“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay…”

Thật vậy, đối với tôi cũng thế. Quê hương với bao cảnh vật gần gũi, thân thương. Nơi ấy có nhiều kỉ niệm thật đẹp đẽ về tuổi ấu thơ. Quê hương tôi là cây đa, giếng nước đầu làng, là cánh đồng cò bay thẳng cánh. Nơi ấy có bà con lao động cần cù, có tình làng nghĩa xóm, có mái ấm gia đình. Có thể nói quê hương là một tình cảm vô cùng thiêng liêng. Không chỉ vậy, nó còn là đề tài chính của các nhà văn hiện nay.

Trong đó, có nhà văn Kim Lân – một người vốn am hiểu sâu sắc về cuộc sống của những người nông dân, vì thế đa số các tác phẩm của ông đều viết về cảnh sinh hoạt của người nông dân nghèo. Và tác phẩm “Làng” là một minh chứng cho vẻ đẹp của tình yêu làng, yêu nước của họ. Nhưng đọng lại và đi sâu vào trong lòng các độc giả nhiều nhất, đó là hình ảnh về nhân vật ông Hai. Nào chúng ta hãy cũng bước vào tác phẩm để có thể thấy được những đặc điểm đáng quý, đáng khâm phục của nhân vật được viết dưới ngòi bút của tác giả.

Khi đọc đoạn trích “Làng”, độc giả cảm thấy bị thu hút, hấp dẫn bới cách kể chuyện hết sức chân thật, sinh động, miêu tả nội tâm nhân vật độc đáo của Kim Lân. Truyện xoay quanh nhân vật ông Hai – người dân làng Chợ Dầu. Khi ông đi tản cư, ông luôn nhớ làng tha thiết và lúc nào cũng tự hào luôn khoe với mọi người về làng ông yêu nước. Chính vì điều đó, ông lại rất đau khổ, xấu hổ, tủi nhục khi hay tin làng theo giặc. Nhưng đến cuối đoạn trích là hình ảnh ông Hai vui mừng về việc đi khoe với mọi người tin làng theo giặc được cải chính cho dù nhà ông bị đốt.

Trước hết, điều mà người đọc cảm nhận được ở ông Hai là tình yêu làng tha thiết, da diết. Nó được thể hiện ở tính hay khoe làng. Trước Cách mạng tháng Tám, khi nhắc đến làng là ông Hai tự hào về cái “sinh phần” của viên tổng đốc làng ông, nguy nga đồ sộ… Ông còn khoe và hãnh diện với mọi người về “con đường làng trải toàn đá xanh. Trời mưa, trời gió bão, bùn đi không dính gót. Trong làng, nhà ngói san sát như trên tỉnh”… Sau Cách mạng tháng Tám, khi khoe làng ông chỉ nhắc đến “… cái chòi thông tin cao ráo … Những ngày cùng anh em, đồng chí đào đường, đắp ụ xẻ hào, khuân đá…”.

Từ đó, ta thấy được rằng ông Hai rõ ràng đã có sự thay đổi về nhận thức. Trước đây, ông chỉ chú trọng đến cái hào nhoáng, bóng bẩy bên ngoài. Bây giờ ông hãnh diện, tự hào về những điều đơn giản nhưng có ích cho làng, cho đất nước và trong nhận thức đó, làng không chỉ giàu và đẹp, mà làng còn có tinh thần yêu nước. Không chỉ vậy, từ cụ già đến trẻ con đều có tinh thần chiến đấu.

Ngoài ra tình yêu làng còn thể hiện trong cảm xúc “nhớ làng” da diết của ông Hai khi đi tản cư ở một nơi khác. Ông nhớ đến từng chi tiết cái cổng làng, con đường trải đã, từng anh em đồng chí trong làng. Nỗi nhớ ấy dâng trào trong đầu ông khiến ông buộc miệng thốt lên: “Ôi nhớ làng, nhớ cái làng quá!”.

Qua đó, ta thấy đối với ông, làng là máu thịt, là những gì gần gũi thân thương, là nơi sinh ra, lớn lên và tạo dựng cơ nghiệp. Không những vậy, nơi ấy còn có biết bao kỉ niệm gần gũi, gắn bó vì vậy khi xa làng, ông nhớ về nó, đó là điều hiển nhiên cũng như trong một bài thơ nhà thơ Chế Lan Viên có viết:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”

Bên cạnh đó, tình yêu làng đặt trong một tình huống gay cấn, là khi ông hay tin “làng Chợ Dầu” Việt gian theo Tây. Nghe tin sét đánh ấy ông Hai bàng hoàng “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân… giọng lạc hẳn đi”. Sự đau đớn còn được thể hiện qua nét mặt, cử chỉ, giọng nói của ông lão.

Không đau đớn, bàng hoàng sao được vì trong sâu thẳm trái tim ông, làng Chợ Dầu là làng anh hùng, làng của kháng chiến và cách mạng. Thế mà giờ đây, tất cả niềm tin, niềm tự hào đã hoàn toàn sụp đổ. Vì vậy, trên đường trở về nhà “ông Hai cúi gầm mặt xuống mà đi”; ông xấu hổ không dám nhìn ai, ông tự vấn lương tâm chua chát, đau đớn khi giọng nói của người đàn bà cho con bú còn vẳng theo: “Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó! Đói khổ ăn cắp, ăn trộm bắt được người ta còn thương. Cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát!”.

Sự uất ức, căm giạn ấy theo đuổi ông Hai ngay cả khi về đến nhà. Ông nằm vật ra giường, “nước mắt ông lão cứ giàn ra”, rồi bao nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn nối tiếp tuôn trào trong đầu óc của ông. Nỗi ám ảnh day dứt nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông. Ông tủi hổ, đau khổ như chính ông là người có lỗi: đây có lẽ là đoạn mà tác giả miêu tả nội tâm nhân vật thành công nhất bởi người đọc có thể cảm nhận được giờ đây ông Hai thật sự rất đau khổ tột cùng vì tin làng Chợ Dầu theo giặc.

Có thể nói, ông làm sao mà không đau khổ cho được khi mỗi lời nói của mọi người về làng, giờ đây đều như là những nhát dao đâm thẳng vào tim mình.

Điều khiến người đọc trân trọng và cảm phục chính là lòng yêu nước nồng nàn của ông Hai. Ông Hai đặt tình yêu nước trên tình yêu làng. Khi phải rời làng đi tản cư ông Hai buồn vô hạn. Bởi vì, ông cho rằng mình không thể góp sức cùng anh em đồng chí, không thể ở lại làng để chiến đấu.

Nhưng vì chính sách cụ Hồ, ông lão phải làm theo và tự nhủ với lòng mình “tản cư cũng là kháng chiến”. Từ câu nói của ông Hai, người đọc có thể thấy ông tự an ủi mình để khỏi bị dằn vặt khi bỏ làng, bỏ tất cả mọi thứ dể đi tản cư bởi trong nhận thức của người nông dân, họ làm vậy để phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Ngoài ra, hằng ngày, ông vào phòng thông tim mỗi sáng để nghe tin tức kháng chiến: “… Ruột gan ông lão như nhảy múa cả lên…”, khi nhận bao nhiêu là tin hay: “một em nhỏ bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kì lên Tháp Rùa, anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên lính Pháp đã tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng…”.

Đọc đoạn này, độc giả sẽ cảm nhận được: chính lòng yêu nước đã làm ông cảm thấy vui khi nghe mấy tin ấy. Cho dù đi xa nhưng tình yêu của ông vẫn luôn hướng về làng, nỗi vui của ông hòa với cái vui của dân tộc khi đánh thắng giặc. Không những vậy, lòng yêu nước còn thể hiện qua việc ông luôn ủng hộ kháng chiến, cách mạng, khi hay tin làng Chợ Dầu theo giặc, ông vô cùng đau đớn để có thể đi đến sự lựa chọn: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây… thì phải thù”.

Trong tâm trạng bị dồ nén và bế tắc ấy, ông chỉ còn biết tìm niềm an ủi trong lời tâm sự với đứa con trai nhỏ bé bổng. Có thể nói, câu nói xuất phát từ ông Hai thể hiện tấm lòng son sắt của ông dành cho đất nước. Từ đó, ta thấy được rằng ông Hai rất đau đớn, tuyệt vọng và kiên quyết đến nhường nào khi dẫn đến quyết định đó, bởi trong suy nghĩ của ông Hai ước mơ lớn nhất chính là được quay trở về làng.

Mà giờ đây ông không yêu làng, ngược lại là thù làng. May thay tin đồn thất thiệt về làng Chợ Dầu được cải chính, ông Hai vui mừng, sung sướng như sống lại. Ông đóng khăn áo chỉnh tề đi đến đâu cũng bô bô: “Tây nó đốt nhà tôi rồi các bác ạ. Đốt nhẵn!… Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả”, “ông cứ múa tay lên mà khoe với mọi người”.

