Dàn ý phân tích bài thơ Sang thu nhằm cung cấp cho các em học sinh định hướng viết bài văn đạt kết quả cao. Bài viết cung cấp cho các em dàn bài tham khảo.
Dàn ý phân tích bài thơ Sang thu
ĐỀ: Cảm nhận của em về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
( Ngữ văn 9, tập 2)
Dàn ý phân tích bài thơ Sang thu
-
Mở bài
– Giới thiệu về Hữu Thỉnh và khái quát nội dung bài thơ “Sang thu”
Mùa thu luôn là đề tài muôn thuở của thi ca. Có thể mùa thu trong thơ Xuân Diệu với “áo mơ phai dệt lá vàng”, trong thơ của Lưu Trọng Lư là hình ảnh của “con nai vàng ngơ ngác, đạp lên lá vàng khô”, mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến là “ao thu lạnh lẽo nước trong veo”…. Mỗi nhà thơ đều tự vẽ nên cho mình một bức tranh thu mang đậm dấu ấn cá nhân. Đến với “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh chúng ta lại được tìm về với những hình ảnh thu sang vô cùng bình dị, chân thành mà sâu lắng.
-
Thân bài
* Khái quát: Với thể thơ ngũ ngôn, được viết cuối năm 1977, “Sang thu” của Hữu thỉnh là một khúc giao mùa tinh tế và có hồn, bức tranh sang thu đẹp, có tình, có chiều sâu suy nghĩ.
* Cảm nhận tinh tế của tác giả trước những tín hiệu giao mùa ở không gian gần và hẹp (Khổ 1)
– Cảm nhận bằng khứu giác và xúc giác tín hiệu báo thu về
+ Hương ổi: phả gợi hương thơm quen thuộc ở làng quê, hương như sánh lại, đậm đặc, trong không gian nơi vườn thôn, ngõ xóm.
+ Gió se (gió lạnh và khô): dấu hiệu của cuối hạ sang thu
– Cảm nhận bằng thị giác:
+ Sương “chùng chình”: từ láy gợi hình, cố ý chậm lại, nhẹ nhàng, thong thả, nhẹ nhàng sang thu. Nghệ thuật nhân hóa: sương thu cố ý chậm lại, quấn quýt bên ngõ xóm, đường làng. Sương được nhân hóa như con người có cảm xúc lưu luyến, bâng khuâng và cố ý chậm lại. Hạ dùng dằng chưa lỡ đi mà thu đã đến gần.|
+ Ngõ: ngõ thực, ngõ xóm làng quê; ẩn dụ cửa ngõ của thời gian, thông giữ hai mùa hạ và thu
– Cảm nhận bằng xúc giác:
+ Bỗng: cảm giác bất ngờ, ngỡ ngàng xúc động trước tín hiệu chuyển mùa của thiên nhiên
+ Hình như: cảm giác mơ hồ, mong manh, chưa rõ
=> Bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng những nét thanh sơ, với những hình ảnh quen thuộc, thân thương tác giả đã giúp người đọc bước đi của thời gian khi thu về đồng thời cho thấy sự tinh tế của tác giả.
* Cảm nhận biến chuyển của đất trời sang thu trong không gian dài, rộng, cao (khổ 2)
– Nghệ thuật đối: sông dềnh dàng/ chim vội vã là hình ảnh đối lập tạo sự vận động tương phản, báo hiệu sự thay đổi của thiên nhiên đã rất rõ ràng
– Nghệ thuật nhân hóa, từ láy gợi hình: “Sông dềnh dàng” gợi tả dòng sông trôi chậm chạp
– Nghệ thuật nhân hóa, từ láy gợi hình, gợi ý: “Chim vội vã”
– Nghệ thuật nhân hóa tạo hình ảnh đặc sắc: Đám mây “vắt nửa mình sang thu”.
+ Mây mỏng như dải lụa vắt trên bầu trời: liên tưởng thú vị, đám mây là nhịp cầu của sự giao mùa, dùng không gian để vẽ thời gian.
+ Ranh giới giữa hai mùa trở nên mơ hồ, mỏng manh, nửa nghiêng về mùa hạ, nửa nghiêng về mùa thu.
=> Cảm xúc say sưa, tâm hồn giao cảm với thiên nhiên: tâm trạng ngây ngất khi thu đã về. Cũng vẫn với những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca Việt Nam khi viết về mùa thu nhưng người đọc vẫn nhận ra sự tìm tòi, sáng tạo của tác giả.
* Cảm nhận tiết trời, tạo vật sang thu bằng tâm tưởng, suy tư (khổ 3)
– Chuyển biến của cảnh vật:
+ Nắng, mưa, sấm vơi bớt dần: Những hiện tượng bất thường của thời tiết mùa hạ tuy vẫn còn nhưng mức độ giảm dần
+ Các từ ‘đã vơi dần”, “cũng bớt”: từ chỉ mức độ như đo đếm được độ đậm, nhạt của nắng, mức độ của mưa, của sấm chớp.
– Ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh thiên nhiên
+ Nắng, mưa, sấm: Những thay đổi bất thường trong cuộc đời con người
+ Hàng cây đứng tuổi: những con người đã từng trải, chín chắn, cuộc đời đã sang thu, vững vàng hơn trước những tác động bất thường của cuộc sống
+ Khi con người trải qua những thăng trầm của cuộc đời sẽ vững vàng chủ động hơn trước những biến động của cuộc đời.
=> Đất trời sang thu khiến lòng người cũng bâng khuâng, xúc cảm, gợi suy nghĩ về đời người lúc sang thu
* Đánh giá :
– NT: Với nhiều hình ảnh thơ gợi tả, biểu cảm, các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa kết hợp với từ láy, gợi hình, nghệ thuật đối…
– ND: Bài thơ thể hiện sự cảm nhận tinh tế của tác giả về sự chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu và những suy tư sâu sắc của tác giả về con người và cuộc đời.
-
Kết bài
– Khẳng định giá trị, ý nghĩa của bài thơ.
– Liên hệ, mở rộng.
Trên đây là Dàn ý phân tích bài thơ Sang thu. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.
Xem thêm: