Site icon GIAODUCMOI

Bài thơ Đồng dao mùa xuân và Gặp lá cơm nếp đã gợi cho em những suy nghĩ gì về vẻ đẹp người lính

Bài thơ Đồng dao mùa xuân và Gặp lá cơm nếp đã gợi cho em những suy nghĩ gì về vẻ đẹp người lính cung cấp cho thầy cô và các em học sinh dàn ý và bài viết tham khảo trong quá trình dạy và học.

Bài thơ Đồng dao mùa xuân và Gặp lá cơm nếp đã gợi cho em những suy nghĩ gì về vẻ đẹp người lính
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:

– Dùng những câu văn, câu thơ giới thiệu về hình ảnh người lính:
+ Những người lính mang trong mình nhiều vẻ đẹp đáng tự hào và ngợi ca.
+ Khẳng định đó là những vẻ đẹp đáng quý mà chúng ta cần trân trọng và noi theo
– Dẫn dắt vấn đề: Bài thơ Đồng dao mùa xuân và gặp Gặp lá cơm nếp đã gợi cho em những suy nghĩ sâu sắc về những vẻ đẹp của người lính.

2. Thân bài:
a. Người lính là ai? Nhiệm vụ của họ là gì?

– Người lính: là lực lượng vô cùng quan trọng trong lực lượng vũ trang quốc gia hay trong hàng ngũ quân đội.
+ Trong thời chiến, họ là những con người có xuất thân khác nhau: học sinh, sinh viên; nông dân, đến từ những vùng “nước mặn đồng chua” hay “đất cày lên sỏi đá”.
– Nhiệm vụ người lính: đấu tranh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc bằng nhiều cách khác nhau
– Họ mang trong mình vẻ đẹp về thể lực cũng như về tinh thần.

b. Biểu hiện về vẻ đẹp người lính

– Người lính mang trong mình vẻ đẹp về lí tưởng cao đẹp:
+ Họ là những con người có xuất thân khác nhau nhưng đều hướng tới một lí tưởng chung là hết lòng hi sinh vì nền hoà bình của dân tộc Việt Nam.
+ Vẻ đẹp của lòng yêu nước, ý chí quyết tâm ra đi bỏ lại sau lưng tất cả. Trong tác phẩm “Đồng chí”, Chính Hữu viết:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”.

+ Đánh đổi hạnh phúc cá nhân để hướng về một lòng tổ quốc (Gặp lá cơm nếp + Đồng dao mùa xuân): Là đánh đổi tình cảm nhớ thương mẹ, nhớ thương nguồn cội để chiến đấu vì đất nước (Gặp lá cơm nếp), là đánh đổi tuổi xuân xanh, đánh đổi cả tính mạng để “mùa xuân nhân gian” thêm rực rỡ (Đồng dao mùa xuân)
+ Vượt lên trên tất thảy những nỗi niềm riêng, họ luôn một lòng hướng về Tổ quốc, hướng về nhiệm vụ kháng chiến chung của dân tộc.
+ Trong thời bình, người lính cũng một lòng phục vụ tổ quốc, giữ vững nền độc lập dân tộc bằng cách luôn luôn trau dồi bản thân, phát huy được những truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh.

– Dù hoàn cảnh chiến tranh có khó khăn và thiếu thốn, các anh vẫn sáng lên vẻ đẹp của lòng lạc quan, sự dũng cảm và lòng yêu nước sâu sắc

+ Điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, các anh thường phải hành quân trong rừng với hiểm nguy của “những lần bom nổ – Khói đen rừng chiều” (Đồng dao mùa xuân)
+ Cơn sốt rét rừng, những cơn đau ốm và cả những bom đạn có thể cướp đi mạng sống của các anh bất cứ lúc nào.
 Các anh luôn giữ một tinh thần lạc quan cách mạng, không sợ khó khăn hiểm nguy “miệng cười buốt giá” dù “chân không giày”
 Lòng yêu nước, lòng căm thù giặc với một thái độ quyết tâm đánh bại kẻ thù.

c. Dẫn chứng về vẻ đẹp của những người lính:

– Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai
– 4 chiến sĩ hi sinh trong buổi huấn luyện trực thăng ở Thành phố HCM
– Người chiến sĩ ngày đêm bám biển, canh gác vùng hải đảo của dân tộc
– Ba chiến sĩ đã vừa mới hi sinh trong trận cứu hỏa tại Cầu giấy ngày 1/8/2022, có những người rất trẻ, vẫn đang độ “xuân xanh”,…

d. Bài học nhận thức và hành động

– Nhận thức đúng đắn về vẻ đẹp của người lính cả trong thời kì cách mạng và khi đất nước đã hoà bình
– Những tấm gương sáng về vẻ đẹp tâm hồn vô cùng đáng quý, đáng trân trọng
– Chúng ta cần tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ và giữ gìn độc lập chủ quyền dân tộc như thực hiện đầy đủ việc đi nghĩa vụ quân sự, sẵn sàng ra đi khi tổ quốc cần.

3. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề: Những người lính đều mang trong mình biết bao vẻ đẹp đáng trân trọng và ngợi ca
Là thế hệ tương lai đất nước học sinh chúng ta cần tích cực trau dồi trí lực và thể lực để có thể noi gương các anh, sẵn sàng xung phong khi Tổ quốc cần.

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé! 

Bài thơ Đồng dao mùa xuân và Gặp lá cơm nếp đã gợi cho em những suy nghĩ gì về vẻ đẹp người lính
“Có một thời như thế chẳng hề quên
Là người lính – người quân nhân cách mạng
Dẫu chiến tranh nhưng tâm hồn lãng mạn
Dấu tâm tình trong đáy cóc ba lô”.
Những câu thơ tuyệt đẹp kia đang ngợi ca hình ảnh những người lính – những con người mang trong mình những phẩm chất vô cùng quý báu, đã được các nhà văn, nhà thơ cách mạng hết lời ca ngợi. Họ là biểu tượng cho vẻ đẹp của sự dũng cảm, tinh thần lạc quan, ý chí bất khuất kiên cường và trên tất cả đó là lòng yêu nước nồng nàn. Tất cả những vẻ đẹp đó đều đáng ngợi ca trân trọng, là những tấm gương để thế hệ trẻ ngày nay học tập và noi theo. Bài thơ Đồng dao mùa xuân và gặp Gặp lá cơm nếp đã gợi cho em những suy nghĩ sâu sắc về những vẻ đẹp của người lính.
Người lính ở đây là một lực lượng vô cùng quan trọng trong lực lượng vũ trang quốc gia hay trong hàng ngũ quân đội. Trong thời chiến, họ là những con người có xuất thân khác nhau. Họ có thể là học sinh, sinh viên, tầng lớp trí thức hoặc cũng có thể xuất thân từ nông dân, đến từ những vùng “nước mặn đồng chua” hay “đất cày lên sỏi đá”. Dù trong thời chiến hay thời bình, họ có cùng chung mục đích, nhiệm vụ là đấu tranh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc bằng nhiều cách khác nhau. Họ mang trong mình vẻ đẹp về thể lực cũng như về tinh thần. Hình ảnh của người lính luôn được nhắc tới với những từ ngữ đẹp nhất, sáng ngời những phẩm chất đáng quý.
Trước tiên phải kể đến ở những người lính là vẻ đẹp về lí tưởng cao đẹp. Họ là những con người có xuất thân khác nhau nhưng đều hướng tới một lí tưởng chung là hết lòng hi sinh vì nền hoà bình của dân tộc Việt Nam. Nơi họ sáng ngời vẻ đẹp của lòng yêu nước, ý chí quyết tâm ra đi bỏ lại sau lưng tất cả như Chính Hữu đã từng viết trong bài thơ “Đồng chí”:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay.
Có lúc, họ đánh đổi tình cảm nhớ thương mẹ, nhớ thương nguồn cội để chiến đấu vì đất nước (Gặp lá cơm nếp), đánh đổi tuổi xuân xanh, đánh đổi cả tính mạng để “mùa xuân nhân gian” thêm rực rỡ (Đồng dao mùa xuân)
Vượt lên trên tất thảy những nỗi niềm riêng, họ luôn một lòng hướng về Tổ quốc, hướng về nhiệm vụ kháng chiến chung của dân tộc. Đôi lúc họ sẽ thấy nhớ nhung một quê hương, một dáng hình như người lính trong “Tây tiến”: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Nhưng đó cũng chỉ là những suy nghĩ thoáng qua, họ chỉ dám “mơ” giữa cái hiện thực vô cùng khốc liệt, đòi hòi một tinh thân vững chắc, một ý chí quả cảm để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Còn trong thời bình, người lính cũng một lòng phục vụ Tổ quốc, giữ vững nền độc lập dân tộc bằng cách luôn luôn trau dồi bản thân, phát huy được những truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh.
Hơn thế nữa, dù hoàn cảnh chiến tranh có khó khăn và thiếu thốn đến đâu nơi các anh vẫn sáng lên vẻ đẹp của lòng lạc quan, sự dũng cảm và lòng yêu nước sâu sắc. Lịch sử đã in dấu và nêu bật những thử thách, khó khăn mà người lính đã phải trải qua. Đó có thể là điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, các anh thường phải hành quân trong rừng, các anh đi khi trời tờ mờ sáng và trở về khi trời đã tối trong những điều kiện thời tiết thay đổi khác nhau.
Các anh còn phải đối mặt với những cơn sốt rét rừng, những cơn đau ốm và với hiểm nguy của “những lần bom nổ – Khói đen rừng chiều” (Đồng dao mùa xuân). Thế nhưng đối lập với những khó khăn ấy, các anh luôn giữ một tinh thần lạc quan cách mạng, không sợ khó khăn hiểm nguy “miệng cười buốt giá” dù “chân không giày”. Và để làm được tất cả những điều ấy, họ không thể thiếu lòng yêu nước, lòng căm thù giặc với một thái độ quyết tâm đánh bại kẻ thù.
Trong lịch sử có rất nhiều tấm gương người lính kiên cường, bất khuất đáng để ta nể phục và ngợi ca. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi những trận bão lửa liên tục trút xuống, bộ đội ta thương vong khá nhiều và nơi đó sáng lên hình ảnh của một người anh hùng, một chiến sĩ Phan Đình Giót đã lấy thân mình để lấp lỗ châu mai, giúp cho đồng đội dễ dàng xông lên để tiêu diệt địch. Vẻ đẹp về sự hi sinh của anh thật đáng khâm phục và ngợi ca. Trong thời bình, cũng có không ít những tấm gương người lính hi sinh mạng sống của mình để hoàn thành nhiệm vụ. Mồ hôi rơi trên thao trường, trong những buổi huấn luyện và cả những mất mát, hi sinh. Đó là sự ra đi quả cảm của 4 sĩ quan của Trung đoàn Không quân 917 trong buổi huấn luyện trực thăng tại Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Hay hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm canh gác, bám biển để giữ vững nền độc lập trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Hay như mới đây, ba chiến sĩ đã vừa mới hi sinh trong trận cứu hỏa tại Cầu giấy ngày 1/8/2022, có những người rất trẻ, vẫn đang độ “xuân xanh”,…những người vừa mới 19, 24 tươi đẹp nhất, để lại tuổi thanh xuân mà đổ máu trong thời bình, đáng ngợi ca và trân trọng biết bao nhiêu!
Qua đó, chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn về vẻ đẹp của người lính cả trong thời kì cách mạng và khi đất nước đã hoà bình. Ở thời đại nào cũng vậy, các anh luôn là những tấm gương sáng về vẻ đẹp tâm hồn vô cùng đáng quý, đáng trân trọng, hi sinh những mối bận tâm riêng để lo cho mục tiêu chung của cả dân tộc. Đó là một tinh thần lạc quan, một ý chí kiên cường và một lòng nồng nàn yêu nước. Tất cả đã khắc tạc lên bức tượng đài về người lính luôn đẹp đẽ trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta cần tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ và giữ gìn độc lập chủ quyền dân tộc như thực hiện đầy đủ việc đi nghĩa vụ quân sự, sẵn sàng ra đi khi tổ quốc cần.
Hình ảnh người lính là những tấm gương sáng để thế hệ sau này học tập và noi theo. Là thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta cần ra sức học tập, rèn luyện và trau dồi cả trí lực và thể lực để đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu và đập tan những âm mưu của các thế lực ngoại bang.

Trên đây là Bài thơ Đồng dao mùa xuân và Gặp lá cơm nếp đã gợi cho em những suy nghĩ gì về vẻ đẹp người lính. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác của trang.

Xem thêm:

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời chúng tôi một ly cà phê nhé! 

Exit mobile version