Ông khoe làng mình bị đốt sạch như thể chứng minh và khẳng định rằng làng ông không theo giặc. Đúng là thật chưa từng có xưa nay, ruộng nương, gian nhà, sự nghiệp là những tài sản vô cùng quý giá, cả đời mới có thể tạo ra được, vậy mà khi mất hết, ông không hề nuối tiếc mà ngược lại rất sung sướng, hạnh phúc. Bởi độc giả có thể cảm nhận được rằng trong sự cháy rụi ngôi nhà, trong cái làng của ông là sự hồi sinh về danh dự của làng Chợ Dầu anh dũng kháng chiến. Đó là niềm vui kì lạ thể hiện tinh thần hi sinh, tình yêu làng, yêu nước, họ thà chịu mất tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ.

Tác giả đã thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật ông Hai – một lão nông dân chất phác, nghèo khổ nhưng tấm lòng dành cho làng cho nước thì vô cùng sâu đậm, nồng nàn. Ông Hai là biểu tượng rực rỡ, cao đẹp cho người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Để có thể thành công trong việc khắc họa nhân vật ông Hai là nhờ vào tài năng và ngòi bút của nhà văn. Kim Lân am hiểu đời sống người nông dân nên đã thành công khi dùng ngôn ngữ để làm hiện lên một ông Hai ở làng Chợ Dầu, bằng những tình tiết nhỏ nhưng làm nên một câu chuyện hấp dẫn. Đồng thời, qua việc bộc lộ nội tâm nhân vật lúc thù đau khổ, lúc thì sung sướng, hạnh phúc làm người đọc ngỡ rằng phải có một ông Hai bước từ đời thực vào trang sách của Kim Lân chứ không phải do hư cấu.

Dù ông Hai đã xác định: làng theo giặc thì phải thù, nhưng vẫn không thể dứt bỏ được tình cảm của mình đối với quê hương bởi nhà thơ Đỗ Trung Quân có nói:

“… Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người”

và tình yêu quê hương, đất nước không chỉ có riêng trong cái nhìn của Kim Lân mà vẻ đẹp của tình yêu đó còn thể hiện nơi những người lính trưc tiếp chiến đấu nơi tuyến đường Trường Sơn qua ngòi bút của Phạm Tiến Duật, trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã viết”

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”

Tình yêu Tổ quốc, tình yêu thương đồng bào, đồng chí ở miền Nam đau khổ đã khích lệ, động viên người chiến sĩ vận tải vượt khó khăn gian khổ, luôn lạc quan, bình tĩnh nắm chắc tay lái, nhìn thật đúng hướng để đưa đoàn xe khẩn trương tới đích. Ẩn sau trong “một trái tim” cầm lái, là con người, là sức mạnh quyết định, chiến thắng trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường, dũng cảm, niềm lạc quan và một niềm tin vững chắc.

Qua đây, chúng ta thấy cả “Làng” “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đều khắc họa cho người đọc thấy rõ hình ảnh của những con người mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước nồng cháy, mãnh liệt. Nhưng qua cái nhìn của Kim Lân tình yêu đất nước được thể hiện với hình ảnh của người nông dân yêu nước một cách mộc mạc, chân thành.

Điều đó, bộc lộ mạnh mẽ hơn khi ông Hai được tác giả đặt vào tình huống gay cấn. Còn đối với Phạm Tiến Duật tình yêu đất nước được khắc họa qua những người lính lái những chiếc xe không kính trên tuyến đường Trường Sơn, họ là những chàng trai ở Hà thành xếp bút nghiên lên đường tham gia kháng chiến, qua đó tác giả làm bật lên tinh thần dũng cảm, hiên ngang, lạc quan vượt qua khó khan, gian khổ dành chiến thắng.

Qua “Làng” tác giả đã xây dựng tình huống truyện hợp lí kết hợp nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật đã thể hiện được tình yêu làng thống nhất với tình yêu nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân. Từ nhân vật ông Hai, chúng ta thấy được rằng những người nông dân trước Cách mạng tháng Tám rất cần cù, chân chất, thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu khuất phục giặc.

Vì thế, thể hệ trẻ ngày nay cần phải cố gắng học tập, chăm chỉ trong mọi việc tùy theo sức của mình để có thể giúp ích cho đất nước. Qua đó, ta thể hiện lòng yêu Tổ Quốc, tình yêu quê hương, như câu nói: “Bạn có thể khiến mọi người rời bỏ quê hương họ nhưng bạn không thể cướp mất quê hương trong trái tim họ”.

Trên đây là bài viết Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng”. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.

Xem thêm:

Leave a Reply

Required fields are marked*